Trong quá trình phát triển, thời kỳ Minh Trị Duy Tân có ý nghĩa trọng đại đối với lịch sử Nhật Bản. Vào những năm 1868-1912, ở Nhật đã diễn ra cuộc cải cách rộng lớn; trong một thời gian không dài lực lượng cải cách không chỉ lật đổ chế độ Mạc Phủ thống trị 268 năm, mà còn làm thay đổi căn bản xã hội, đưa đất nước tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa hiện đại hóa (CNH-HĐH) và trở thành một trong những cường quốc tư bản đầu tiên ở châu Á. Thành công cải cách đã trở thành nhân tố không chỉ thúc đẩy tiến trình phát triển Nhật Bản mà còn ảnh hưởng rộng lớn đến các quốc gia khu vực. Nhiều nước châu Á hướng tới quốc đảo này với mong muốn làm theo con đường của họ.
Minh Trị Duy Tân và Đổi mới cho Việt Nam
Cải cách Minh Trị Duy tân Nhật Bản
Hơn 1,5 thế kỷ đã qua kể từ ngày cải cách Minh trị diễn ra với tầm vóc to lớn trong lịch sử Nhật Bản, nhiều Hội thảo khoa học và kỷ niệm lớn đã được tổ chức tại Nhật Bản, trên Thế giới và ở Việt Nam. Cuộc cải cách này không chỉ làm thay đổi căn bản xã hội Nhật Bản mà còn ảnh hưởng tới nhiều quốc gia châu Á.
Hướng tới nhân thức toàn diện, hàm chứa nội dung chuyển hóa rộng lớn cả về lý luận và thực tiễn; thành công cải cách là kết quả thực hiện trong những điều kiện khác nhau. Theo đó, những cơ sở động lực trực tiếp có ý nghĩa rất đặc biệt.
Giữa thế kỷ XIX, âm mưu thôn tính của các cường quốc phương Tây đối với châu Á khá mạnh, sự tồn vong của các dân tộc là một thách thức lớn. “Chiến tranh nha phiến” làm sụp đổ thế lực phong kiến Trung Hoa, một đế chế lớn đã, gây chấn động lớn đối với xã hội Nhật Bản.
Việc Chính quyền Mạc phủ Edo ký hiệp ước mở cửa với Hoa Kỳ và các nước phương Tây tạo nên làn sóng phản đối lan truyền. Khẩu hiệu “Tôn Vương, nhượng Di” không chỉ tôn vinh vị thế của Thiên Hoàng mà còn nhằm chống lại Mac phủ đã bán nước cho ngoại bang. Lực lượng nổi dậy một mặt gây áp lực với Mạc Phủ, mặt khác đã vận động triều đình yêu cầu Mạc phủ Edo tiếp tục thực thi chính sách chống lại phương Tây.
Giữa thế kỷ XIX Nhật Bản lâm vào vào một cuộc khủng hoảng toàn diện. Trong bối cảnh đó, một bộ phận cấp tiến, giàu lòng yêu nước và tư duy thực tiễn đã vươn lên trở thành trung tâm của phong trào cảỉ cách.
Được khởi xướng bởi Yosfida Shoin, khẩu hiệu “tôn vương, nhượng di” đã trở thành phương châm hành động của nhiều lực lượng xã hội liên kết để trở thành những liên minh chính trị và cuộc cải cách đã mau chóng phát triển thành phong trào dân tộc với mục tiêu, nội dung và tính chất mới, khiến uy quyền của Mạc phủ Edo mau chóng suy giảm.
Thiên hoàng Minh Trị
Cải cách Minh Trị, với tiềm lực kinh tế và chính sách quản lý năng động của các địa phương giúp nước Nhật không bị rơi vào tình trạng suy sụp mà đã vượt qua những khó khăn, thách thức để tìm con đường phát triển, tự chuyển hóa để tiến nhanh sang con đường công nghiệp hóa. Chính tiềm năng và sức mạnh địa phương đã trở thành động lực thúc đẩy Nhật Bản phát triển theo con đường của các nước phương Tây.
Từ cuối thế kỷ XIX, thành thị Nhật Bản đã trở thành nhân tố quan trọng trong đời sống xã hội. Thành thị không chỉ đóng vai trò dẫn dắt phát triển mà còn góp phần quan trọng tạo điều kiện thiết yếu cho sự ra đời của một số thị trường thống nhất. Khi mở cửa buôn bán, một số sản phẩm hàng hóa như tơ lụa, hàng dệt, gốm sứ….đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chính sang thế giới phương Tây. Nhờ nguồn lực lao động kỹ thuật và tổ chức kỷ luật cao, được đào tạo, huấn luyện từ trong xã hội truyền thống, Nhật Bản đã tạo được khả năng tiếp nhận các thành tựu khoa học công nghệ (KHCN) tiên tiến của phương Tây và chuyển nhanh sang xã hội công nghiệp hiện đại.
Nhìn lại xã hội Nhật Bản trong giai đoạn này có thể nhận thấy, chủ nghĩa tư bản được xác lập không phải là kết quả của cuộc cách mạng công nghiệp giống như ở Anh hoặc các nước châu Âu; cơ sở chủ yếu của cải cách Minh Trị Duy Tân là dựa vào những chuyển biến trong kinh tế công thương nghiệp, nông nghiệp hàng hóa và những tiền đề xã hội được tạo lập trong các đô thị. Nhờ quá trình đại chúng hóa giáo dục khoảng 50% nam giới và trên 15% nữ giới trong cải cách Minh Trị đã biết đọc biết viết, tỷ lệ này cao hơn nhiều nước châu Âu khi bước vào cách mạng công nghiệp. Có thể nói, văn hóa thị dân và đại chúng hóa giáo dục đã góp phần quan trọng nâng cao trình độ dân trí, thúc đẩy tinh thần dân tộc trong cải cách.
Từ đề cao chủ nghĩa dân tộc coi “đất nước là của thần linh” sang mở cửa đất nước một cách chủ động và tích cực nhằm mau chóng hòa nhập với sự phát triển của thế giới, người Nhật đã chủ động tiếp thu thành tựu khoa học kỹ thuật thế giới để xây dựng đất nước. Từ giữa thế kỷXIX, phong trào Tây phương hóa Nhật Bản đã có nhiều khác biệt so với xu hướng Âu hóa của các quốc gia khu vực cả về tinh thần, quan điểm và phương pháp tiếp cận.
Chính quyền Minh Trị Duy Tân, những cải cách chủ yếu
Phong trào cải cách diễn ra, đội ngũ lãnh đạo đã nhanh chóng xác định mục tiêu và bắt tay ngay vào xây dựng xã hội mới. Những người lãnh đạo trước khi trở thành thủ lĩnh chính trị đều là trí thức từng du học ở châu Âu hoặc đã nghiên cứu sâu về xã hội phương Tây nên mô hình nhà nước họ hướng tới là thiết chế chính trị dân chủ tư sản, cho dù còn có sự bất đồng trong sự lựa chọn mô hình cụ thể (Đức, Anh, Pháp hoặc Hoa Kỳ).
Trước áp lực mạnh mẽ của phong trào cải cách, năm Khánh Hưng thứ 3, ngày 14 tháng 10 năm 1868, Mạc phủ Edo đã quyết định trao trả lại quyền trị nước cho Thiên Hoàng và lệnh Vương chinh phục cổ (Óseifukko) được ban hành. Đây được coi như bản tuyên bố chính thức cho sự ra đời chính thể mới đồng thời chấm dứt 267 năm tồn tại của chính quyền Mạc phủ Edo. Chính thể mới đã thể hiện đường lối mới với quyết tâm tiếp nhận văn minh phương Tây để canh tân đất nước. Chính thể này đã thể hiện ý nguyện xây dựng một xã hội dựa trên nền tảng của pháp quyền tôn trọng người dân với những chủ trương bao gồm:
1. Nghi hội mở rộng và quốc sự phải do công luận quyết định;
2. Trên dưới đồng lòng lòng lo việc kinh tế và tài chính;
3. Không chỉ quan chức mà cả dân thường đều được phép theo đuổi chí nguyện của mình;
4. Xóa bỏ tập tục xấu của quá khứ, mọi việc đều phải dựa trên công pháp;
5. Phải thu thập tri thức trên toàn thế giới để mở mang và chấn hưng nền tảng của Hoàng triều.
Theo đó, Nhật Bản cần phải học thế giới để xây dựng đất nước. Ngày 11 tháng tư năm 1868, chính quyền Minh Trị công bố Chính thể thư thực hiện chế độ Tam quyền phân lập, nghĩa là thực hiện một thể chế dân chủ như mô hình của các nước phương Tây.
Nhằm đẩy mạnh sự nghiệp canh tân,sớm thoát khỏi mối đe dọa và áp lực chính trị của phương Tây, các nhà cải cách Nhật Bản chủ trương mau chóng xóa bỏ chế độ cắt cứ, thống nhất ý chí và lòng dân, xây dựng chính quyền trung ương tập quyền do Nhật Hoàng đứng đầu. Nhờ vị trí Nhật Hoàng được đề cao, thực sự là trung tâm hội tụ ý chí dân tộc, chính quyền Minh Trị Duy Tân đã tập trung thực hiện phú quốc cường binh, tăng cường quốc lực để gia tăng sức mạnh quân sự. Chính thể mới đã khôi phục lại quyền lực cuả Thái Chính Quan, ban đầu hình thành 3 viện Chính viện, Tả viện và Hữu viện. Chính viện là cơ quan quyền lực tối cao, Tả viện là cơ quan tư vấn lập pháp, còn Hữu viện là cơ quan quản lý các Bộ. Chế độ Tam viện được nhiều lần cải cách vào những năm 1871,1873,1875,1877 và duy trì đến 1885 là năm thực thi chế độ nội các.
Để khẳng định quyền sở hữu ruộng đất, tập trung sức mạnh kinh tế và quyền lực chính trị, tháng Giêng năm Minh Trị thứ 2 (1869) các địa phương đã lần lượt giao trả lại lãnh địa cho Nhật Hoàng. Nhằm xóa bỏ chế độ phân quyền, tháng 7 năm 1871 chính phủ Minh Trị ban hành chiếu “Phế phiên lập huyện” chia đất nước thành 3 phủ, 72 huyện được cho là bước tiến lớn trong cải cách thể chế chính trị, chấm dứt vai trò của các lãnh chúa phong kiến. Chính phủ tập hợp 1 vạn quân về Tokyo thành lập đội quân chính quy trực thuộc, gọi là Ngự Lâm Quân, đến tháng 3 năm Minh Trị thứ 5 (1872) đổi thành Cận Vệ Binh. Vào tháng 2 năm 1872, Chính quyền thành lập Bộ Hải quân và tháng 1 năm 1873 ban bố lệnh trưng binh. Theo lệnh này, tất cả nam thanh niên từ 20 tuổi trở lên, không phân biệt nguồn gốc, địa vị đều có nghĩa vụ đầu quân, nhằm xây dựng quân đội thường trực hùng mạnh.
Thực thi những chính sách nêu ra, chế độ Mạc Phủ bị xóa bỏ. Chính phủ bãi bỏ chế độ đẳng cấp bằng lệnh Tứ dân bình đẳng. Thay 4 đẳng cấp sĩ, nông, công, thương bằng các tầng lớp xã hội là sĩ tộc và bình dân; cho phép bình dân được mang họ, kết hôn với tâng lớp khác, được tự do thay đổi chỗ ở và lựa chọn nghề nghiệp.
Chính quyền Minh Trị đã tập trung xây dựng thể chế và biên soạn Hiến pháp. Ngày 12 tháng 3 năm 1889 bản Đại Nhật Bản Hiến pháp đã được chính thức ban hành. Theo tinh thần Hiến Pháp, vị thế thiêng liêng và quyền lực của Nhật Hoàng đã được khẳng định. Nhật Hoàng là người duy nhất đưa ra quyết định tuyên bố chiến tranh và ký kết các hiệp ước ngoại giao…, các Bộ trưởng trong nội các chịu trách nhiệm và tuân thủ mệnh lệnh trực tiếp từ Nhật Hoàng. Hiến pháp Minh Trị là bản Hiến pháp đầu tiên được ban hành ở châu Á, là một ví dụ điển hình của quan điểm xây dựng nhà nước hiện đại theo kiểu phương Tây, nhưng vẫn duy trì những yếu tố truyền thống, vị thế của Nhật Hoàng vẫn được đề cao. Với nước Nhật, chính thể Cộng hòa là chính thể tối ưu nhưng do điều kiện thực tế chưa phù hợp nên đã tập trung vào lập chính thể quân chủ lập hiến. Chính thể chưa thể là một chính quyền chuyên chế nhưng cần từ bỏ tư duy truyền thống để thiết lập một định chế mới. Theo đó, Chính phủ đã chia sẻ quyền lực với dân chúng và Nghị viện gồm 2 viện bao gồm Quý tộc viện (như Thượng viện) do Nhật Hoàng chỉ định và Chủng Nghị viện (như Hạ viện) do một bộ phận dân chúng bầu ra. Nhật Hoàng có đặc quyền điều chỉnh Hiến pháp, đình chỉ hoạt động của Nghị viện. Cuộc bầu cử đầu tiên tiến hành vào tháng 7 năm 1870; chỉ có nam giới từ 25 tuổi trở lên và đóng thuế trên 15 yên mới được bầu cử nên chỉ có 1,24% dân sổ cả nước được quyền bỏ phiếu.
Cùng với những chính sách lớn, Cải cách Minh Trị đã sửa đổi và loại bỏ cản trở để mở đường cho phát triển kinh tế. Vào năm 1868 đã ban hành dự thảo Luật Thương mại. Luật cho phép tự do kinh doanh, từ tháng 1 năm 1872 người dân được tự do đi lại và vận chuyển hàng hóa. Từ tháng 9 năm 1871, nông dân dược tự do canh tác; năm 1782 bãi bỏ lệnh cấm mua bán đất đai. Những năm từ năm 1873 đến năm 1881 đã tiến hành cải cách địa tô, bỏ quy định về quyền sở hữu; cho phép tự do kinh doanh, tự do lựa chọn cây trồng, thống nhất mức thuế bằng 3% giá đất. Tất cả những chính sách thực thi có ý nghĩa thực sự như một cuộc cách mạng ruộng đất, đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thâm canh, chuyên canh để đạt sản phẩm hàng hóa cao, thu được nhiều lợi ích từ cải tiến kỹ thuật,tạo sức phát triển sản xuất nông sản hàng hóa.
Song hành cùng nông nghiệp, cải cách Minh Trị đã chú trọng xây dựng hệ thống Ngân hàng, coi đây là biện pháp cần thiết để tập trung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu phát triển. Nhà nước đã thành lập công ty kinh doanh và trao đổi tiền tệ, hoat động với chức năng như một ngân hàng, có nhiệm vụ cho vay, nhận tiền gửi và phát hành trái phiếu. Năm 1873 đã thành lập Ngân hàng số 1 ở Tokyo và tiếp đó là số 2,4,5 ở các trung tâm kinh tế lớn, năm 1882 Ngân hàng Quốc gia Nhật Bản được chính thức thành lập. Cùng với việc ban hành chính sách thuế, tư hữu hóa đất đai và đẩy mạnh xuất khẩu, cải cách Minh Trị đã từng bước tạo dựng nguồn lực tài chính và kinh tế cần thiết để hiện đại hóa đất nước.
Để thúc đẩy sản xuất và lưu thông, cải cách Minh Trị còn tập trung xây dựng hệ thống thông tin liên lạc. Dựa theo hệ thống bưu chính nước Anh, tháng 3 năm 1871 mạng lưới bưu điện đã được xây dựng ở Tokyo, Osaka và Kyoto. Nếu năm 1872 toàn Nhật Bản mới có 21 trạm bưu điện, thì 2 năm sau con số này đã lên 3.224 cơ sở, cao gấp 154 lần. Trong vòng 20 năm, mạng điện tín đã mở rộng, tạo thành mạng lưới rộng khắp lãnh thổ và ngành bưu chính đã thực hiện được một giá tem thống nhất.
Nhằm kết nối giữa các vùng miền, tạo động lực cho phát triển kinh tế, cải cách Minh Trị đã coi trọng phát triển hệ thống giao thông, đặc biệt là đường sắt và đường biển. Năm 1870, tuyến đường sắt nối Tokyo và Yokohama khởi công xây dựng, chỉ 2 năm sau đã hoàn thành. Cũng trong năm này, tuyến đường sắt nối Kobe với Osaka được xây dựng và sau 4 năm đã đưa vào sử dụng. Do khó khăn về tài chính, cải cách Minh Trị đã huy động tư nhân đầu tư vào linh vực này, Với những chính sách khuyến khích như miễn thuế, hỗ trợ kỹ thuật, đến năm 1893 mạng đường sắt Nhật bản xây dựng đã vượt qua 2.000 dặm, trong đó tư nhân xây dựng trên 50%.
Là đất nước của biển đảo, vận tải đường biển đã được đặc biệt qua tâm đầu tư bằng những nguồn vốn lớn. Học tập kỹ thuật phương Tây, trong công cuộc cải cách, lãnh đạo Minh Trị Duy Tân đã vận dụng để có cơ sở vật chất đóng tầu vận tải cỡ lớn, mua về nhiều tầu biển nước ngoài, tạo luồng vận chuyển giữa các trung tâm kinh tế lớn. Đến năm 1893 trong số tàu biển chạy bằng hơi nước đã có tàu trọng tải đến 10 vạn tấn, giữ vai trò quan trọng trong vận tải trong nước, cạnh tranh vận tải quốc tế và hình thành thị trường thống nhất. Chính quyền Minh Trị đã nắm quyền kế thừa cơ sở vật chất kỹ thuật của các cơ sở đã được xây dựng, đồng thời cũng xây dựng thêm nhiều công xưởng mới. Ban đầu nhà nước chủ trương quốc hữu hóa nhưng đến 1875 đã nhanh chóng chuyển hướng giao cho các công ty tư nhân quản lý dưới sự hỗ trợ tích cực của nhà nước (khởi đầu, hàng năm nhà nước đã hỗ trợ cho công ty Mitsubishi tới 20 vạn yên).
Những năm 1868-1881, chính quyền Minh Trị đã đầu tư tới 6,4 triệu yên vào xây dựng công xưởng mới. Nhằm phát triển các ngành công nghệ, chính quyền Minh Trị không chỉ đi tiên phong nhập khẩu thiết bị kỹ thuật mà còn thực thi chính sách thu hút nhân lực kỹ thuật và chuyên gia quốc tế. Nguồn nhân lực này được ưu đãi về chế độ tiền lương và tham gia vào những ngành mũi nhọn. Đến năm 1890, toàn nước Nhật đã có hơn 3.000 chuyên gia ngoại quốc làm nhiệm vụ giảng dạy, quản lý và làm cố vấn.
Trong sự nghiệp canh tân, giáo dục được đặc biệt coi trọng. Ngay sau khi thiết lập, năm 1871 chính quyền Minh Trị đã thành lập Bộ Giáo dục để quản lý và triển khai xây dựng hệ thống giáo dục quốc gia. Bộ Luật Giáo dục được ban hành với nội dung từ bỏ hệ thống giáo dục phong kiến và phân biệt đẳng cấp nhằm vào giáo dục khoa học thực nghiệm cần thiết cho con người với chi phí do dân tự đóng góp. Để nâng cao trình độ dân trí, chế độ giáo dục bắt buộc được thực hiện. Chính quyền Minh Trị đã coi trọng quyền bình đẳng và cơ hội học tập cho mọi thành phần xã hội. Nhờ đó, nếu năm 1882 tỷ lệ dân cư đến tuổi đi học đến trường chỉ là 50% thì đến 1904 tỷ lệ này đã đạt 98%. Kết quả của chế độ giáo dục bắt buộc cho thấy “ Nền giáo dục phổ cập đã đưa Nhật Bản trở thành nước châu Á đầu tiên có một quần chúng biết đọc, biết viết, có trình độ giáo dục phổ thông cao, có sức mạnh quân sự và khả năng công nghệ, chiếm được ưu thế tại vùng Đông Á vào nửa đầu thế kỷ XIX.
Trong trào lưu của xu hướng canh tân, 10 năm đầu thời kỳ Minh Trị ở Nhật bản đã hình thành xu thế Văn minh khai hóa, là thời kỳ mà ý thức dân tộc được thúc đẩy hướng tới tiếp thu thành tựu tiên tiến của KHCN phương Tây để chấn hưng đất nước. Các nhà khoa học Nhật Bản từng nhìn nhận xét “Nhà nước không chỉ có quyền lực mà còn giàu có và khôn ngoan,chưa đầy 10 năm sau phục hưng Minh Trị, công cuộc cải cách hệ thống giáo dục đã đạt kết quả cao do sự nhanh nhạy của nhà nước.Sự tuyệt hảo của các thành tựu thật sự đáng ngạc nhiên!”
Bức tranh toàn cảnh về công cuộc Duy tân
Ảnh hưởng của cải cách Minh Trị và ý nghĩa đối với các nước Á châu
Phân tích xu thế vận động của cải cách Mnh Trị , nhiều nhà nghiên cứu cho rằng “Cuộc cải cách không dấy lên từ dưới lên như nhiều cuộc cách mạng ở châu Âu trong thế kỷ XIX, nó đã được chỉ ra từ bên trên và thực hiện bởi một nhóm người không lớn nhưng năng động và nắm được quyền kiểm soát quyền lực. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận toàn diện và khách quan toàn bộ tiến trình cải cách thì sẽ thấy, đây là một quá trình vận động dân tộc trên các phương diện, lôi cuốn sự tham gia và tác động đến các đẳng cấp trong xã hội. Các đẳng cấp xã hội từ bất mãn với chế độ phong kiến đã từng bước liên kết thành một khối đông đảo để lật đổ chế độ này. Mặc dù Thiên hoàng Minh Trị và một số quý tộc có vai trò tích cực đối với sự thành công của cải cách nhưng trong tiến trình cải cách, nhiều tầng lớp xã hội mang tư tưởng tiến bộ lại là lực lượng then chốt dẫn dắt và thúc đẩy toàn bộ tiến trình.
Thực tế diễn ra là, trong liên minh chính trị, mỗi lực lượng đều theo đuổi những mục đích riêng, đều muốn dựa vào ưu thế của Nhật Hoàng để khuyếch trương thế lực của mình. Vị thế của Nhật Hoàng được phát huy đã trở thành ngọn cờ tập hợp lực lượng, tập trung sức mạnh dân tộc để hóa giải sự sung đột giữa các thế lực chính trị, tạo sự thống nhất. Ngôi vị của Nhật Hoàng được tôn vinh ở tầm cao sau gần 7 thế kỷ đã trở thành biểu tượng của tinh thần dân tộc và sự thống nhất.
Trong quá trình cải cách, Nhật Bản luôn chịu tác động bởi các nhân tố quốc tế, những nhân tố này không chỉ thúc đẩy mà còn tạo động lực phát triển phong trào. Cũng như hầu hết các dân tộc châu Á, vào thế kỷ XIX khi chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc, Nhật Bản đã trở thành mục tiêu xâm lược của nhiều cường quốc Âu-Mỹ. Dựa vào sức mạnh kinh tế và quân sự, trong thế cạnh tranh quyết liệt, chủ nghĩa tư bản phương Tây đã mở rộng xâm lăng các dân tộc châu Á. Trong vòng xoáy thời đại, cải tiến nhanh chóng công cụ sản xuất đã làm cho phương tiện giao thông trở nên thuận lợi, đã lôi cuốn nhiều dân tộc bước vào trào lưu văn minh, tạo ra thế giới mới, bắt phương Đông phải phụ thuộc vào phương Tây. Cuộc chiến tranh giành giật thuộc địa phát triển chủ nghĩa thực dân. Trong cuộc tranh giành quốc tế gay gắt này, cân bằng chiến lược và vị thế kinh tế chính trị của các quốc gia châu Á đã có nhiều biến động. Trong bối cảnh và xu thế thời đại, học tập phương Tây đã trở thành phương châm hành động. Nhận rõ quy luật và xu thế phát triển, sớm tiến hành cải cách và cải cách thành công đã giúp nước Nhật thoát khỏi con đường bế tắc của nhiều dân tộc phương Đông.
Với những thành công đạt được, Nhật Bản đã duy trì được nền độc lập, chủ quyền và an ninh đất nước, đồng thời từng bước buộc phương Tây phải thiết quan hệ bình đẳng và trở thành quốc gia châu Á đầu tiên thoát khỏi những áp đặt về đặc quyền ngoại địa. Đến năm 1911, nước Nhật đã giành lại lại quyền kiểm soát thuế quan và các quyền dân tộc cơ bản.
Thành công của công cuộc cải cách Minh Trị Duy Tân đã ảnh hưởng lớn đến các quốc gia châu Á, Các nhà cải cách lớn của Trung Quốc như Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vi đã chủ trương học tập con đường Nhật Bản để cải cách Duy Tân. Cải cách Minh Trị cũng tác động sau sắc đến nhiều quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Philippine, Triều Tiên, Ấn Độ và Việt Nam. Phong trào cải cách ở Thái Lan đã tiếp nhận ảnh hưởng từ cái cách Minh Trị, đã tạo thêm niềm tin và sức mạnh cho người Thái trong cuộc đấu tranh để duy trì nền độc lập trước áp lực của cướng quốc Anh, Pháp;
Cải cách Minh Trị đã góp phần tích cực vào cổ vũ cuộc đấu tranh của nhân dân Philippines chống lạị thực dân Tây Ban Nha và Mỹ để giành lại nền độc lập.
Là một thuộc địa của Anh, trước thành công cải cách Minh Trị , nhiều trí thức yêu nước Ấn Độ đã sang Nhật Bản hoạt động và học tập.
Trong xu thế khu vực, là một dân tộc đồng văn, đồng chủng và đồng bệnh; Phan Bội Châu - người khởi xướng và lãnh đạo phong trào Đông Du của Việt Nam đã cùng những chí sĩ cách mạng Trung Quốc, Ấn Dộ, Phlippine, Triều Tiên lập Đông Á Đồng Minh Hội và Điền Việt Quế Liên minh Hội để tạo mối lên kết mật thiết và tình đoàn kết giữa các nhà yêu nước châu Á và từ đó, Chủ nghĩa Liên Á được hun đúc từ giữa thế kỷ XIX và truyền lại tinh thần hợp tác bền vững cho các nhà yêu nước và các thế hệ cách mạng đời sau./.