Quang cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II họp từ ngày 11-19/2/1951 tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Ảnh: dangcongsan.vn
1. Chủ trương xây dựng, phát triển HTX nông nghiệp của Đại hội II
Đại hội II của Đảng xác định, muốn tiến tới chủ nghĩa xã hội (CNXH), Việt Nam phải qua ba giai đoạn, giai đoạn thứ nhất hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, đặt tiền đề cho giai đoạn thứ hai và giai đoạn thứ ba, Đảng nhấn mạnh tới chủ trương phát triển HTX: “Sang giai đoạn thứ hai, nhiệm vụ giải phóng dân tộc căn bản đã làm xong, trung tâm của cách mạng chuyển sang cải cách ruộng đất. Đảng phải…tiến hành cải cách ruộng đất đặng triệt để thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng”, phát triển hợp tác xã nông nghiệp…”(1). Giai đoạn thứ ba, nhiệm vụ trung tâm của Đảng là đẩy mạnh việc kỹ nghệ hóa, phát triển kỹ nghệ nặng, phát triển thật rộng bộ phận kinh tế Nhà nước, tập thể hoá nông nghiệp dần dần, thực hiện những kế hoạch dài hạn để gây thêm và củng cố cơ sở cho chủ nghĩa xã hội, đặng tiến lên thực hiện chủ nghĩa xã hội(2).
Đại hội II thông qua các chính sách lớn của Đảng, đề cập tới chủ trương phát triển kinh tế dân chủ nhân dân, trong đó bao gồm bộ phận HTX: “Xây dựng nền kinh tế dân chủ nhân dân là kinh tế của thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Kinh tế dân chủ nhân dân Việt Nam gồm có những bộ phận như sau: bộ phận kinh tế nhà nước gồm những xí nghiệp do Nhà nước kinh doanh; bộ phận hợp tác xã gồm những tổ chức kinh tế do hợp tác xã kinh doanh”(3).Đại hội nhấn mạnh vai trò của kinh tế hợp tác xã: “Kinh tế nhà nước và kinh tế hợp tác xã hợp thành bộ phận xã hội hóa và phải đóng một vai trò quyết định trong nền kinh tế quốc gia”(4).
Đại hội cũng đề ra những phương sách kinh tế dân chủ nhân dân lớn, trong đó nhấn mạnh: Phát triển kinh tế nhà nước và kinh tế hợp tác xã để xây dựng bộ phận kinh tế xã hội hóa lớn mạnh, làm cho kinh tế nhà nước đóng vai trò lãnh đạo các bộ phận kinh tế khác và kinh tế hợp tác xã hóa dần những bộ phận kinh tế riêng lẻ của tư nhân một cách có lợi chung cho Nhà nước, cho nhân dân và cho cả tư nhân(5).
Xuất phát từ một đất nước có nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, Đại hội chủ trương phát triển hợp tác xã nông nghiệp và khẳng định: “Nhiệm vụ trọng tâm về kinh tế của ta lúc này là đẩy mạnh tăng gia sản xuất nông nghiệp. Động viên toàn dân thi đua canh tác; cải cách ruộng đất… Phát triển các hội đổi công, hợp công và hợp tác xã để hợp lý hóa việc sử dụng nhân công, nâng cao mức sản xuất”(6).
Đại hội thông qua báo cáo về kinh tế tài chính, chỉ ra những hạn chế của HTX nông nghiệp: Do trình độ kỹ thuật nông nghiệp của chúng ta lạc hậu, ý thức làm việc tập thể của nông dân còn thấp kém, nên HTXnông nghiệp chưa tổ chức được phổ biến và theo quy mô lớn. Nó còn ở trình độ thấp và đứng trên nền tảng tư hữu về ruộng đất và trâu bò. Hiện nay, những hình thức phát triển mạnh nhất là các hình thức đoàn đổi công, hội hợp công đã phổ biến nhiều ở Bắc Trung Bộ(7).
Đại hội nhận rõ những khuyết điểm trong chính sách phát triển hợp tác xã: Dù sao, chúng ta cũng phải nhận rằng chính sách HTX sản xuất của chúng ta đưa ra chậm và không rõ ràng trong phạm vi toàn quốc. Nhiều cán bộ tự động tổ chức HTX theo lối đại quy mô, bao quát toàn huyện hay toàn xã. Quan niệm về HTX chưa nhất trí khắp nơi: có nơi thì quá xem khinh hợp tác xã, có nơi lại xem hợp tác xã là vấn đề cốt yếu nhất trong nông thôn hiện tại. Nhiều nơi không thấy rõ tác dụng của HTXhiện nay là làm thế nào cho người có công và người có của tham gia đều có lợi, để tình trạng nhân công thừa mà phương tiện thiếu, hoặc thừa phương tiện mà thiếu nhân công(8).
Trên cơ sở đó, Đại hội II khẳng định: “Để cho nông nghiệp, thương nghiệp và thủ công nghiệp thêm điều kiện phát triển có lợi cho tăng gia sản xuất bảo đảm cung cấp, chúng ta có nhiệm vụ đẩy mạnh phong trào hợp tác xã. Nó vừa là móng kinh tế tập thể hóa, vừa là một động cơ tăng sức lao động, hợp lý hóa sự sản xuất và tinh giản sự tiêu phí. Phong trào hợp tác xã cần đẩy mạnh trong nông nghiệp trước hết và cần đặc biệt chú trọng thu hút những người tiểu nông. Hình thức cần phát triển mạnh mẽ hơn cả là những kiểu hợp tác xã sản xuất đơn sơ. Phối hợp với kinh tế cá thể của tiểu nông, nó sẽ có một tác dụng rất lớn lao trong việc phát triển nông nghiệp nói riêng cũng như trong việc phát triển toàn bộ kinh tế nói chung”(9).
Đại hội II đã đề cập tới nguyên tắc xây dựng HTX: “Nguyên tắc của chúng ta trong việc đẩy mạnh phong trào hợp tác xã là: Tự dân thích, tự dân làm; Chính phủ ra sức giúp đỡ về tổ chức, về cán bộ; Hợp tác xã phải quần chúng hoá, nghĩa là giải quyết khó khăn cho quần chúng và phải có khả năng thu hút ngày càng nhiều nhân dân lao động tham gia”(10).
Như vậy, từ Đại hội II năm 1951, Đảng ta đã chủ trương phát triển HTX, đặt nền tảng cho phong trào HTX nông nghiệp ở Việt Nam khi miền Bắc tiến lên CNXH năm 1954 cũng như cả nước sau năm 1975.
2. Phong trào hợp tác xã nông nghiệp ở Việt Nam (1954-1975)
Sau năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng bước vào công cuộc xây dựng CNXH. Đảng và Nhà nước tích cực thực hiện chủ trương khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng nền sản xuất lớn XHCN. Cùng với đó, phong trào xây dựng mô hình HTX nông nghiệp ngày càng phát triển.
Tháng 8-1955, tại Hội nghị Trung ương 8 khóa II, Đảng ta chủ trương xây dựng thí điểm một số HTX, lấy đó làm cơ sở thực tiễn để định hướng công cuộc cải tạo XHCN đối với nông nghiệp.
Tính đến cuối năm 1957, đã thí điểm xây dựng 42 HTX nông nghiệp ở các tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên và Thanh Hóa. Các HTX thí điểm chủ yếu được hình thành từ các tổ đổi công(11) có quy mô xóm hoặc thôn, bình quân khoảng 20 đến 30 xã viên. Ban quản trị rất gọn nhẹ, gồm từ 2 đến 3 người và 1 kiểm soát viên. Hình thức hợp tác chủ yếu là hợp tác lao động, làm chung và phân phối theo công điểm. Các tư liệu sản xuất vẫn thuộc về từng hộ xã viên, quyền sở hữu ruộng đất được bảo đảm, đất đai HTX sử dụng để sản xuất chung và hàng năm trả hoa lợi cho xã viên. Đất khai hoang, tăng vụ được giảm và miễn thuế, tự do thuê nhân công… Cơ sở vật chất kỹ thuật hầu như chưa có gì đáng kể, vẫn là lao động cơ bắp với cái cày, cái cuốc và con trâu(12).
Tháng 10-1957, Hội nghị sơ kết công tác thí điểm xây dựng HTX nông nghiệp đặt ra chỉ tiêu: Năm 1958, xây dựng 234 HTX, năm 1960, hoàn thành xây dựng tổ đổi công, đưa 20% hộ nông dân vào hợp tác xã bậc thấp và thí điểm xây dựng hợp tác xã bậc cao(13).
Tháng 11-1958, Hội nghị Trung ương 14 khóa II đã đề ra kế hoạch phát triển kinh tế 3 năm (1958 - 1960) với nội dung chủ yếu là cải tạo XHCN mà khâu chủ yếu là nông nghiệp. Hội nghị chủ trương: Xây dựng hợp tác xã nông nghiệp ở khắp các vùng nông thôn theo mô hình hợp tác hóa - tập thể hóa, đại diện cho khu vực kinh tế tập thể. Tiếp đó, tháng 2-1959, Đảng chủ trương: Gấp rút hoàn thành hợp tác xã bậc thấp vào năm 1960... Năm 1961 hoàn thành bậc cao, mở rộng quy mô hợp tác xã toàn xã(14).
Tháng 4-1959, Hội nghị Trung ương 16 khóa II khẳng định: Mức độ tập thể hóa được coi là tiêu chí hàng đầu để đánh giá tính chất XHCN của các tổ chức quản lý sản xuất (tổ đổi công, chưa tiến hành công hữu hóa tư liệu sản xuất được coi là mầm mống XHCN. Hợp tác xã bậc thấp, mức độ tập thể hóa chưa cao được coi là nửa XHCN. Hợp tác xã bậc cao, tập thể hóa triệt để về cả tư liệu sản xuất, tổ chức quản lý lao động… được coi là hoàn toàn XHCN)(15). Hội nghị còn nêu nguyên tắc quản lý tập trung, phân phối thống nhất và quy định về trích lập các quỹ và tổ chức bộ máy HTX. Hội nghị Trung ương 16 khóa II đánh dấu “sự định hình tư tưởng hợp tác hóa theo hình mẫu tập thể hóa được áp dụng phổ biến ở các nước XHCN và được coi là mô hình tất yếu phù hợp với bản chất của XHCN(16). Cơ chế quản lý của mô hình này dần được hình thành.
Tháng 12-1959, Chính phủ ban hành Thông tư số 449-TTg về việc ban hành điều lệ mẫu hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc thấp. Điều lệ đã phác thảo rõ nét cơ chế quản lý của mô hình HTX NN bậc thấp, bao gồm:
Về nguyên tắc hoạt động: tự nguyện, cùng có lợi và quản lý dân chủ. Điều 4 của điều lệ quy định: Tất cả nam, nữ nông dân lao động và những người lao động khác ở nông thôn, từ 16 tuổi trở lên, bất kỳ thuộc dân tộc nào hoặc tôn giáo nào, không phân biệt người địa phương hoặc người nơi khác đến, nếu tự nguyện xin vào HTX, công nhận Điều lệ HTX được Đại hội xã viên hoặc Đại hội đại biểu xã viên đồng ý thì được nhận là xã viên. Như vậy, về lý luận, HTX đề cao tính tự nguyện gia nhập HTX của các xã viên chứ không phải gò ép buộc họ phải tham gia HTX.
Về sở hữu tư liệu sản xuất: Điều 1 của điều lệ quy định: HTX sản xuất nông nghiệp bậc thấp thống nhất sử dụng những tư liệu sản xuất chủ yếu của xã viên như ruộng đất, trâu bò, nông cụ, tổ chức xã viên lại để cùng lao động và thống nhất phân phối hoa lợi cho xã viên. Trong HTX sản xuất nông nghiệp bậc thấp, trừ một phần tư liệu sản xuất thuộc của chung ra, xã viên vẫn có quyền sở hữu tư liệu sản xuất và được hưởng một phần hoa lợi về những thứ đó.
Đến năm 1960, miền Bắc đã căn bản hoàn thành xây dựng HTX bậc thấp với tổng số 40.422 HTX, thu hút 85,8% số hộ nông dân tham gia(17). HTX nông nghiệp bước đầu phát huy vai trò của mình trên một số mặt như làm thủy lợi, đường giao thông nông thôn, cải tạo đồng ruộng, đưa giống mới vào sản xuất(18).
Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm củng cố, hoàn thiện quan hệ sản xuất mới đã được xác lập, đặc biệt là trên địa bàn nông thôn. Chủ trương xây dựng HTX bậc cao được đẩy mạnh.
Ngày 27-1-1961, Bộ Chính trị (khóa III) đã ra nghị quyết chỉ đạo củng cố HTX nông nghiệp. Bộ Chính trị nêu ra ba việc cần giải quyết: Củng cố HTX; mở rộng quy mô HTX; phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, trong đó đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ mở rộng quy mô HTX để phát triển lực lượng sản xuất đưa HTX từ bậc thấp lên bậc cao(19).
Năm 1961, số HTX bậc cao chiếm 25,3% tổng số HTX(20). Tuy nhiên, Hội nghị Trung ương 5 (khóa III) tháng 7-1962 đã chỉ ra ba khâu yếu của phong trào hợp tác hóa.
Thứ nhất, quan hệ sản xuất mới chưa vững chắc, quản lý yếu mà biểu hiện là: Chưa có phương hướng sản xuất, không lập được kế hoạch, dẫn đến cày sau, cấy muộn, năng suất thấp. Quản lý tài chính không minh bạch, tệ nạn tham ô, lãng phí phổ biến ở nhiều nơi. Vốn ít, sản xuất kém, có nơi đem vốn chia cho ngày công. Có biểu hiện mất dân chủ đối với người dân như: gò ép dân vào HTX; xã viên xin ra khỏi HTX không được trả lại ruộng, thậm chí có nơi còn trấn áp, gây nên tình trạng căng thẳng ở nông thôn. Đội ngũ cán bộ yếu, quản lý, điều hành kém.
Thứ hai, kỹ thuật của HTX không cao hơn so với cá thể; giống xấu, phân bón ít, sức kéo thiếu, cày cấy trễ thời vụ.
Thứ ba, việc chấp hành đường lối chính sách còn chưa tốt, nguyên tắc cùng có lợi bị vi phạm; đất 5% dành cho xã viên không đủ, tập thể hóa tràn lan, gây phản ứng trong nhân dân; giá công hữu hóa quá thấp, có nơi không bồi hoàn. Nhà nước chưa chú ý đầu tư cho nông nghiệp, cho HTX(21).
Trước tình hình Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, Hội nghị Trung ương 11, 12 khóa III (năm 1965) đã quyết định chuyển hướng về tổ chức, kinh tế, quốc phòng; tiếp tục xây dựng CNXH trong điều kiện cả nước có chiến tranh. Đối với nông nghiệp, Đảng ta chủ trương tiếp tục phát triển HTX nhằm củng cố hậu phương miền Bắc, tăng cường chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam. Xu hướng chung là tăng cường chuyển các HTX bậc thấp lên HTX bậc cao. Năm 1965, cả nước đã xây dựng được 19.035 HTX bậc cao, chiếm 60,1% số HTX, phổ biến là quy mô thôn(22). Thực hiện chủ trương của Đảng, các HTX tiếp tục cuộc vận động cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật vòng hai. Tháng 3 - 1966, Ban Bí thư ra Thông tri số 176, nêu rõ cải tiến quản lý HTX phải quán triệt 4 nội dung: cải tiến quản lý sản xuất; cải tiến quản lý lao động; cải tiến quản lý tài vụ và thực hiện quản lý dân chủ để kiên quyết chống mệnh lệnh, độc đoán trong quản lý HTX.
Trong quá trình cải tiến quản lý, hình thức tổ chức quản lý lao động và phân phối ở HTX đã có những thay đổi nhất định: Từ chỗ thanh toán theo ngày công, đến xếp bậc công việc, xác định tiêu chuẩn tính công, xác định chi phí sản xuất cho các ngành nghề. Sau đó bắt đầu hình thành chế độ ba khoán (khoán chi phí sản xuất, khoán công điểm, khoán sản lượng, trong đó chỉ tiêu khoán sản lượng là quan trọng nhất). Với sự ra đời của chế độ ba khoán, HTX trở thành đơn vị quản lý thống nhất, đội sản xuất là đơn vị nhận khoán. Đội sản xuất chịu trách nhiệm tập thể trước HTX về sản phẩm cuối cùng. Nếu vượt định mức khoán, đội sản xuất được hưởng 80% sản lượng vượt và nếu hụt định mức khoán, đội sản xuất phải chịu phạt 50% sản lượng hụt. Đây là hình thức khoán sản phẩm của HTX đối với đội sản xuất. Sau đó, đội sản xuất lại khoán việc đến từng người lao động trên cơ sở có định mức lao động và tiêu chuẩn tính công(23).
Trong bối cảnh chế độ ba khoán đang được mở rộng ở nhiều địa phương thì tháng 9-1966, ở Vĩnh Phúc đã xuất hiện hình thức “khoán hộ”. Năm 1966, tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh có chiều hướng giảm dần. Diện tích và sản lượng một số loại cây trồng không đạt kế hoạch, sản lượng lương thực, đặc biệt là lúa bị giảm sút. Đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã kiểm điểm, tìm nguyên nhân và chỉ ra rằng: Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nông nghiệp chúng ta đã đưa HTX lên quy mô lớn, chuyển từ bậc thấp lên bậc cao quá nhanh, trong đó khâu quản lý hết sức non kém. HTX đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng một cách ồ ạt, tràn lan, có biểu hiện tùy tiện như: trồng cây đặc sản, mở rộng diện tích ao hồ… dẫn đến không quản lý nổi. Tình trạng dong công phóng điểm diễn ra phổ biến. Địa hình Vĩnh Phúc lại phức tạp, đất đai manh mún rất khó cho lao động tập thể(24).
Xuất phát từ thực tiễn đó, từ vụ đông xuân 1965-1966, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã quyết định tiến hành thí điểm cải tiến quản lý HTX với nội dung khoán đến hộ gia đình xã viên ở 3 xã của huyện Vĩnh Tường. Kết quả là năng suất lúa tại các địa phương này đều tăng. Ở HTX Thôn Thượng, năng suất đạt 4 tấn/ha.
Tháng 9-1966, trên cơ sở sơ kết công tác thí điểm, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ra Nghị quyết 68-NQ/TU, chủ trương mở rộng khoán hộ trên phạm vi toàn tỉnh vànhanh chóng được triển khai vào thực tiễn.
Khoán hộ tại Vĩnh Phúc là tín hiệu dự báo một hướng đi mới trong cơ chế quản lý của mô hình HTX nông nghiệp. Thế nhưng mô hình này lúc đó không được chấp nhập vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó lý do thuyết phục hơn cả là tại thời điểm đó, khoán hộ nếu không được tổ chức tốt sẽ gây ra những đảo lộn về xã hội nông thôn, gây bất lợi cho việc tập trung sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến miền Nam để chiến thắng trong chiến tranh(25).
Tháng 12-1968, Ban Bí thư đã ra Thông tri “Chấn chỉnh công tác ba khoán và quản lý ruộng đất của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ở các địa phương”. Thông tri đã nhắc nhở các địa phương quán triệt và thực hiện nghiêm túc nội dung, nguyên tắc của chế độ ba khoán trong HTX; đồng thời phân tích, phê phán sai lầm của hình thức khoán hộ. Thông tri nhấn mạnh: HTX là một đơn vị kinh tế tập thể XHCN. Cách quản lý HTX phải tập trung vào chế độ lao động tập thể nhằm thực hiện tốt chế độ công hữu về tư liệu sản xuất.
Tháng 4 -1969, điều lệ HTX bậc cao được ban hành. Mô hình HTX NN bậc cao được cụ thể theo điều lệ như sau:
Về tính chất và nhiệm vụ của HTXNN: HTX sản xuất nông nghiệp là một tổ chức kinh tế tập thể XHCN của nông dân lao động… Các tư liệu sản xuất của HTX sản xuất nông nghiệp đều thuộc quyền sở hữu tập thể.
Về nhiệm vụ của xã viên: Xã viên phải góp ruộng đất, đóng cổ phần, để lại trâu, bò và các nông cụ chủ yếu (như cày, bừa, guồng nước v.v.) cho HTX.
Về cơ quan quản lý HTX: Gồm có Ban quản trị; ban kiểm soát và đội trưởng, đội phó sản xuất. Ban quản trị có nhiệm vụ giữ gìn và quản lý tốt ruộng đất và các của cải khác của HTX. Đội trưởng, đội phó sản xuất có nhiệm vụ đôn đốc, hướng dẫn xã viên và cùng xã viên hoàn thành tốt những chỉ tiêu của kế hoạch do HTX giao cho.
Về các của cải HTX: Ruộng đất, trâu bò, nông cụ và các của cải khác của HTX đều là của chung của các xã viên... Xã viên có nhiệm vụ bảo vệ và không được chiếm ruộng đất và các của cải khác của HTX làm của riêng. Ban quản trị HTX không được tự ý nhường hoặc bán ruộng đất và các của cải khác của HTXvà phải báo cáo rõ với xã viên việc Nhà nước mua hoặc sử dụng một phần ruộng đất của HTX vào việc xây dựng thuộc lợi ích công cộng. Phần đất 5% để lại cho xã viên khi vào HTX, nếu xã viên là chủ ruộng đất không cần dùng nữa thì phải giao lại cho HTX; khi nào cần dùng thì HTX sẽ trả lại.
Về sản xuất và quản lý lao động: HTX phải quản lý sản xuất theo đúng nguyên tắc XHCN… Phải củng cố các đội sản xuất để bảo đảm thực hiện ba khoán nhằm sử dụng tốt lao động của các xã viên vào công việc tập thể; các đội sản xuất khoán việc cho các nhóm và các nhóm phân công cho lao động... Không được đem ruộng đất và các nông cụ chủ yếu của HTX giao khoán cho từng hộ xã viên… HTXphải xếp bậc công việc, định mức lao động và tiêu chuẩn kỹ thuật, tính công, ghi công... cho xã viên. Những cán bộ chủ chốt bận làm công việc chung, ngoài công điểm do lao động sản xuất mà có, còn được phụ cấp một số công điểm, bảo đảm thu nhập của họ ngang với mức thu nhập của lao động loại giỏi trong HTX.
Về phân phối thu nhập: Sau khi làm nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước và trừ các khoản chi phí kể cả khấu hao tài sản, cần để vào quỹ tích lũy khoảng 5%-10% và quỹ công ích khoảng 2%-5% thu nhập của HTX; số còn lại phải chia hết cho xã viên theo công điểm, bảo đảm công bằngng và niêm yết công khai.
Như vậy, điểm khác nhau căn bản giữa mô hình HTX bậc cao với mô hình HTX bậc thấp là: Trong HTX sản xuất nông nghiệp bậc thấp, quyền sở hữu của xã viên về những tư liệu sản xuất chủ yếu được thừa nhận, khác với HTX sản xuất nông nghiệp bậc cao, các tư liệu sản xuất chủ yếu đã chuyển thành của tập thể. Đến năm 1975, đã có 90,1% HTX bậc cao(26); xuất hiện ngày càng nhiều HTX quy mô liên thôn và toàn xã (năm 1974, ở đồng bằng và trung du có 15% số HTX có quy mô toàn xã)(27).
Phải khẳng định rằng, mặc dù mô hình HTX theo cơ chế quản lý kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp, tập thể hóa tư liệu sản xuất trong những năm 1954-1975 có nhiều khuyết tật nhưng trong hoàn cảnh chiến tranh, hình thức tổ chức lao động tập trung, chế độ công điểm phân phối bình quân đã bảo đảm cuộc sống cho người dân trên hậu phương lớn miền Bắc, để các thế hệ thanh niên yên tâm lên đường ra mặt trận chiến đấu.
Mặt khác, việc mở rộng quy mô HTX, chế độ quản lý tập trung và điều hành theo kiểu hành chính - quân sự đã có vai trò nhất định trong việc tập trung sức người, sức của để chi viện cho tiền tuyến và làm thủy lợi, cải tạo đồng ruộng. Phương thức tổ chức, quản lý kiểu tập trung, phân phối theo nguyên tắc bình quân đã cho phép các HTX huy động nhanh chóng sức người, sức của phục vụ nhu cầu của cuộc kháng chiến, cho phép HTX làm tốt chính sách hậu phương quân đội, phát huy truyền thống tương thân tương ái ở các vùng nông thôn Việt Nam. Trong suốt thời kỳ tồn tại, các HTX nông nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ở nông thôn, khai hoang phục hóa, xây dựng thủy lợi, cải tạo đồng ruộng, phát triển giao thông nông thôn, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt các HTX nông nghiệp đã góp phần ổn định đời sống kinh tế - chính trị - xã hội nông thôn trong những năm chiến tranh; góp phần xây dựng hậu phương vững chắc, góp sức người, sức của cho tiền tuyến, cùng với tiền tuyến làm nên thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
__________________
(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10) ĐCSVN:Văn kiện Đảng toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001,tr.88, 87, 106, 106, 107, 127, 319, 319,336, 337.
(11) Thời kỳ khôi phục kinh tế 1955-1957, Đảng và Nhà nước ban hành chính sách đẩy mạnh phong trào đổi công hình thành các tổ đổi công. Trong hình thức này, người nông dân chỉ hợp tác với nhau về mặt lao động theo nguyên tắc “công đổi công”, còn ruộng đất và các loại tư liệu sản xuất khác vẫn thuộc sở hữu tư nhân. Nông dân vẫn làm chủ ruộng đất, làm chủ quá trình sản xuất và làm chủ khối lượng sản phẩm làm ra.
(12) Nguyễn Sinh Cúc: Nông nghiệp Việt Nam 1945-1995, Nxb Thống kê, HN, 1995, tr.17.
(13), (14), (16) Chử Văn Lâm, Nguyễn Thái Nguyên, Phùng Hữu Phú, Trần Quốc Toản, Đặng Thọ Xương: Hợp tác hóa Nông nghiệp Việt Nam, Lịch sử - Vấn đề - Triển vọng; Nxb Sự thật, Hà Nội, 1992, tr.11, 15, 15-16.
(15), (17), (18), (19), (22), (23), (24), (25) Trương Thị Tiến: Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr 21, 22, 23-24, 24-25, 34-35, 34-35, 37.
(17), (20), (22), (25), (26) Niên giám thống kê năm 1981, Tổng cục Thống kê, Hà Nội, 1982, tr.110, 110, 110, 110, 110.
(27) Đào Văn Tập (chủ biên): 45 năm kinh tế Việt Nam (1945-1990), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr.101.