Táo “muối” Bàng La được mùa
Phường Bàng La vốn là vựa muối nổi tiếng của Hải Phòng, người dân trước kia chỉ sống dựa vào làm muối và đi biển. Qua năm tháng, do phù sa sông Văn Úc bồi lắng, giá cả xuống thấp, nghề làm muối gặp nhiều khó khăn, người dân chuyển sang nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn quả.
Tuy nhiên, đất canh tác ở đây thuộc loại chua mặn, các loại cây ăn quả như cam, bưởi, vải… mang lại hiệu quả kinh tế không cao. Người dân chỉ trồng được táo và cà chua, chủ yếu là giống táo ta thuần chủng. Đến những năm 80 của thế kỷ XX, Bàng La đã đưa nhiều giống táo lai mới vào sản xuất. Các giống táo thuần địa phương và táo lai đều cho quả chua, chát và khó tiêu thụ nên việc sản xuất táo chưa phát triển.
Cô Phạm Thị Vân (phường Bàng La, quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng) chia sẻ, mỗi năm gia đình tôi trừ các chi phí đi cũng thu lãi được hơn 100 triệu đồng từ việc trồng 1 mẫu táo.
Thời điểm đó, có một người dân Bàng La đã ghép mầm táo ta vào gốc những cây táo lai. Mầm táo ta sinh trưởng và phát triển tốt trên gốc táo lai to, khỏe, khả năng huy động dinh dưỡng tốt và cho sai quả, quả ngọt, giòn ngon hơn những giống trồng trước đó. Từ đó, các cây táo được người dân địa phương ghép mắt và trở thành cây trồng chủ lực, là kế sinh nhai của phần lớn người dân Bàng La.
Chia sẻ với phóng viên, cô Phạm Thị Vân (phường Bàng La) cho biết: “Gia đình trồng 1 mẫu táo (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2), với hơn 100 gốc. Táo sau khi thu hoạch đến tháng 2 (âm lịch) bắt đầu tiến hành cưa cắt cành cách mặt đất 40 – 60cm, sau đó bôi vôi. Khi có mưa Xuân, cây nảy lộc và phát triển. Đến tháng 6, cây ra hoa trắng và kết trái, đến tháng 8 quả bằng đầu ngón tay. Từ tháng 10 đến tháng Giêng năm sau, táo vào mùa thu hoạch chính. Táo Bàng La được thu hoạch vào đúng thời điểm bắt đầu từ mùa đông và kéo dài cho đến sau Tết Nguyên đán nên được nhiều người tìm mua dịp Tết. Giá bán đầu mùa 25.000 đồng/kg. Giáp Tết Nguyên đán khoảng 50.000 đồng/kg mà không đủ bán. Quả táo là nguồn thu nhập chính của người dân chúng tôi, đến mùa thu hoạch, đặc biệt là gần Tết, cả làng xôn xao hẳn lên. Bởi ngày nào cũng có táo thu hoạch, ngày gần Tết có nguồn thu để chi tiêu. Mỗi năm trừ các chi phí, gia đình thu lãi được hơn 100 triệu đồng từ trồng táo”.
Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Năm cho biết, mô hình táo giàn khá mới mẻ tai địa phương Hải Phòng.
Anh Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch Hội nông dân phường Bàng La, chia sẻ: “Toàn phường trồng 48.600 cây táo trên diện tích 120ha. Sản lượng năm 2022 đạt khoảng 2.000 tấn, giá trị ước khoảng 30 - 35 tỷ đồng. Năm 2022, thời tiết khá thuận lợi cho cây phát triển, các vườn táo rất sai quả. Sản lượng táo thu hoạch đến đâu được bán hết đến đó, không đủ để cung cấp ra thị trường. Phường mong muốn TP. Hải Phòng quan tâm đến việc phát triển nghề trồng táo “muối” Bàng La, giúp người dân có thêm thu nhập, tạo điều kiện cho du lịch trải nghiệm của địa phương phát triển”.
Táo Bàng La có vị ngọt đậm đà, giòn, mọng nước nên được nhiều nơi biết đến. Năm 2015, táo Bàng La được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận bảo vệ nhãn hiệu. Bên cạnh đó là bản đăng lý danh mục sản phẩm sử dụng mã vạch do Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường cấp.
Đưa táo lên giàn, hướng đến phát triển du lịch
Khác với cách làm của người dân địa phương là trồng táo theo phương thức truyền thống, anh Bùi Duy Dũng, Bí thư Đảng uỷ phường Bàng La, lại có cách làm riêng là bắc giàn trồng táo.
Xác định táo là cây trồng chủ lực của người dân Bàng La, với suy nghĩ làm sao để sản phẩm nông nghiệp phải được gắn với thế mạnh phát triển du lịch trên mảnh đất Đồ Sơn, anh Dũng mang theo trăn trở đó vào tỉnh Ninh Thuận học hỏi quy trình kỹ thuật trồng táo giàn. Mô hình táo giàn cho năng suất gấp đôi cách trồng truyền thống, lại có thể phát triển du lịch sinh thái ngay tại vườn.
Phát triển mô hình táo giàn, có thể gắn với du lịch trải nghiệm, sinh thái, phát triển kinh tế của địa phương.
Sau khi đi thực tế, học hỏi kinh nghiệm, anh Dũng tiến hành trồng thử nghiệm 100 cây táo giàn tại vườn nhà, bước đầu cho hiệu quả. Theo anh, với mô hình mới này, cây táo chỉ có 1 thân, trồng cách nhau 5m, hệ thống giàn bằng dây thép cao khoảng 2m. Toàn bộ cành táo khi lớn sẽ leo ở phía trên giàn. Với cách trồng mới này, cây táo sẽ có khả năng chống chịu với mưa bão và sâu bệnh tốt hơn so với cách trồng truyền thống. Ngoài ra, vườn táo giàn rất thoáng, thuận lợi cho việc chăm sóc, quả táo hứng được ánh nắng mặt trời nên chất lượng cũng ngon hơn. Cách làm truyền thống 1 năm cho 1 vụ thu hoạch vào dịp cuối năm, còn mô hình trồng táo giàn sẽ cho thu hoạch 2 vụ (vụ hè, vụ đông).
“Tôi trồng táo giàn hơn 4 năm nay, năng suất đạt 7 tạ/vụ, với giá bán vụ hè 50.000/kg, vụ đông 25.000/kg. Đồ Sơn là vùng đất du lịch, việc dựng giàn trồng táo còn khá mới mẻ với du khách, nên sẽ thu hút được một lượng du khách đến tham quan. Mô hình của tôi nếu thành công, tôi sẽ vận động, tuyên truyền để người dân chuyển đổi, thu hút lượng khách du lịch về Đồ Sơn và biết đến táo Bàng La”, anh Dũng cho biết thêm.
Trong chuyến tham quan các mô hình phát triển kinh tế VAC tiêu biểu của TP. Hải Phòng, PGS.TS. Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, đánh giá cao mô hình trồng táo giàn của anh Bùi Duy Dũng. “Trong tỉnh Ninh Thuận có mô hình tương tự, nhưng đây lại là mô hình còn rất mới mẻ ở khu vực phía Bắc, đặc biệt là Hải Phòng. Hơn nữa, mô hình này còn được xây dựng một cách khoa học, sáng tạo hơn để phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng biển Hải Phòng. Đây là mô hình có hướng phát triển trong tương lai, phù hợp phát triển kinh tế vườn gắn với du lịch tại địa phương”, PGS.TS. Nguyễn Xuân Hồng nhận xét.
Nhiều năm nay, táo Bàng La đã trở thành sản phẩm được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là rất ngon, sạch mà ít nơi có được. Táo thực sự trở cây chủ lực, là nguồn thu nhập chính của người dân phường Bàng La. Việc xây dựng thương hiệu táo sạch, an toàn để cung cấp cho thị trường gắn với phát triển du lịch sinh thái là hướng đi phù hợp tại địa phương.Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho biết, mô mình táo giàn khá mới mẻ tại địa phương Hải Phòng.