Đặc sản khoai sâm, cá hồi Sa Pa xuất hiện tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn
Từ ngày 11 - 16/11, tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội diễn ra sự kiện “Tuần lễ Nông sản Đặc sản và Sản phẩm OCOP của Lào Cai năm 2022 tại thành phố Hà Nội”.
Sự kiện có quy mô 20 gian hàng, giới thiệu trên 100 mặt hàng nông sản đặc sản an toàn, sản phẩm OCOP của tỉnh Lào Cai, trong đó có 60 sản phẩm đã được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 đến 4 sao của Lào Cai. Rất nhiều loại nông sản đặc sản nổi tiếng của mảnh đất này đã được đưa về giới thiệu với người tiêu dùng Thủ đô, như Lạp sườn, Thịt lợn sấy, Thịt trâu sấy, Bắp cải, Su su, Su hào, Khoai sâm, Nấm hương tươi Sa Pa, Nấm hương khô Sa Pa, Tương ớt Mường Khương, Gạo Séng Cù, Rượu ngô Bản Phố Bắc Hà...
Trong đó, các sản phẩm làm từ cá hồi, cá tầm được nuôi tại Sa Pa cũng thu hút sự quan tâm chú ý của đông đảo người tiêu dùng, như cá hồi hun khói, xúc xích cá hồi, ruốc cá hồi, chả cá tầm... Hay sản phẩm nước tắm Dao Đỏ do chính đồng bào dân tộc Dao ở Sa Pa lên rừng chọn từng cây thuốc, đem về sao sấy chưng cất thành nước tắm cô đặc cũng trở thành một trong những sản phẩm bán chạy tại các hội chợ, triển lãm...
Đặc biệt, các sản phẩm cá hồi hun khói; giò, chả, xúc xích, ruốc làm từ cá hồi được khách hàng hỏi mua rất nhiều. Đây cũng là niềm tự hào của những người nuôi cá nước lạnh tại Sa Pa khi các sản phẩm chế biến từ cá hồi, cá tầm đã được tỉnh Lào Cai chọn ưu tiên phát triển trong Chương trình OCOP.
Còn nhớ, thời điểm dịch Covid-19 mới bùng phát, những hộ nuôi cá hồi tại Lào Cai lâm vào cảnh lao đao, thua lỗ vì giá cá rớt mạnh, khó tiêu thụ, một số hộ nuôi cá đã tìm cách chế biến cá hồi để bảo quản được lâu, chống chọi qua mùa dịch.
Theo đó, cá hồi hun khói, xúc xích cá hồi, giò chả cá hồi đã ra đời. Điều ngạc nhiên là các sản phẩm này nhanh chóng gây sốt trên thị trường, được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng.
Anh Nguyễn Thế Hải, chủ một trang trại nuôi cá hồi ở Sa Pa (Lào Cai) cho biết, bên cạnh sản phẩm cá hồi tươi nguyên con, cá hồi tươi cắt khúc, 2 năm nay, nhà anh đã chuyển đổi sang mô hình chế biến cá hồi thành phẩm. Lý do là bởi khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều nhà hàng, quán ăn đóng cửa, đồng nghĩa với việc, lượng tiêu thụ cá hồi Sa Pa bị chững lại.
"Việc đưa cá hồi vào làm ruốc, xúc xích, giò chả đã giúp chúng tôi không bị ảnh hưởng hay chịu tác động quá lớn từ thị trường. Không những thế, thị trường của mặt hàng này ngày càng được mở rộng, giá bán cũng rất tốt, dao động từ 300.000 - 800.000 đồng/kg tùy loại. Nếu như ngày trước, cá hồi tươi chỉ được tiêu thụ ở các nhà hàng, khách sạn, chợ hải sản thì nay sản phẩm từ cá hồi có thể đi vào siêu thị, tiệm tạp hóa, chợ mạng và nhiều kênh phân phối" - anh Hải thông tin thêm.
Theo ông Lê Tân Phong - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lào Cai, các sản phẩm của Lào Cai được đưa về Hà Nội giới thiệu và trưng bày tại sự kiện ở Hà Nội dịp này đều là những sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh Lào Cai, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận VietGAP, hữu cơ và xác nhận chuỗi chuỗi thực phẩm an toàn và chứng nhận sản phẩm OCOP.
Theo Sở NNPTNT Lào Cai, hiện tỉnh này đã có 142 sản phẩm nông sản đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 29 sản phẩm đạt 4 sao và 113 sản phẩm đạt 3 sao. Lào Cai hiện đang duy trì và phát triển 125 chuỗi sản phẩm nông sản an toàn được cấp xác nhận, trong đó có trên 60 chuỗi nông sản hiện đang cung ứng cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận.