An ninh nguồn nước, sự sống còn của nhân loại và giải pháp ứng phó của Việt Nam

09/03/2024 16:44

Biến đổi khí hậu diễn ra khốc liệt khiến nguy cơ mất an ninh nguồn nước ngày càng cấp bách. Trước thềm Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), bảo đảm an ninh nguồn nước đã trở thành mệnh lệnh của sự tồn vong. Với chủ đề: “Nước là sự sống, là thực phẩm”, Ngày Lương thực Thế giới năm 2023 đã hướng tới không để một ai bị bỏ lại ở phía sau (Leave no one behind).

Theo Tổ chức Sông ngòi Thế giới (WRI), khoảng ½ nhân loại đang trong tình trạng “căng thẳng nước sạch”. Chính phủ nhiều nước phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại những khu vực khan hiếm nhằm ứng phó với nguy cơ thiếu nước. Tại Nam Á, hơn 74% dân số sống trong cảnh thiếu nước; còn ở Trung Đông và Bắc Phi, con số này đã lên tới 83%.

Tài nguyên nước là yếu tố quyết định sự phát triển kinh tế-xã hội. Trung bình mỗi ngày, một người cần uống từ 2 đến 4 lít nước. Bảo vệ an ninh hay gìn giữ tài nguyên nước là trọng tâm để các quốc gia đạt được mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững (SDGs).

bao-ve-nguon-nuoc-la-bao-ve-cuoc-song-cua-chinh-chung-ta-1170x689-gynz-1709977372.jpg

Từ thực tế diễn ra, lãnh đạo Nhà nước Việt Nam ngày càng chú trọng và có những biện pháp mạnh để đảm bảo an ninh nguồn nước. Bài viết đề cập đến một số nội dung chính về chủ đề này.

Tài nguyên nước toàn cầu và ở Việt Nam

Trên hành tinh, nước bao phủ 71% bề mặt Trái đất, nhưng chỉ có 2,5% thích hợp cho cuộc sống và được sử dụng vào sản xuất công-nông nghiệp. Dự báo phân bổ của WRI cho biết, 60% số cây trồng bị căng thẳng về nước; nhiều hồ chứa, sông suối dần cạn kiệt và nguồn nước ngầm đang bị suy giảm rất nhanh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên 80% số bệnh tật liên quan đến ô nhiễm nguồn nước và môi trường. Tại Việt Nam, mỗi năm có 9.000 trường hợp tử vong và trên 200.000 người mắc bệnh ung thư liên quan đến nguồn nước không an toàn.

Lượng nước ngọt bị suy giảm nhanh do quản lý kém và khai thác nước ngầm quá mức cùng với ô nhiễm, biến đổi khí hậu và sự cạnh tranh gia tăng. Hãng tin Bloomberg cho biết; giao dịch buôn bán nước sạch đã trở thành ngành kinh doanh đầy triển vọng; còn The New York Times cho rằng, nước ngầm là nguồn tài nguyên thiên nhiên thiết yếu nhưng không được quản lý hợp lý. Nhiều Chính phủ hầu như không còn vai trò trong quản lý nước ngầm, trong khi các địa phương lại thực hiện hàng loạt các quy định yếu kém (Báo Nhân dân 16.10.2023).

Trên 80% lượng nước thải ra môi trường không qua xử lý, gần một tỷ tấn thực phẩm (17% tổng số thực phẩm sản xuất) bị bỏ phí hằng năm. Đây là sự lãng phí to lớn các nguồn tài nguyên quý giá, đặc biệt là nước dùng vào sản xuất lương thực và thực phẩm.

Thay đổi nhận thức là mấu chốt để thay đổi thực trạng an ninh nguồn nước. Tổng Giám đốc FAO nhấn mạnh: Phải ngừng việc coi nước là tài nguyên vô hạn, trọng tâm để giải quyết thách thức trước mắt phải là những kế hoạch phối hợp ở cấp quốc gia và khu vực. Bảo đảm an ninh nguồn nước cho sinh hoạt là vấn đề cần có cơ chế, chính sách đồng bộ. Nâng cao chủ động về nguồn, đồng thời với bảo đảm an toàn cấp nước trong mọi tình huống, đặc biệt đối với các đô thị lớn là một đòi hỏi cấp bách hiện nay.

Tài nguyên nước và những thách thức an ninh nguồn nước Quốc gia

Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước phong phú trong hệ thống các sông, hồ và dưới lòng đất. Cả nước hiện có 3.450 sông, suối từ 10 km trở lên. Tổng trữ lượng nước mặt đạt 830 - 840 tỷ m3; trong đó, các sông, suối xuyên biên giới chuyển vào 520 tỷ m3 (chiếm 63%). Tổng tài nguyên nước dưới đất được xác định khoảng 91 tỷ m3; riêng nước ngọt khai thác đạt 3,6 tỷ m3/năm, còn có thể nâng lên tới 22,3 tỷ m3/năm (Tổng cục Thống kê 2021).

Là quốc gia có lượng mưa lớn, sông, suối ở các lưu vực với diện tích 331.000 km2. Ngoài hệ thống sông ngòi, cả nước có hơn 7.160 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích 70 tỷ m3 và lượng mưa trung bình năm từ 1.940 đến 1.960 mm, tương đương 640 tỷ m3/năm. 50 năm qua, nhu cầu nước của Việt Nam đã tăng gấp ba lần, nhưng việc sử dụng lại thiếu hiệu quả và còn nhiều lãng phí. Tổng lượng nước sử dụng vào nông nghiệp chiếm hơn 80%, nhưng mỗi m3 nước chỉ tạo ra 2,37 USD GDP, thấp hơn nhiều lần so với mức trung bình toàn cầu là 19,42 USD.

Tính đến tháng 6/2023, số đô thị cả nước đã lên tới 898, đến năm 2030, tỷ lệ đô thị sẽ lên 45% và khoảng 46-47 triệu dân sống ở khu vực này. Cùng với phát triển kinh tế-xã hội, việc sử dụng nước ngày một gia tăng. Nhu cầu nước vào năm 2025 sẽ lên 120,4 tỷ m3, tăng 3% so với hiện tại. Con số tương ứng của năm 2030 là 121,5 m3 và năm 2050 là 130,9 tỷ m3, lần lượt tăng 3,9% và 12%. Với sự gia tăng nhanh chóng, vấn đề liên quan đến nước thải và cấp nước sinh hoạt đang ngày càng trở nên cấp thiết (Tổng cục Khí tượng Thủy văn 2021).

Lượng nước mặt phụ thuộc vào nguồn nước ngoại sinh, trong khi trữ lượng nước ngầm đang sụt giảm ở nhiều nơi do khai thác quá mức và diện tích thảm rừng sinh thủy tự nhiên chưa được phục hồi. Nước mặt, nước ngầm bị ô nhiễm do hoạt động xả thải chưa qua xử lý từ các cơ sở sản xuất. Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao. Tình trạng mặn xâm nhập cùng với thời tiết cực đoan đã làm hạn hán kéo dài và mưa lũ ngày càng khủng khiếp hơn.

Phân tích thực trạng, các nhà nghiên cứu cho rằng, nhiều vấn đề đe dọa an ninh nguồn nước xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan. Do tình trạng ô nhiễm nguồn nước, do xả thải bừa bãi không qua xử lý vào sông, suối, kênh, rạch hoặc chôn lấp không đúng quy chuẩn; do sử dụng hóa chất bừa bãi trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng như tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ nguồn nước, làm biến đổi dòng chảy, suy giảm diện tích đất rừng và nguồn sinh thủy.

Tuy có hệ thống sông ngòi dày đặc với tài nguyên nước mặt dồi dào, nhưng là quốc gia nằm về phía cuối của các con sông lớn, Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước ngoại sinh. Khi các quốc gia thượng nguồn đắp đập, ngăn dòng thì lập tức ảnh hưởng tới sinh kế của hàng triệu người dân. Các sông, suối xuyên biên giới hằng năm chuyển vào gần 2/3 tổng lượng nước mặt. Nguồn nước nội sinh chỉ đạt 4.200m3/người/năm, thấp hơn so với trung bình của Đông Nam Á là 4.900m3/người/năm.

Đánh giá về thách thức đối với an ninh nguồn nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam nhận định rằng, sự phụ thuộc vào nguồn nước từ bên ngoài lãnh thổ là vô cùng lớn. Nguồn nước từ các quốc gia ở phía đầu nguồn của lưu vực sông Mê Công chiếm tới 90,1%, sông Hồng chiếm 38,5%, và sông Mã chiếm 27,1% tổng lượng nước chảy trên các dòng sông này. Việc xây dựng hoặc tăng cường sử dụng nước, xây dựng các công trình thủy điện, các cấu trúc lấy nước và việc chuyển nước giữa các lưu vực đều có tác động đến sự biến đổi của dòng chảy nước về phía Việt Nam. Theo Ủy hội sông Mê Công quốc tế, khi các công trình thủy điện hoàn thành và đi vào vận hành, sẽ gây ra tác động bất lợi lớn đối với Việt Nam; thu nhập sinh kế của cư dân trong Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thể giảm tới 97% vào năm 2040.

thuy-dien-son-la-1709977372.jpg
An ninh nguồn nước ở Việt Nam

Thách thức và giải pháp thay thế

Các nhà phân tích cho rằng, hiệu quả sử dụng nước thấp do sự lãng phí nước trong sản xuất với chi phí cao. Sự thiếu chú trọng vào việc nâng cao hiệu quả sử dụng nước, đặc biệt là tại các cơ sở sản xuất trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp và thủy - hải sản, đã làm tăng giá thành sản phẩm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính cạnh tranh của hàng hóa và lợi nhuận của các doanh nghiệp và người sản xuất.

Sự lãng phí và kém hiệu quả trong việc sử dụng nước cũng đóng góp vào việc tạo ra thách thức ngày càng nghiêm trọng hơn đối với an ninh nguồn nước. Đe dọa đối với an ninh nguồn nước cũng bắt nguồn từ những nguyên nhân chủ quan, bao gồm tình trạng ô nhiễm do việc xả thải không kiểm soát vào các sông, suối, kênh và rạch; việc chôn lấp rác một cách không đúng quy định và vi phạm hành lang bảo vệ nguồn nước; sự thay đổi dòng chảy nước, làm suy giảm diện tích đất rừng và các nguồn nước ngầm. Biến đổi khí hậu được coi là một yếu tố khách quan, nhưng thực tế lại phản ánh hậu quả từ các hoạt động không thân thiện với môi trường của con người.

Sự tăng nhiệt độ toàn cầu dẫn đến việc tan chảy băng vĩnh cửu, nước biển dâng cao làm cho tình trạng xâm nhập mặn trở nên nghiêm trọng hơn; việc khai thác rừng một cách bất cẩn đã gây ảnh hưởng xấu đến sự cân bằng sinh thái, gây lũ lụt, sạt lở đất không đều và làm giảm khả năng giữ nước... Việt Nam là một trong số 6 quốc gia chịu tác động nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nếu mực nước biển tăng cao thêm 1m, khoảng 7,14% diện tích đất nông nghiệp, 28,67% diện tích đất ngập nước, 10,74% diện tích đô thị ở khu vực ĐBSCL và Đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập lụt.

Không chỉ là dự báo, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã gây ra thiệt hại nặng nề cho nông nghiệp và nền kinh tế. Số liệu thống kê gần đây cho thấy, trong vụ đông xuân năm 2020 tại Việt Nam, có 30,6 nghìn ha lúa bị thiệt hại do hạn hán và nhiễm mặn. Trong vụ hè thu năm 2020, diện tích trồng trọng cây giảm 64,5 nghìn ha, làm giảm 205,4 nghìn tấn sản lượng. Riêng khu vực ĐBSCL giảm 219,1 nghìn tấn.

Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, thách thức về an ninh nguồn nước ở Việt Nam cũng ngày càng phức tạp và khó lường, đòi hỏi sự xây dựng và triển khai một loạt chính sách phối hợp nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước cả trong tương lai ngắn và dài hạn. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, ô nhiễm nguồn nước, tác động của biến đổi khí hậu và việc quản lý nước không hiệu quả là một trong những thách thức lớn nhất hiện đang phải đối mặt. Ông nhấn mạnh rằng "Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn, cần phải xây dựng định hướng, mục tiêu và các giải pháp để đảm bảo an ninh nguồn nước". Thiếu nước do hệ thống lưu trữ, điều tiết và phân phối nước không hoạt động hiệu quả cùng với sự gia tăng nhu cầu sử dụng nước, cần phải được hợp tác với cộng đồng khu vực và quốc tế để đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia và giảm thiểu mâu thuẫn trong việc khai thác và sử dụng nước một cách bền vững.

TS. Lê Thành Ý