Nguyễn Ái Quốc đến Liên Xô nhiều lần. Lần thứ nhất vào năm 1923, Người được Đảng Cộng sản Pháp cử đi dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V tại Matxcova, Liên Xô. Tối ngày 13 tháng 6 năm 1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật rời Paris lên tàu lửa sang Đức. Ngày 16 tháng 6 năm 1923, cơ quan đại diện Chính phủ Liên bang CHXHCN Xô Viết tại Berlin, Đức đã cấp giấy thông hành số 1829 cho Nguyễn Ái Quốc dưới cái tên Chen Vang. Ngày 27 tháng 6 năm 1923, ông Nguyễn đáp tàu biển mang tên nhà cách mạng Đức Carl Liebnek từ cảng Hamburg, rời Đức tới Nga. Ngày 30 tháng 6 năm 1923, tàu cập cảng Petrograd, lần đầu tiên ông Nguyễn đặt chân lên mảnh đất Cách mạng tháng Mười, đất nước của V. I. Lénine vĩ đại, mà ông hằng mong ước.
Đầu tháng 7 năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đến thủ đô Matxcova. Tại đây ông Nguyễn được Ban tổ chức Đại hội bố trí chỗ ăn ở rất chu đáo tại khách sạn Lux, trên phố Tverskaya, trung tâm Matxcova.
Trong thời gian ở Liên Xô, Nguyến Ái Quốc có nhiều hoạt động: Người được mời tham dự Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân, với tư cách đại biểu chính thức của nông dân Đông Dương và được bầu vào Hội đồng Quốc tế Nông dân, tham gia Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản.
Lúc này Lénine đang ốm nặng, nên Đại hội Quốc tế Cộng sản tạm hoãn. Cuối năm 1923, Nguyễn Ái Quốc vào học Trường Đại học Cộng sản của những người lao động phương Đông, trực thuộc Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, có nhiệm vụ đào tạo cán bộ cách mạng cho các nước phương Đông và Trung Á.
Mong ước của Nguyễn Ái Quốc là được gặp Lénine tại Đại hội, nhưng đến ngày 21 tháng 01 năm 1924, Lénine qua đời. Sau này, Hồ Chủ tịch kể lại sự kiện đau buồn đó: “Vào một ngày tháng 01 năm 1924, chúng tôi đang ăn sáng tại một quán cơm tầng dưới của khách sạn, thì được tin Lénine mất. Thế là tôi chưa được gặp Lénine và đó là một điều ân hận lớn trong đời tôi. Khi tôi đến nước Nga, Người đã ốm nặng và đang chữa bệnh ở Gorki, cho nên không đến thăm được”.
Thực ra cuộc “gặp” lịch sử giữa Nguyễn Ái Quốc và V. I. Lénine đã diễn ra từ năm 1920, sau khi Nguyễn Ái Quốc đọc được bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”.
Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V khai mạc ngày 4 tháng 6 đến 8 tháng 7 năm 1924, với tư các đại biểu tư vấn. Trong bản tham luận tại Đại hội V Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc chỉ ra sự bành trướng ngày càng to lớn của hệ thống thuộc địa: “Năm 1876: 1/4 tỷ người dân thuộc địa, thì năm 1914: 1/2 dân thuộc địa, đến đầu những năm 20, diện tích các nước thuộc địa gấp 5 lần diện tích của các nước chính quốc, còn dân số chính quốc chưa bằng 3/5 dân số các nước thuộc địa. Số dân thuộc địa của Anh đông hơn 8,5 lần dân số nước Anh, còn đất đai rộng gấp 252 lần của nước Anh ”.
Ngày 23 tháng 6 năm 1924, tại phiên họp thứ 8, Đại hội V Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc phát biểu: “Tôi tới đây để không ngừng lưu ý Quốc tế Cộng sản đến một sự thật là thuộc địa đang tồn tại và vạch ra để Quốc tế Cộng sản thấy cách mạng ngoài vấn đề tương lai của các thuộc địa, còn có cả nguy cơ của các thuộc địa. Song, tôi thấy rằng hình như các đồng chí chưa hoàn toàn thấm nhuần tư tưởng rằng vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các nước thuộc địa. Vì vậy, tôi sẽ tận dụng mọi cơ hội có được gợi ra những vấn đề và nếu cần tôi sẽ thức tỉnh các đồng chí về vấn đề thuộc địa”.
Tại Đại hội V Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc được cử làm uỷ viên Ban Phương Đông, phụ trách Cục Phương Nam.
Nhân dịp này, với danh nghĩa là đại biểu Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc được mời tham dự Đại hội lần thứ III Quốc tế Công hội Đỏ, Đại hội Quốc tế Cộng sản Thanh niên và Hội nghị của các Tổ chức Cứu tế Đỏ.
Trong khoảng thời gian dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc tranh thủ đi thăm nhiều nơi trên đất nước Liên Xô, Đồng thời tận dụng thời gian rảnh rỗi viết một loạt bài cho các báo: “Nhân đạo” (L’Humanité); “Đời sống Công nhân” ( La Vie Ouvrière); “Sự thật” (Pravda); “Người cùng khổ” (Le Paria); “Thư tín Quốc tế” (Inprekor) và “Tạp chí Cộng sản”... Các bài bào của Người chủ yếu tập trung nói về vấn đề liên quan đến giai cấp công nhân, đến cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân ở các thuộc địa, mối quan hệ giữa cách mạng vô sản ở chính quốc và cách mạng vô sản ở thuộc dịa.
Nguyễn Ái Quốc đặc biệt quan tâm đến chiến lược quân sự của các cường quốc đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Sau khi phân tích những động thái quân sự của Nhật Bản ở đảo Yap, Mỹ tăng cường tàu chiến ở Thái Bình Dương, Pháp có cả một hệ thống thuộc địa vành đai Thái Bình Dương, Nguyễn Ái Quốc dự đoán chính xác rằng khu vực này “tương lai có thể trở thành lò lửa của cuộc chiến tranh thế giới mới”.
Ngày 11/11/1924, Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô, đi Quảng Châu, Trung Quốc, lấy tên là Lý Thuỵ. Tại Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc có nhiều hoạt động lớn như: Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930, sáng lập tờ báo Thanh niên...
Năm 1931, Nguyễn Ái Quốc dưới cái tên Tống Văn Sơ, bị cảnh sát Hồng Kông bắt giam. Được sự giúp đỡ nhiệt tình của luật sư Frank Loseby, toà án Hồng Kông buộc phải trả tự do cho Tống Văn Sơ.
Đầu năm 1933, Từ Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đến Liên Xô lần thứ hai. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 7 từ 25/7 – 20/8/1935, nhưng không được bầu vào Ban Châp hành Quốc tế Cộng sản. Đại diện của Việt Nam tại Ban Chấp hành lúc bấy giờ là Lê Hồng Phong..
Theo tài liệu của một số nhà sử học, Nguyễn Ái Quốc bị ép phải ở lại Liên Xô, vì bị nghi ngờ về lý do được nhà cầm quyền Hồng Kông trả tự do? Tuy vậy, tại đây Nguyễn Ái Quốc dưới cái tên Linov, vẫn được phân công phụ trách chung những người cộng sản Việt Nam và theo học tại Trường Lénine là trường Đảng Cao cấp của Quốc tế Cộng sản dành cho các lãnh tụ Cộng sản các nước ngoài (1934 – 1935).
Năm 1935, Nguyễn Ái Quốc được bầu làm đại diện của Đảng Cộng sản Đông Dương bên cạnh Quốc tế Cộng sản, trong lúc Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai đã về hoạt động trong nước. Mặc dầu thời gian này học sinh Việt Nam không tiếp tục sang Liên Xô học nữa, nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn phải ở lại Liên Xô. Nguyễn Ái Quốc dưới cái tên Lin, tranh thủ theo học lớp nghiên cứu sử học của Viện, Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, nhưng không dự thi tốt nghiệp.
Thể theo nguyện vọng, được Quốc tế Cộng sản chấp thuận, mùa thu năm 1938, Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô về hoạt động ở châu Á, tại Trung Quốc.
Và từ đây, Người có điều kiện trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn, đưa đến cuộc Cách mang tháng Tám thành công và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 02 tháng 9 năm 1945 (nay là Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam)
Nguồn: (Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh và Viện Bảo tành Lịch sử)