Việt Nam đứng thứ 3 châu Á về mất cân bằng giới tính khi sinh
Tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm truyền thông nhằm chấm dứt tình trạng lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới” tổ chức tại Hạ Long ngày 12/12, TS. Phạm Vũ Hoàng – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số, Bộ Y tế cho biết, mất cân bằng giới tính khi sinh đã thực sự trở thành thách thức với công tác dân số nước ta từ năm 2006 khi tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) tăng lên 109,8 và đến năm 2021, TSGTKS của Việt Nam vẫn ở mức rất cao (khoảng 111,5 bé trai trên 100 bé gái). Mất cân bằng giới tính khi sinh trước đây xảy ra chủ yếu ở thành thị, vùng đồng bằng Bắc Bộ thì nay lan rộng ra hầu khắp cả nước; ngay từ đứa con đầu tiên, nhiều cặp vợ chồng đã nghĩ đến lựa chọn giới tính khi sinh. Hiện tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh của Việt Nam đứng thứ 3 châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.
TS. Phạm Vũ Hoàng và chuyên gia về giới và nhân quyền của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc cho rằng, nguyên nhân gốc rễ, cốt lõi dẫn đến MCBGTKS tại Việt Nam là định kiến giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ (xuất hiện ngay từ khi chuẩn bị kết hôn; khi kết hôn; khi chung sống; khi có con; thậm chí cả khi qua đời) đã ăn sâu vào tiềm thức của rất nhiều cá nhân. Quan niệm thiên lệch về giới này đã được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác, gây ảnh hưởng tiêu cực đến vị trí, vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình, cộng đồng và trong xã hội. Bên cạnh đó, sự lạm dụng khoa học kỹ thuật để lựa chọn giới tính cũng là nguyên nhân dẫn đến MCBGTKS.
MCBGTKS để lại nhiều hệ luỵ. Xét về cấp độ xã hội, sẽ dư thừa hàng triệu nam giới hay nói cách khác là thiếu hụt phụ nữ và trẻ em gái; đàn ông phải sống độc thân sẽ bị thay đổi các mối quan hệ và tình dục; buôn bán người, xuất cảnh để kết hôn và tăng tốc độ già hóa dân số. Theo số liệu dự báo của Tổng cục Thống kê, nếu TSGTKS vẫn giữ như hiện nay, Việt Nam sẽ dự thừa 1,5 triệu nam giới vào năm 2034 và tăng lên 2,5 triệu vào năm 2059.
Truyền thông sáng tạo là giải pháp cơ bản, quan trọng
Để đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, thời gian qua, các ngành chức năng đã triển khai thực hiện Đề án Kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2016-2025 theo QĐ số 468/QĐ-TTg ngày 23/3/2016. Trong đó, truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi được xác định là nhóm giải pháp cơ bản và quan trọng để can thiệp giải quyết các nguyên nhân căn bản và gốc rễ của vấn đề MCBGTKS xuất phát từ định kiến giới và tâm lý ưa thích con trai. Tuy nhiên tại hội thảo nói trên, ngoài nhấn mạnh vai trò của truyền thông, các chuyên gia cho rằng, công tác truyền thông cần đổi mới theo hướng sáng tạo cả về nội dung, phương thức và cách thức, đa nền tảng.
Chuyên gia về nhân quyền và giới của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc Hà Thị Quỳnh Anh, cho rằng cần phải tập trung nhiều hơn nữa các hoạt động truyền thông cho giới trẻ. Việt Nam là một trong những nước sử dụng công nghệ rất nhiều, vì vậy, các hoạt động truyền thông hướng tới giới trẻ cần phải sáng tạo và sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, cần tập trung nhiều hơn nữa vào sự tham gia của nam giới; nam giới cần phải nêu tấm gương bình đẳng giới từ trong gia đình, xã hội; nam giới cần cam kết không gây áp lực với người phụ nữ của mình về việc cần phải sinh con trai.
Chia sẻ kinh nghiệm truyền thông, bà Nguyễn Thị Thuý, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới (CSAGA) cho biết, để góp phần can thiệp giảm thiểu MCBGTKS, Trung tâm đã tổ chức các chương trình game show, sự kiện cộng đồng như “Sinh con gái, hái niềm vui”, “Là con gái để toả sáng” trên tik tok; toạ đàm trên mạng xã hội, trên các phương tiện truyền thông… Các nội dung và phương thức truyền thông này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cộng đồng. Trong đó cuộc thi “Sinh con con gái, hái niềm vui” trên tik tok năm 2020 thu hút hơn 6.821.000 lượt xem, 14.205 lượt chia sẻ. Tại Long An, CSAGA tổ chức mô hình “Nam giới điểm 10”, phong trào “Giỏi việc nước đảm việc nhà ở cả nam và nữ”; Hội Nông dân xây dựng mô hình “Câu lạc bộ Người cha trách nhiệm”, sân khấu hoá nội dung tuyên truyền qua các tiểu phẩm; tỉnh Bắc Giang tổ chức truyền thông trong các trường THCS,…/