Cũng từ đó, đã có sự ủng hộ tích cực của các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương tỉnh Hà Nam; 10 nữ Liệt sĩ Dân quân Lam Hạ đã được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân...
Những năm Không quân Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, xã Lam Hạ, huyện Duy Tiên (nay là phường Lam Hạ, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), trở thành trọng điểm giao thông, là tuyến đường huyết mạch của hậu phương miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của địch.
Nhằm ngăn chặn, đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, quanh thị xã Phủ Lý bấy giờ được bố trí nhiều trận địa pháo phòng không cố định và cơ động. Riêng tại xã Lam Hạ có tới 8 trận địa bố trí liên hoàn ở các thôn Đình Tràng, Hòa Lạc và Đường Ấm.
Để hỗ trợ, phối hợp với các trận địa pháo cao xạ của bộ đội, Đại đội dân quân phòng không Lam Hạ được thành lập vào ngày 5/8/1965 gồm 87 người. Ngoài nhiệm vụ hậu cần, tiếp đạn, tải thương, chị em dân quân Lam Hạ còn trực tiếp sát cánh chiến đấu cùng bộ đội.
Ngày 1/10/1966, là trận hiệp đồng chiến đấu oanh liệt, tiêu biểu nhất của dân quân xã Lam Hạ, trong đó có Đại đội 1, Tiểu đoàn 6 pháo phòng không 37mm thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nam Hà. Trong trận đánh đó, dân quân tự vệ thôn Đình Tràng cùng bộ đội phá nhiều tốp máy bay của địch, khiến cho hầu hết bom đạn của chúng ném trượt khỏi mục tiêu.
Không phá được các mục tiêu, địch điên cuồng quay sang tập kích hủy diệt trận địa pháo cao xạ đặt cách cầu Phủ Lý khoảng 300m. Ngay loạt bom bi và rốc két đầu tiên, sáu nữ pháo thủ dân quân là Đinh Thị Tâm, Phan Thị Tuyết, Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi, Phạm Thị Lan, Vũ Thị Phương đã anh dũng hy sinh ngay trên trận pháo.
Pháo thủ dân quân Nguyễn Thị Thi hy sinh khi mới 16 tuổi, chưa kịp để lại dù chỉ một tấm hình. Trước khi hy sinh, cô còn nói với người anh trai cùng đồng đội là đừng rời trận pháo, hãy thay em chiến đấu để bảo vệ quê hương.
Chị Đinh Thị Tâm bị bom cứa nát chân nhưng vẫn kiên trung đứng ôm chặt cây súng hướng về phía quân thù. Còn cô giáo - y tá Vũ Thị Phương, mặc dù bị thương nặng vẫn nén đau, giấu mọi người để tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi kiệt sức và hy sinh.
8 ngày sau, ngày 9/10/1966, máy bay Mỹ điên cuồng tấn công trận địa phòng không đặt tại thôn Đường Ấm. Trong trận chiến này có ba nữ pháo thủ dân quân là Nguyễn Thị Thuận, Trần Thị Thẹp, Nguyễn Thị Oánh đã anh dũng hy sinh.
Gần một năm sau, ngày 7/7/1967, tại trận địa pháo đặt tại thôn Hòa Mạc, trong trận đánh trả máy bay Mỹ đến phá cầu Phủ Lý, nữ dân quân Đặng Thị Chung đã chiến đấu dũng cảm đến hơi thở cuối cùng...
Ngày nay, cùng với "10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc" (tỉnh Hà Tĩnh), "10 cô gái Lam Hạ" ở TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Namđã trở thành biểu tượng thiêng liêng, là "10 bông hoa" bất tử trong lòng nhân dân. Trận địa phòng không nơi các chị hy sinh đã được công nhận Di tích lịch sử Quốc gia, Đền thờ 10 nữ Anh hùng Liệt sĩ Lam Hạ đã được xây dựng nhằm tôn vinh, tưởng nhớ về 10 đóa hoa không bao giờ tàn trên vùng đất Lam Hạ...
Để chuẩn bị cho các hoạt động nhân tháng 7 tri ân Thương binh Liệt sĩ 2024, Tổ chức "trái tim người lính" đang phối hợp với CLB "Mãi mãi tuổi 20" phục dựng di ảnh màu cho 10 nữ Dân quân Anh hùng Lam Hạ, đã dũng cảm hy sinh trên mâm pháo trong khi bắn máy bay Mỹ.
Dự kiến, một sự kiện ý nghĩa nhân văn sẽ được tổ chức ngày 23/7/2024 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, với sự chứng kiến của nhiều nhân chứng lịch sử và Báo giới Thủ đô Hà Nội.
Trân trọng đề nghị thân nhân gia đình các nữ Anh hùng Liệt sĩ Lam Hạ và đồng đội của các chị, nếu còn lưu giữ được các ảnh tư liệu và di ảnh chân dung chất lượng tốt, hãy chuyển cho chúng tôi, để nhóm họa sĩ trẻ của "Trái tim người lính" có thể phục dựng màu và in phóng đạt chất lượng tốt nhất, trong điều kiện cho phép.
Hà Nội, 25/6/2024
TTNL