1. Về vấn đề giá phân bón, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) nêu câu hỏi: Hiện nay, giá phân bón, giá nhiều loại vật tư nông nghiệp đang tăng cao, xin Bộ trưởng cho biết các giải pháp để bà con thích ứng với tình hình, sản xuất hiệu quả?
Đại biểu Hoàng Anh Công (Thái Nguyên): Hiện nay, chính sách nhập khẩu nông sản của Trung Quốc đã có nhiều thay đổi với các tiêu chuẩn tiệm cận các nước châu Âu, Mỹ. Xin Bộ trưởng cho biết, làm thế nào để giúp nông dân nâng cao giá trị nông sản, xuất khẩu nông sản bền vững?
Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) lại quan tâm đến vấn đề vật tư nông nghiệp kém chất lượng, "nông dân đã nghèo lại đeo lấy cổ". "Bộ trưởng sẽ làm gì để chấm dứt tình trạng này?", đại biểu nêu câu hỏi. Ngoài ra, đại biểu Dương Văn Phước đặt câu hỏi về xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam, định vị nông sản Việt Nam đang ở giai đoạn nào.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông), đại biểu Lê Thị Song An (Long An) đặt câu hỏi về vấn đề tiêu thụ nông sản, sản xuất nông nghiệp là cứu cánh của nền kinh tế, nhưng thu nhập của nông dân chưa cao, điệp khúc được mùa mất giá chưa có hồi kết. "Qua tiếp xúc cử tri, chúng tôi thấy giá vật tư đầu vào tăng cao, giá phân bón tăng 200%, trong khi thanh long có thời điểm giá thấp, làm cho sản xuất không có lãi, bà con có xu hướng phá bỏ diện tích trồng thanh long", đại biểu Lê Thị Song An nêu một thực tế.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Cần sự thay đổi về tư duy, chứ không chỉ là đối phó nhất thời
Trước khi trả lời các câu hỏi chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội, tôi xin có lời chia sẻ với bà con nông dân trong bối cảnh giá cả vật tư đầu vào tăng mạnh thời gian qua. Tôi cũng xin cám ơn hơn 10,2 triệu hộ nông dân Việt Nam đã có nhiều sáng tạo, nỗ lực trong sản xuất kinh doanh, năng động, linh hoạt ứng phó với mọi hoàn cảnh khó khăn, đóng góp vào kết quả sản xuất nông lâm thủy sản của chúng ta.
Theo đó, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 48,6 tỷ USD trong bối cảnh vô cùng khó khăn vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tưởng chừng không thể đạt được.
Ở góc độ vai trò của Bộ NNPTNT, báo cáo các đại biểu, ngay khi xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong giai đoạn Covid-19 căng thẳng, nhất là tình trạng ùn ứ nông sản ở cửa khẩu phía Bắc, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đã vào cuộc cùng với các bộ ngành, địa phương nhằm tìm ra giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản, hạn chế thiệt hại của bà con nông dân. Tuy nhiên đây là trường hợp bất khả kháng, do chính sách phòng chống dịch Covid-19 giữa 2 bên phía Trung Quốc và Việt Nam khác nhau.
Về câu hỏi của ĐB Chu Thị Hồng Thái, cũng là câu hỏi đặt ra đối với 1 quốc gia làm nông nghiệp, nhưng lại đang phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi. Đây là vấn đề Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ NNPTNT đưa vào chiến lược để làm sao nâng cao tính tự chủ của ngành nông nghiệp, để chúng ta tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, từ đó giảm rủi ro từ các yếu tố thị trường.
Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương đã phối hợp tổ chức nhiều cuộc họp để giải quyết vấn đề này. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp với các hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội Phân bón, Hiệp hội Hóa chất, Bảo vệ thực vật để giải quyết vấn đề này, cố gắng thuyết phục các doanh nghiệp, nhà nhập khẩu giảm giá vật tư đầu vào.
Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, không thể áp đặt, can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính được. Mặc dù vậy, các Hiệp hội cũng đã có một số cam kết nhất định nhằm hỗ trợ bà con nông dân.
Vừa rồi, bà con nông dân cũng có phản ánh có tình trạng dìm giá, tích trữ để tạo ra cú sốc đối với các mặt hàng đầu vào, bên cạnh sự khan hiếm chung của thị trường thế giới. Trước tình hình đó, Bộ NNPTNT đã phối hợp Bộ Công Thương đưa ra khởi tố, điều tra nhiều vụ hàng gian hàng giả. Ngay hôm qua chúng tôi cũng đã triển khai vấn đề này.
Hay ví dụ như tỉnh Tây Ninh đã có sáng kiến đưa tất cả hàng giả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trưng bày để nông dân dễ dàng nhận biết. Đó vừa là giải pháp hành chính, vừa tăng cường truyền thông đến bà con nông dân nâng cao cảnh giác.
Tôi cho rằng, có 2 giải pháp căn cơ có thể giải quyết được tận gốc vấn đề. Một là chúng ta tự mình áp dụng giải pháp tuần hoàn các phế phụ phẩm trong nông nghiệp để thay thế phần nào việc mua thức ăn, chế phẩm sinh học nhằm giảm chi phí đầu vào sản xuất. Nông dân Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long đang làm rất tốt việc này. Tôi cho đó không phải là giải pháp tình thế mà là lâu dài nhằm tạo ra giá trị bền vững cho trồng trọt, chăn nuôi. Và đó cũng là giải pháp quan trọng để hữu cơ hóa, sinh học hóa nền nông nghiệp, nhằm tạo ra thương hiệu cho sản phẩm nông sản.
Thứ 2, tôi cũng tha thiết mong rằng, nếu 10 triệu hộ nông dân vào kinh tế tập thể, như bức thư Chủ tịch nước đã gửi cho các HTX thì bà con sẽ giảm được rất nhiều chi phí nguyên liệu đầu vào. Sản xuất tập thể sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm rủi ro khi ra thị trường. Qua đó, chúng ta nâng cao chất lượng nông sản.
Bà con ở Tây Nguyên cũng có chia sẻ với tôi rằng, khi tuần hoàn được các phế phẩm nông sản, chất lượng cà phê của họ tốt hơn, được doanh nghiệp thu mua giá cao hơn, dù năng suất có thể thấp hơn. Đó là sự thay đổi về tư duy, chứ không chỉ là đối phó nhất thời.
Cũng liên quan vấn đề thị trường, câu hỏi của ĐB Hoàng Anh Công ở Thái Nguyên, đúng là vấn đề ùn ứ nông sản đột biến do Covid-19 xảy ra trong thời gian ngắn, do vấn đề kiểm soát dịch bệnh giữa chúng ta và Trung Quốc khác nhau, nhưng chúng ta phải nhìn nhận rõ thị trường Trung Quốc ngày càng khó tính hơn.
Khi họ thay đổi phương pháp ứng phó kiểm soát dịch bệnh, thay đổi chính sách nhập khẩu hàng hóa thì chúng ta chậm ứng phó, do rất nhiều năm rồi chúng ta quen với việc thị trường Trung Quốc dễ tính.
Việc này có trách nhiệm của Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương khi chúng ta chậm thông tin đến bà con nông dân. Mặc dù chúng tôi cũng đã nhiều lần tổ chức phổ biến, truyền thông đến bà con nông dân, nhưng chúng ta có tới 10 triệu hộ nông dân, trong thời gian ngắn ai truyền thông được?
10 triệu hộ nông dân này, chỉ có cách duy nhất là tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại thị trường, tổ chức lại ngành hàng, để dẫn dắt nông dân thay đổi tư duy từ chỗ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp, định vị lại thị trường.
Bộ NNPTNT cũng đã thông qua Bộ Ngoại giao xây dựng dự thảo riêng để xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, theo chủ trương chỉ đạo của Chính phủ là xuất khẩu chính ngạch, để hàng hóa danh chính ngôn thuận ra thị trường. Muốn hàng hóa đi sâu vào thị trường nội địa Trung Quốc phải có hệ thống giải pháp đồng bộ, chuẩn hóa các mặt hàng, ngành hàng.
Theo thống kê của chúng tôi, hàng năm có hàng ngàn thay đổi của các thị trường nhập khẩu nông sản. Tức là trung bình 1 tháng có cả trăm thay đổi của các quốc gia, có thay đổi họ yêu cầu chúng ta phải đáp ứng ngay, cũng có thay đổi họ cho chúng ta thời gian để thích ứng. Nhưng làm sao người nông dân phải hiểu rằng, những thay đổi đó phải chấp nhận, và chúng ta phải chủ động thay đổi cách sản xuất mới thích ứng được sự thay đổi chóng mặt của thị trường.
Đối với vấn đề thương hiệu nông sản. Ở đây tôi cho rằng chúng ta cần phân biệt thế nào là nhãn hiệu, thế nào là thương hiệu? Nhãn hiệu có khi chỉ cần đăng kí với Bộ KHCN, nhưng thương hiệu thì bao gồm nhãn hiệu và niềm tin của người tiêu dùng. Niềm tin mới khó. Muốn xây dựng thương hiệu phải bắt đầu từ hệ sinh thái của ngành hàng, của sản phẩm. Ví dụ với mặt hàng thanh long của Bình Thuận, từ thương hiệu của DN, HTX, nông dân khác với nhãn hiệu. Thương hiệu bắt đầu từ cảm xúc của người tiêu dùng, và phải mất rất nhiều thời gian mới quen được 1 slogan nào đó.
Để xây dựng thành công 1 thương hiệu nông sản, có khi phải 5 năm, 10 năm mới xây dựng được và phải bắt đầu từ ngành hàng, chứ không phải từ Bộ NNPTNT.
Còn với câu chuyện được mùa mất giá, tôi hay dùng từ “lời nguyền”. Khi cung được mùa, thì giá xuống, đó là 1 quy luật kinh tế. Vấn đề chúng ta khống chế quy luật đó như thế nào? Khi được mùa thì phải trữ lại để chế biến, giảm lượng đưa ra thị trường.
Thứ 2, cần chuẩn hóa các mặt hàng nông sản để đi xuyên suốt trong chuỗi tiêu thụ, giảm áp lực tại 1 thời điểm.
Tiêu chuẩn và quy chuẩn là vấn đề trong thời gian qua còn nhiều hạn chế. Bộ NNPTNT nhận khuyết điểm là còn dễ dãi trong điều hành để chuẩn hóa mặt hàng nông sản. Tôi xin nói lại, đó là phải tổ chức lại sản xuất, để đồng nhất được nguyên liệu nông sản. Không đồng nhất nguyên liệu thì không thể nào xây dựng được thương hiệu nông sản.
Do đó lần nữa tôi lại phải nhấn mạnh cần tổ chức lại sản xuất, nhằm xây dựng thị trường nông sản minh bạch, chính quy, phân bổ từng thị trường xuất khẩu, nội địa cụ thể.
Bộ NNPTNT nhận trách nhiệm với Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm cùng các cơ quan nghiên cứu vấn đề này.
Đối với câu hỏi về mặt hàng thanh long, chúng ta có gần 70.000 hộ trồng thanh long, tập trung ở 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, nhưng chỉ có khoảng 10-20% là vô HTX, còn lại sản xuất tự do, tự phát, thấy người ta làm thì làm theo, quy trình không đạt chuẩn. Sự cạnh tranh giữa người nông dân với nhau, giữa vùng này với vùng khác đã gây ra sự bất ổn không chỉ với mặt hàng thanh long mà với nhiều mặt hàng nông sản khác.
Bộ NN đã giao nhiệm vụ cho các viện nghiên cứu chuẩn hóa quy trình sản xuất chăn nuôi trồng trọt để tiết giảm chi phí đầu vào.
Khi đi làm việc với một số cơ quan nước ngoài, có khẩu hiệu mà tôi rất ấn tượng đó là Làm ít hơn, nhưng hiệu quả cao hơn. Tức là cắt giảm đầu vào, giảm tối đa chi phí nhưng tối đa hóa lợi nhuận bằng khoa học công nghệ, bằng chuẩn hóa quy trình sản xuất.
2. Về vấn đề sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ tiết kiệm, chi phí giảm đáng kể
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) đặt câu hỏi về mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng cao, nông nghiệp du lịch sinh thái.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội băn khoăn về tính an toàn của sản phẩm nông nghiệp vẫn là sự phiền muộn chưa bao giờ nguôi của hàng triệu dân. "Đến khi nào người dân mới có thể hoàn toàn yên tâm về tính an toàn của sản phẩm nông nghiệp, đến bao giờ Việt Nam có thể viết tên mình trên bản đồ nông nghiệp hữu cơ của thế giới?" - đại biểu đặt câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Huy Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu đặt câu hỏi về giải pháp thay đổi tập quán canh tác của người nông dân đồng bằng sông Cửu Long?
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết vẫn còn tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa học, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không tuân thủ nguyên tắc “bốn đúng” gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, sức khỏe con người và chất lượng nông sản. Nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đang cao.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, người dân ĐBSCL quen làm lúa 3 vụ để tăng năng suất, sản lượng phục vụ xuất khẩu nên dùng nhiều phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật.
Vấn đề cấp thiết của ĐBSCL là việc tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại sản xuất và vận động bà con vào HTX. Khi vào HTX bà con sẽ phân biệt được về giá cao, sản xuất có liên kết và mua, sử dụng hàng hóa giá cả hợp lý cũng như mua được các sản phẩm thuốc BVTV sinh học, chất lượng cao.
Trong các tài liệu chúng tôi gửi cho các đoàn ĐBQH, trong đó có nhiều mô hình ngay ở ĐBSCL, bà con đã tiết kiệm được chi phí, giảm giá thành sản xuất đầu vào rất hiệu quả. "Thực tế, nhiều mô hình sản xuất ở ĐBSCL đã giảm được 30 - 40% chi phí nhờ đẩy mạnh sử dụng phân hữu cơ, vấn đề là làm sao lan tỏa mô hình này sao cho hiệu quả" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Bộ NNPTNT đã thành lập văn phòng điều phối 13 tỉnh ĐBSCL để dẫn dắt bà con thay đổi, kể cả các doanh nghiệp thu mua lúa gạo chế biến cũng phải cùng bà con thay đổi. Khi nào doanh nghiệp từ chối nông sản chưa minh bạch về chất lượng an toàn thực phẩm. Liên quan đến câu "khi nào 100 triệu dân an toàn khi dùng thực phẩm" như đại biểu Mai nói.
Do vậy phải thay đổi tập quán sản xuất, xây dựng các mô hình liên kết, vận động bà con vào hợp tác xã để xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, Bộ trưởng không thoái thác trách nhiệm, nhưng nông nghiệp là vấn đề có tính liên ngành, hệ thống, và đang vận động theo kinh tế thị trường chứ không phải mệnh lệnh hành chính.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng nêu rõ, trong thời gian tới, cần hoàn thiện các phương pháp thử cho các thuốc bảo vệ thực vật sinh học; ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, hiệu quả, an toàn và có trách nhiệm.
Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác công tư sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sử dụng phân bón tiết kiệm nhằm hướng đến một nền nông nghiệp xanh, an toàn và nâng cao giá trị nông sản; nhân rộng các mô hình, đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt các mô hình canh tác giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn bảo đảm năng suất, chất lượng nông sản phẩm. Đồng thời, cần nhấn mạnh vai trò tổ chức lại các ngành hàng trong sản xuất nông nghiệp.
Đối với nền nông nghiệp công nghệ cao, Bộ trưởng nêu rõ, trong thời đại công nghiệp 4.0, làm nông nghiệp có thể không cần phải đầu tư và sở hữu nhiều đất, mà có thể tận dụng thế mạnh của nền kinh tế liên kết, kinh tế chia sẻ.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, ngoài hướng tập trung tích tụ đất đai hướng tới tăng quy mô sản xuất, xây dựng vùng nông nghiệp cao, vẫn có những phương thức tập trung đất đai mềm, thích ứng với từng điều kiện ở từng địa phương, kết hợp nguồn lực nhà nướcvới nguồn lực xã hội để cùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn trong việc phát triển nông nghiệp sinh thái tạo ra giá trị xây dựng, chuyển từ nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp xanh, sinh thái, bền vững. Đó cũng là hướng tiếp cận, chiến lược mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang định hướng triển khai.
3. Cán bộ cũng vào cuộc tiếp thị, giới thiệu nông sản
Liên quan đến câu hỏi của các đại biểu về vấn đề tăng tỷ lệ xuất khẩu nông sản chính ngạch, mở rộng thị trường xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam; đẩy mạnh liên kết sản xuất mà đại biểu Vương Thị Hương (Đoàn Hà Giang), Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc), Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang), Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) đặt ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, để khắc phục được những điểm nghẽn cần sự vào cuộc của chính quyền, sự năng động của chính quyền địa phương.
"Cà rốt ở Hải Dương, xoài ở Sơn La, vải ở Bắc Giang đi khắp các thị trường là minh chứng cho sự vào cuộc năng động của các địa phương. Ở những địa phương này, lãnh đạo chủ động tiếp thị nông sản ở các hội nghị xúc tiến, chủ động xây dựng thương hiệu. Tại sao doanh nghiệp đầu tư nhiều nhà máy chế biến ở Sơn La, Tây Ninh vì họ đánh giá cao các mô hình liên kết đang xây dựng ở địa phương đó" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, việc xây dựng các nhà máy chế biến là rất cần thiết nhưng quan trọng hơn là phải có vùng nguyên liệu đủ lớn. "Hết mùa vải, xoài, nhãn, doanh nghiệp sẽ chế biến cái gì, do vậy, các địa phương phải chủ động liên kết" - Bộ trưởng Bộ NNPTNT nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, công bằng mà nói, trong các ngành nông lâm thủy sản, chúng ta có nhiều ngành gần như chiếm tỷ trọng tuyệt đối về công nghiệp chế biến, như thủy sản, cao su, chế biến gỗ. Những ngành này gần như 100% chế biến, không những chế biến hết nguyên liệu của chúng ta mà còn nhập thêm từ nước ngoài về chế biến. Công nghiệp chế biến của các ngành này, nhất là chế biến thủy sản ở ĐBSCL rất phát triển. Bên cạnh đó, mặt hàng lúa gạo cũng đang chế biến rất nhiều.
Khó nhất và yếu nhất của chúng ta hiện nay là ngành trái cây. Trong thời gian qua, đã có nhiều DN tham gia vào chế biến và bước đầu thành công.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã thăm 1 nhà máy chế biến trái cây đang xây dựng ở Sơn La. Bên cạnh đó, Gia Lai và 1 số địa phương khác cũng đang có nhiều giải pháp nhằm thu hút mạnh các DN tham gia vào chế biến nông sản. Khi vào các tỉnh này xây dựng nhà máy, là các DN đã đánh giá rất cao tính liên kết của vùng nguyên liệu. Bởi đầu tư vào chế biến, nếu như chất lượng nông sản đầu vào không đảm bảo thì cũng kéo theo chất lượng sản phẩm chế biến cũng không đảm bảo.
Một trong những vấn đề mà các DN quan tâm nhất khi gặp tôi là nguyên liệu đầu vào không ổn định. Nông sản của chúng ta hiện nay chủ yếu theo mùa, thu hoạch trong thời gian ngắn. Ví dụ ở Bắc Giang, nếu xây dựng nhà máy chế biến thì khi hết mùa vải thiều, các mùa còn lại DN làm gì? Mùa vải chỉ có 2 tháng, 10 tháng còn lại thế nào?
Để giải quyết vấn đề này, các địa phương phải liên kết với nhau xây dựng nguyên liệu cung ứng cho nhà máy chế biến, làm sao chúng ta thu hút được DN, DN yên tâm có nguyên liệu làm ăn.
Thêm vào đó, DN rất sợ khi về xây dựng nhà máy mà nông dân không bán nông sản cho DN. Câu chuyện này chính là câu chuyện liên kết lỏng lẻo mà chúng ta nói mãi thời gian qua. Có hợp đồng rồi, nhưng khi giá thị trường bên ngoài cao hơn thì nông dân lại bán cho thương lái bên ngoài, nhà máy bỏ không.
Tôi xin báo cáo Quốc hội, đó là câu chuyện diễn ra hàng ngày ở địa phương. Chính quyền địa phương phải là những người sâu sát với bà con nông dân, HTX, doanh nghiệp để giúp họ kết nối với nhau. Từ khi tôi còn là lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cho đến giờ, cũng chưa có biện pháp, chế tài gì để xử lí chuyện phá vỡ hợp đồng giữa nông dân và DN.
Nếu DN bội tín, nông dân có thể kiện ra tòa, nhưng nếu nông dân bội tín thì DN không thể thể kiện được ra tòa. Bởi hầu hết nông dân chỉ có vài nghìn mét vuông đất, sản xuất còn nhiều khó khăn. Chính vì thế, họ vẫn chỉ làm ăn với nhau dựa vào niềm tin là chính.
Tất nhiên chúng ta không phải sống tất cả bằng niềm tin. Qua đây, chúng tôi cũng hi vọng nhận được sự đóng góp, sáng kiến của các đại biểu làm lĩnh vực xây dựng luật để giúp Bộ NNPTNT một vấn đề mà chúng tôi cũng đang còn lúng túng.
4. Đừng quá háo hức khi nông sản sang Nhật bán giá cao
Đối với ý kiến của ĐB cho rằng, vải thiều qua Nhật giá vài trăm ngàn đồng/kg, xoài qua Mỹ giá cũng cao chót vót, vì sao doanh nghiệp thu mua nông sản của bà con nông dân trong nước với giá rất thấp?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời, khi nông sản của chúng ta đến kệ hàng của siêu thị ở các nước phát triển, chi phí logistics, chi phí thị trường rất lớn, cho nên chúng ta đừng quá háo hức trước việc giá nông sản qua bên Nhật rất cao.
Giá cao, chúng ta phải hiểu rằng người ra đã phải cộng hết vào chi phí đầu vào trong đó. Giá cao đó có phân bổ lại lợi nhuận cho người sản xuất ở nội địa hay không?
Chúng ta có thể nhìn lại câu chuyện ở Bắc Giang, sẽ nhìn thấy giá bán vải thiều ở thị trường Hà Nội với giá vải thiều xuất khẩu khác nhau như thế nào thì sẽ thấy rõ bức tranh chi phí.
Một số hiệp hội ngành hàng từng chia sẻ với tôi, đất nước mình bây giờ giàu rồi, tầng lớp trung lưu nhiều rồi, họ sẵn sàng chấp nhận mua giá cao hơn giá DN mua xuất khẩu để được dùng sản phẩm ngon hơn, chất lượng hơn.
Vậy thì khai thác thị trường 100 triệu dân của chúng ta như thế nào? Để trả lời câu hỏi này, lại phải quay lại vấn đề tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại thị trường.
Khi đi xây dựng xúc tiến thị trường, rất nhiều DN nước ngoài nói chúng tôi rằng, muốn xây dựng thương hiệu nông sản ở nước ngoài, thì trước hết hãy xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm đó trong nước. Tức là niềm tin của người tiêu dùng trong nước chính là bệ đỡ để nông sản chúng ta vươn ra thị trường thế giới. Ngay cả người Việt Nam không dùng hàng nông sản Việt Nam, thì làm sao chinh phục được thị trường nước ngoài?
5. Hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) đặt câu hỏi về việc nhiều ngư dân rất vất vả khi giá xăng dầu tăng cao, một số dân miền Trung lại phải cho tàu nằm bờ và đặc biệt là một số cư dân vươn khơi bám biển để bảo vệ chủ quyền biển đảo, Tổ quốc cũng rất khó khăn trong việc giá dầu leo thang. Đây cũng là câu hỏi của đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội).
Đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp trong thời gian tới, đặc biệt là giải pháp phối hợp với Bộ Công thương để có chính sách bình ổn giá, hỗ trợ cho ngư dân bám biển và đặc biệt có hiệu quả kinh tế?
Đại biểu Trịnh Lam Sinh (An Giang) quan tâm đến vấn đề đất bị suy thoái nên rất khó để có thể phục hồi và phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn Long An) quan tâm đến vấn đề thực hiện các dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, thời gian qua, Bộ NNPTNT đã làm hết sức mình cùng với các hiệp hội ngành hàng để làm sao giảm thiểu rủi ro nhất trong điều kiện có thể. Về câu hỏi vì sao giá xăng dầu tăng cao, thì trách nhiệm này thuộc về Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NNPTNT nhận thấy, trong bức tranh của ngành Thủy sản không chỉ có khó khăn ở giá xăng dầu mà còn liên quan đến hệ lụy của Nghị định 67 trong thời gian qua. Ngành thủy sản có 800.000 ngư dân trên biển, gần 4 triệu người làm công tác hậu cần nghề cá. Nhưng, 800.000 ngư dân đó gần như không tham gia một tổ chức nào, vậy là một lần nữa rơi vào tình trạng “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”.
Do đó, Bộ NNPTNT đã xây dựng một Chiến lược phát triển thủy sản bền vững theo hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng. Vì trữ lượng ngư trường của chúng ta không giống như ngày xưa nữa.
Một cái khó nữa mà Thủ tướng Chính phủ hay nhắc Bộ NNPTNT, là cơ sở hạ tầng nghề cá, nhất là cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền chúng ta đầu tư trong thời gian qua chưa đủ để hình thành một ngành thủy sản hiện đại, khi tổn thất sau khai thác lên tới 30%.
Về vấn đề đất đai đồng bằng sông Cửu Long suy thoái, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng đó là thực trạng đang được các ngành, các cấp từng bước khắc phục và có được một số kết quả khả quan. Theo đó, những mô hình hữu cơ hóa đang phát huy tác dụng, làm đất đai đỡ chai cằn ở nhiều địa phương. Bộ trưởng cho rằng các mô hình đã phát huy hiệu quả trong thực tế cần được mở rộng, nhân rộng, cần xây dựng những mô hình tổ chức khuyến nông để bà con chuyển từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hiện đại, sử dụng lại vật tư đầu vào, chuyển đổi tăng giá trị, giảm chi phí. Bên cạnh đó, về việc phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với hoàn cảnh biến đổi khí hậu, Bộ trưởng cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng quy hoạch sản xuất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó chia ba vùng sinh thái ngọt, lợ, lợ mặn để có phương án sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên, từ đó giúp thay đổi sinh kế, tăng thu nhập đáng kể cho người nông dân.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng cho biết khó khăn nhất của đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là hạ tầng trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài khó khăn về hạ tầng giao thông, đường cao tốc khu vực đồng bằng song Cửu Long còn gặp khó về hạ tầng logistics, kho bảo quản, khu chế biến.
Quốc hội đã phê chuẩn cho thành phố Cần Thơ thí điểm cơ chế đặc thù là trung tâm logistic, từ đó kết nối với hạ tầng logistic dọc tuyến sông Tiền, sông Hậu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang làm việc với các tập đoàn của Mỹ, châu Âu đầu tư chuỗi các kho bảo quản ở cấp độ hợp tác xã dọc sông Tiền, sông Hậu để kết nối về trung tâm ở thành phố Cần Thơ.
Mô hình đầu tiên là kho lạnh sử dụng năng lượng mặt trời ở Trà Vinh đang được triển khai thí điểm để rút kinh nghiệm. Bộ trưởng tin rằng, với giải pháp này sẽ tạo ra một thế mới cho hạ tầng nông nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long.
6. Hãy coi muối là dược phẩm, mỹ phẩm, một sản phẩm du lịch
Liên quan đến vấn đề phát triển ngành muối mà đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) nêu câu hỏi, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, việc tổ chức ngành hàng muối hiện nay vẫn còn tự phát, giá trị không cao. Các địa phương bắt đầu thu hẹp diện tích làm muối, dần dần công nghiệp hóa một phần ngành hàng này. Tuy nhiên ngành muối giá trị không cao nên nếu đầu tư vào ngành khác để giá trị ra tăng cao hơn cũng là một giải pháp.
"Israel làm ra hàng trăm sản phẩm gia tăng từ muối vì họ coi muối không chỉ là một thực phẩm mà còn là mỹ phẩm, dược phẩm. Bộ đã xây dựng Đề án phát triển ngành muối trong điều kiện chuyển dịch một số diện tích muối sang quy hoạch ngành kinh tế khác; sử dụng các biện pháp khoa học công nghệ để muối không chỉ là thực phẩm. Ví dụ như tỉnh Thái Bình muốn phát triển du lịch ngành muối, đó là một ý kiến hay" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Ngoài ra, đối với vấn đề khởi nghiệp nông nghiệp trong bối cảnh sau đại dịch COVID-19, Bộ trưởng nêu rõ, trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã có nhóm vấn đề phát triển kinh tế nông thôn gồm 11 nội dung thành phần. Theo đó, chú trọng phát triển kinh tế nông thôn, khởi nghiệp nông nghiệp, du lịch nông nghiệp…