Đà Lạt: Đưa ra mục tiêu phấn đấu có hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng năm 2023

UBND TP Đà Lạt đã ban hành kế hoạch tổ chức quản lý, bảo vệ diện tích rừng hiện có, từng bước nâng cao chất lượng rừng và đặt ra mục tiêu phấn đấu độ che phủ rừng năm 2023 đạt 52% nhằm phát huy kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong năm 2022 và tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, khôi phục rừng, trồng rừng, trồng cây phân tán trên địa bàn.

 

rung-thong-bo-bo-01-1632749945-1677045336.jpg

Theo đó, năm 2023, Đà Lạt ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng hiện có, đưa đất lâm nghiệp vào sử dụng đúng mục đích, phát triển và sử dụng rừng bền vững, từng bước nâng cao chất lượng rừng, tăng độ che phủ hàng năm. Bên cạnh đó, thực hiện quyết liệt đồng bộ các giải pháp, xử lý dứt điểm tình trạng phá rừng, lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp trái pháp luật và tăng cường các nguồn lực đầu tư; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. 

Cụ thể, năm 2023, thành phố đặt mục tiêu trồng 25 ha rừng, chăm sóc 100 ha rừng trồng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 2 ha, trồng 648.370 cây xanh, cây phân tán và chủ động triển khai thực hiện các biện pháp trong công tác quản lý, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp. Chỉ tiêu phấn đấu giảm từ 10 - 15% trở lên số vụ phá rừng, giảm từ 15 - 20% trở lên về diện tích rừng và khối lượng lâm sản bị thiệt hại so với năm 2022; tăng dần chỉ tiêu số vụ vi phạm phát hiện được đối tượng; không để phát sinh điểm nóng về tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn thành phố. Đồng thời, hoàn thiện công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng để trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, UBND thành phố giao trách nhiệm cụ thể cho các phòng, ban, đơn vị và UBND các phường, xã thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, trong đó lực lượng kiểm lâm đóng vai trò nòng cốt. Phối hợp với các đơn vị liên quan giải tỏa thu hồi diện tích rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép; cưỡng chế giải tỏa nóng đối với các trường hợp lấn chiếm, sử dụng, xây dựng công trình trái phép trên diện tích rừng, đất lâm nghiệp.

Đặc biệt, sẽ thường xuyên kiểm tra các đơn vị chủ rừng trong việc thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; kịp thời đề xuất xử lý trách nhiệm đối với chủ rừng của Nhà nước. Ngoài ra, tham mưu, đề xuất thu hồi dự án đối với chủ đầu tư không thực hiện đúng theo nội dung dự án đã được phê duyệt, để rừng bị xâm hại; làm đầu mối tổ chức phối hợp giữa các lực lượng, các địa phương có liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tổ chức lực lượng truy quét, triệt phá các tụ điểm, điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng trái phép, các đối tượng phá rừng, hủy hoại rừng, “gặm nhấm”, lấn chiếm đất lâm nghiệp; xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các hành vi phá rừng, hủy hoại rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm túc công tác trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng đảm bảo yêu cầu.

Đồng thời, trong công tác tuyên truyền, sẽ chú trọng vào chiều sâu, đưa nội dung bảo vệ rừng, không vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng vào hương ước, quy ước để thực hiện; lồng ghép công tác tuyên truyền trong các đợt sinh hoạt cộng đồng, khu dân cư với bình xét hộ gia đình, tổ dân phố, thôn văn hóa. Qua đó, nêu gương và nhân rộng các gương điển hình trong việc thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng; đồng thời, phê bình đối với các hộ gia đình có hành vi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp.