Đào Duy Anh (1904-1988) là nhà sử học, địa lý học, từ điển học, ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, văn học dân gian nổi tiếng của Việt Nam. Ông được xem là người mở đầu cho nhiều ngành khoa học xã hội nước nhà. Ông là một trong những người có công xây dựng nền khoa học xã hội - nhân văn hiện đại của Việt Nam. Với tư cách là một nhà từ điển học, ông đã đặt cơ sở cho nền từ điển học hiện đại Việt Nam. Trên lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, văn học, tác phẩm Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh cùng với Văn minh An Nam (La Civilization Annamite, 1944) của Nguyễn Văn Huyên là những công trình khoa học đặt nền tảng, nền móng cho sự hình thành nền văn hóa học hiện đại Việt Nam một cách khoa học. Trên lĩnh vực sử học, với những tư liệu đã tích lũy từ nhiều năm và tham khảo những công trình khoa học liên quan của nước ngoài, ông đã tiến hành nhiều đề tài nghiên cứu rất cơ bản về lịch sử Việt Nam, nhất là về lịch sử cổ đại và trung đại như vấn đề phân kỳ lịch sử, nguồn gốc dân tộc, vấn đề chế độ chiếm hữu nô lệ, chế độ phong kiến, sự hình thành dân tộc Việt Nam, ...
Quang cảnh Hội thảo Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Giáo sư Đào Duy Anh (1904 - 2024)
Năm 1974, ông giới thiệu, phiên dịch, chú giải tác phẩm Khoá hư lục của Trần Thái Tôn (Trần Thái Tông). Phải nói nói đây là một trong những tác phẩm mẫu mực về giới thiệu, phiên dịch, chú giải ở Việt Nam. Ngoài ra, trong công trình này, ông còn có bản phụ thơ của Tuệ Trung Thượng sĩ, tức giới thiệu, phiên dịch, chú giải những bài thơ tiêu biểu của Tuệ Trung Thượng sĩ. Cấu trúc tác phẩm này gồm:
- Lời nói đầu
- Nói tóm tắt về thiền tôn
- Khoá hư lục (phần phiên âm của Phúc Điền Hoà thượng)
- Khoá hư lục (dịch lại)
- Khoá hư lục (nguyên văn chữ Hán)
- Phụ lục. Trích dịch thơ của Tuệ Trung Thượng sĩ
- Chú giải
Qua cấu trúc, mục lục nêu trên đã toát lên tinh thần khoa học, tính trung thực của ông, cụ thể, Khoá hư lục (phần phiên âm của Phúc Điền Hoà thượng), nguyên bản Khoá hư lục bằng tiếng Hán, phân định rõ ràng cái gì của người, cái gì của mình; không vơ của người làm của mình như một số luận văn, luận án, công trình hiện nay. Tinh thần khoa học, tính trung thực này, ta thấy rõ ở lớp tri thức thời đó, giới tri thức theo Bác Hồ về nước phục vụ kháng chiến. Đọc Lịch sử Phật giáo Việt Nam của Trần Văn Giáp chẳng hạn. Trên thế giới, các nhà khoa học họ đều làm như vậy, tiêu biểu là Ph.Ăngghen, bạn của C.Mác, khi ông lý giải tại sao học thuyết do Mác và ông sáng lập ra lại chỉ mang tên Mác.
Đọc phần Nói tóm tắt về thiền tôn, ta lại thấy nổi lên đức tính thứ hai của ông, đó là khiêm tốn. Hiện nay, trong khoa học có tình trạng: hiểu biết một tí chút thì bắt đầu khoa trương, khuyếch đại, dùng những từ to tát không ai hiểu nổi để tung hoả mù, tỏ ra uyên bác, tự cao tự đại, không coi ai ra gì. Đọc bài này, tôi thấy, ngay từ những năm 1974, năm tôi mới bước chân vào đại học Tổng hợp Toán Hà Nội, ông đã có những kiến thức vô cùng uyên bác, bác lãm về Phật giáo thiền tông; để đến nỗi 10 năm sau, tức năm 1984, tôi quay lại nghiên cứu kỹ cuốn Khoá hư lục do ông dịch; tôi vô cùng ngạc nhiên và hoàn toàn nhất trí với ý kiến của ông:” Trần Thái tôn không chỉ là một nhà tu hành đắc đạo lại còn là một nhà triết học sâu sắc và thi sĩ trữ tình dào dạt, chủ trương thanh tĩnh một cách rất sôi nổi xúc động. Tất cả những bài kệ đều là thơ, thơ thất ngôn, ngũ ngôn hoặc tứ ngôn; tất cả các bài khác đều là văn biền ngẫu chặt chẽ và đầy hình tượng. Khoá hư lục chữ Hán về hình thức cũng như về nội dung là một tập thơ nghĩa rộng”. Nghiên cứu Khoá hư lục, tôi đi đến khảng định cái mà các nhà nghiên cứu, thậm chí ngay cả trong giới triết học còn mù mờ chưa rõ, rằng ở Việt Nam có triết học hay không và chứng minh triết học Trần Thái Tông là tập đại thành đầu tiên của triết học Việt Nam, của Phật giáo Việt Nam (xem: Nguyễn Hùng Hậu: Góp phần tìm hiểu tư tưởng triết học Phật giáo Trần Thái Tông. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1996). Ở Việt Nam có cái bệnh: đối với bản thân mình, nước mình thì lờ mờ không rõ; còn đối với người khác, nước khác thì thao thao bất tuyệt. Người ta có thể nói cả ngày về triết học Mác-Lênin, triết học Hêghen, Aristot, … , nhưng khi đề cập đến triết học Việt Nam thì mù tịt, ngay cả đối với một giáo sư triết học. Đến đây, tôi bất giác nhớ đến câu nói của Bác trong bài Ý kiến về việc làm và xuất bản loại sách người tốt, việc tốt, tháng 6 năm 1968 :”Trước kia, thực dân Pháp còn cai trị nước ta, có những người tri thức Việt Nam rất thông thuộc lịch sử, địa lý và các chuyện thần thoại của nước Pháp, của Hy-lạp và La-mã. Nhưng khi hỏi đến các vị anh hùng là tổ tiên, ông cha mình , hỏi đến địa lý nước mình thì mù tịt. Nay ta độc lập, tự do rồi, cố nhiên ta không đào tạo nên những con người như thế. Tuy vậy, Bác nhắc các chú điều này: Bây giờ … ngày càng có nhiều người nước ngoài tìm hiểu rất kỹ về Việt Nam. Coi chừng có nhiều người Việt Nam lại không hiểu rõ lịch sử, đất nước, con người và những cái vốn rất quý báu của mình bằng người nước ngoài”. Lời căn dặn của Bác từ những năm 1968, nhưng tình hình hiện nay trong lĩnh vực triết học thì như thế nào chắc mọi người đều biết. Đào Duy Anh đã đi theo hướng mà Bác đã chỉ ra.
Đi theo hướng này, xuất phát từ nghiên cứu triết học Phật giáo Việt Nam (xem: Nguyễn Hùng Hậu: Lược khảo tư tưởng Thiền Trúc Lâm Việt Nam. Nxb. Khoa học xã hội; H. 1997; Đại cương triết học Phật giáo Việt Nam. Nxb. Khoa học xã hội; H. 2002), tôi đi đến khảng định ở Việt Nam có triết học (xem: Đại cương lịch sử triết học Việt Nam. Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội 2010; Suy ngẫm về triết Hồ Chí Minh. Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội 2015; Triết học Việt Nam. T.1. Triết học Việt Nam truyền thống. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2017)
Kiến thức uyên bác của ông thể hiện ở chỗ, ông cho rằng ở nước ta có một điều nên lưu ý là mỗi khi nhà nho học có ý chán nản với đời mà muốn đi tìm an ủi trong Phật học thì thường tìm đến Thiền tôn, đó cũng không phải là chuyện ngẫu nhiên. Nhà nho học uyên thâm thì thường kiêm đạo học, mà như đã biết, người học đạo hay lấy Lão Trang giải thích Phật học, mà sự dung hội của đạo và Phật tất dẫn đến Thiền tôn. Chẳng hạn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du. “Thiền tôn có sức hấp dẫn lớn đối với những nhà nho học chân chính mỗi khi họ cảm thấy bất bình với cuộc đời”. Ông cho rằng Thiền tôn không chú trọng kinh điển, chỉ chú trọng phương pháp tu hành. Nhưng thực tế, một vị thiền sư mà đi đến được cái kết luận “vô tự thị chân kinh” như câu của Nguyễn Du đó thì đã phải đọc nhiều kinh điển mà suy nghĩ nhiều lắm rồi. Ông cho rằng khi đã giác ngộ thì người ta dù làm nghề gì, dù làm việc gì, cũng có thể ở vào trạng thái lặng lẽ trong trẻo hoàn toàn, hoàn toàn tự tại, tức trạng thái “niết bàn tịnh tĩnh”. Vì chỉ lấy thần mà gặp chứ không lấy mắt mà nhìn, không thấy gì ở ngoại giới và ở trong mình nữa, không bị cái gì vướng víu, cho nên nhất cử nhất động, làm gì cũng trúng. “Tôn chỉ của Thiền tôn quả là có cái rất mới, do đã đem vào Phật giáo những yếu tố rất là táo bạo”. Phật giáo đả phá cái thành kiến đẳng cấp của các tôn giáo Ấn Độ mà chủ trương mọi loài bình đẳng. Nhưng Phật giáo với những quan niệm luân hồi, nghiệp báo, với phương pháp tiệm ngộ đã đẩy lùi sự giải thoát của chúng sinh không biết đến đời đời kiếp kiếp nào, khiến Phật Hagiáo có phần bi quan. Thiền tôn đã đem chủ trương đốn ngộ khiến người ta có hy vọng lên ngay cõi Phật, thực là đã đem lại cho Phật giáo một ý nghĩa vô cùng lạc quan, tích cực. Thiền tôn phủ định tất cả, hoàn toàn tự tại, để khảng định một cái gì đó tích cực. “Thiền tôn Việt Nam đã đi rất xa trên quá trình phủ định cho nên đồng thời cũng đã đi đến sự khảng định mạnh mẽ hơn mà chủ trương người đã giác ngộ thì cứ việc theo cương vị xã hội của mình mà làm bất cứ nghề gì – làm vua, làm quốc sư, làm thiền sư, làm cư sĩ, làm đại thần, làm đại tướng, hay nghề gì khác – tự mình đã là Phật sống … Cố nhiên đó chỉ là một điều tin tưởng. Nhưng trong khi dân tộc mới tự giải phóng đương cần một lực lượng tinh thần để đoàn kết và tập hợp mọi lực lượng xã hội thành một sức mạnh vô địch mà bảo toàn và củng cố lực lượng của mình, phải chăng chính là Phật giáo thiền tôn thời Đinh Lê Lý Trần đã đảm đương được vai trò của lực lượng tinh thần ấy. Đây chỉ là một vài suy nghĩ chủ quan tôi nêu ra để thử tự giải quyết thắc mắc cho mình, chứ không phải là kết luận của một cuộc nghiên cứu chín chắn”. Cái mà ông cho là một vài suy nghĩ chủ quan nêu ra để thử tự giải quyết thắc mắc cho mình, chứ không phải là kết luận của một cuộc nghiên cứu chín chắn, thì đến năm 1984, khi còn là nghiên cứu sinh tại Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô cũ tôi đã chứng minh được.
Giờ quay trở lại vấn đề giới thiệu, phiên dịch, chú giải tác phẩm Khoá hư lục của Trần Thái Tôn (Trần Thái Tông). Phải nói đây là một bản dịch tương đối hoàn hảo, hoàn chỉnh, sáng, rõ mà từ trước đến nay rất hiếm gặp. Nếu Khoá hư lục chữ Hán về hình thức cũng như về nội dung là một tập thơ nghĩa rộng, theo Đào Duy Anh, thì đọc bản dịch của ông, Khoá hư lục chữ Việt về hình thức cũng như về nội dung là một tập thơ nghĩa rộng, theo tôi; bởi vì ông đã lột tả được cái hồn, cái cốt của tác phẩm. Phải là người rất am hiểu văn hoá Việt, tinh thông tam giáo, đặc biệt là Phật giáo, mới dịch được như vậy. Hiện nay có dịch giả, về ngôn ngữ rất giỏi, nhưng họ không chuyên về lĩnh vực đó, nên dịch không có hồn, không chuyển tải hết tinh thần, tư tưởng của người nói, người viết.
Tuy nhiên, trong khi dịch không tránh khỏi một số hạt sạn, mà ở đây tôi chỉ đưa ra hai ví dụ cụ thể. Trong bài Phổ khuyên mở lòng Bồ đề (Phổ khuyến phát Bồ đề tâm), có câu:” chỉ yếu biện tâm”, Đào Duy Anh dịch là “chỉ cần thành tâm” là không đúng, không chính xác. Chữ “biện” dịch là “thành” là không ổn. Năm 1987 sau khi về nước, tôi nói với ông Minh Chi (em ruột của cụ Thích Minh Châu) về điều này. Lập tức ông Minh Chi đã viết một số bài đăng trên tạp chí Phật học ở miền Nam. Biện ở đây gần với tham biện, biện luận, phân tích phải trái, thực hư. Còn dịch là “thành” thì nghĩa lại hoàn toàn khác.
Trong Sám hối tội thân căn, có câu:” niệm dậy tưởng hành”, Đào Duy Anh dịch là:” niềm dậy ý sinh”; còn trong Thơ văn Lý Trần, tập II, quyển thượng, dịch là:” nghĩ ra là làm” là không đúng, không chính xác. Chữ “niệm” dịch thành “niềm” hay “nghĩ” là chưa ổn. Mặt khác, chữ “tưởng” dịch là “ý” là không chính xác. “Tưởng” trong Phật giáo (Samjna) là tên của tâm sở (tác dụng của tâm), là một trong ngũ uẩn cấu tạo nên con người; còn “ý” (Mana) là tính toán, suy nghĩ (trong Phật giáo “ý” và “thức” là khác nhau). Hay từ “vọng” là khái niệm cơ bản trong Phật giáo, cứ để nguyên như vậy thì hay hơn là dịch thành “lầm”, vì “lầm” chỉ là một trong các nghĩa của “vọng”. Từ “niệm” cũng vậy. Tất nhiên, đây là những khái niệm chuyên sâu trong Phật học, nếu không nghiên cứu thì cũng khó tránh khỏi sơ xuất, đặc biệt là đã cách chúng ta đến nửa thế kỷ rồi (1974).
Mặc dù mới tốt nghiệp Thành chung (tiểu học), nhưng do tự học, ông đã trở thành nhà khoa học nổi tiếng Việt Nam. Cũng như Ph.Ăngghen chưa tốt nghiệp phổ thông, nhưng ông phê phán một giáo sư nổi tiếng ở thủ đô nước Đức hồi bấy giờ (qua tác phẩm chống Duy Rinh) mà cuối cùng vị giáo sư này phải về vườn. Qua đây ta thấy, bằng cấp không quan trọng lắm, vấn đề là tự học, tự học suốt đời, lấy việc học như là một nhu cầu không thể thiếu như cơm ăn, nước uống. Khổng Tử cho rằng học cho mình mới bền; còn học cho người, học để đáp ứng nhu cầu bên ngoài thì không bền. Nghiên cứu khoa học để đáp ứng tính thời sự, thì khi tính thời sự qua đi, giá trị của công trình cũng qua đi, lúc đó chỉ còn cách bán sách cho bà đồng nát hoặc cho vào tủ khoá lại để mối mọt phê phán. Và như vậy, chúng ta lại học được sự ham học, tự học suốt đời, kiên trì vượt khó với tầm tư duy nhì xa trong rộng của giáo sư Đào Duy Anh. Qua chú giải, ta còn thấy ông là một người cẩn thận, chu đáo.
Qua nghiên cứu Khoá hư lục, sách do Đào Duy Anh giới thiệu, phiên dịch, chú giải, ta thấy kiến thức đồ sộ của ông; thấy được tính cách của một nhà khoa học lớn. “Nhân vô thập toàn”, trời đất không có cái gì hoàn thiện cả, sách này còn có những hạn sạn nhỏ, nhưng những hạt sạn này không làm ảnh hưởng đến công lao to lớn của ông đối với ngành sử học, địa lý học, từ điển học, ngôn ngữ học, văn hóa học, tôn giáo học, văn học,…nước nhà; ông mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ các nhà khoa học hiện nay và mai sau noi theo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hồ Chí Minh. Tuyển tập, tập II, Nxb Sự thật, Hà Nội 1980.
2. Trần Thái Tôn. Khoá hư lục, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1974.
3. Thơ văn Lý Trần, tập II, quyển thượng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1988.
4. Nguyễn Hùng Hậu. Góp phần tìm hiểu tư tưởng triết học Phật giáo Trần Thái Tông. Nxb. Khoa học xã hội; H. 1996.
5. Nguyễn Hùng Hậu. Lược khảo tư tưởng Thiền Trúc Lâm Việt Nam. Nxb. Khoa học xã hội; H. 1997.
6. Nguyễn Hùng Hậu. Đại cương triết học Phật giáo Việt Nam. Nxb. Khoa học xã hội; H. 2002.
7. Nguyễn Hùng Hậu. Triết lý trong văn hóa phương Đông. Nxb. Đại học Sư phạm. Hà Nội 2004.
8. Nguyễn Hùng Hậu. Đại cương lịch sử triết học Việt Nam. Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội 2010.
9. Nguyễn Hùng Hậu. Suy ngẫm về triết Hồ Chí Minh. Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội 2015.
10. Nguyễn Hùng Hậu. Triết học Việt Nam. T.1. Triết học Việt Nam truyền thống. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2017.