Địa lan Sa Pa có gì đặc biệt

Địa lan Sa Pa năm nay bị ảnh hưởng bởi thời tiết thất thường nhưng vẫn có những chậu lan từ hàng chục tới hàng trăm triệu đồng.

Địa lan Sa Pa thu hút những người chơi lan sành sỏi tìm đến mua. Ảnh: H.Đ

Địa lan Sa Pa thu hút những người chơi lan sành sỏi tìm đến mua. Ảnh: H.Đ

Thời tiết, cơn ác mộng của người trồng địa lan Sa Pa

Khoảng hơn 1 tháng nay, những người trồng địa lan ở Sa Pa trong đó tập trung chủ yếu ở xã Tả Phìn đã di chuyển những chậu lan xuống khu vực xã Cốc San (TP. Lào Cai) để bán và để tiện bề vận chuyển đi các nơi trong đó có Hà Nội.

Khu vực những người bán lan tập trung chủ yếu nằm ven quốc lộ 4D đoạn đi qua địa phận xã Cốc San. Những hộ bán lan này thường thuê mặt bằng từ 1-2 tháng của những hộ dân tại đây.

Với mức thuê mặt bằng (bãi đất trống) dao động khoảng 7-10 triệu đồng cho vụ bán lan Tết, tùy thuộc diện tích rộng hay hẹp, bám mặt đường quốc lộ 4D bao nhiêu mét.

Mặc dù, Cốc San là vùng thấp và chênh lệch độ cao lớn với Tả Phìn song những ngày cận Tết thường giá rét nên địa lan Sa Pa được đưa về đây cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, năm nay lại xảy ra thời tiết bất thường nên phần nào gây thiệt hại đáng kể cho người trồng địa lan Sa Pa.

Ông Nguyễn Trung Kiên, chủ điểm bán địa lan ở km7 xã Cốc San cho biết, người trồng địa lan năm nay thực tế đối mặt với rất nhiều khó khăn đó là thời tiết nắng nóng đến tận tháng 11 - 12 dương lịch. Khi chúng tôi chuyển lan xuống đây thì có những thời điểm lên đến 35 độ chính vì vậy lan bị rụng và hỏng rất nhiều.

Lần thứ 2, cuối tháng 12/2022, một đợt mưa khi đó chúng tôi tưởng mưa sẽ hỗ trợ cây lan nhưng khi mưa xong thì làm cho hoa đỏ hết bởi trong nước mưa có chứa aixt.

Chính vì vâỵ khi mưa xuống làm cho cây lan hỏng rất nhiều, cây lan bị rụng và vàng lá, không có khả năng nở hoa được.

Chậu địa lan như trên có giá khoảng trên 10 triệu đồng, tùy thuộc số lượng cần hoa. Ảnh: H.Đ

Chậu địa lan như trên có giá khoảng trên 10 triệu đồng, tùy thuộc số lượng cần hoa. Ảnh: H.Đ

Trước tình hình khó khăn của thời tiết, các nhà vườn chủ động che lưới cho cây lan mát, lắp hệ thống quạt gió để giảm nhiệt độ. Khi mưa, còn phải che bạt, thậm chí mua ô về che cho mỗi chậu lan đắt tiền để đảm bảo chất lượng hoa lan của nhà vườn khi đến tay khách hàng.

Do những ảnh hưởng nêu trên, nên giá bán địa lan năm nay không cao. Mặt khác, do lượng khách hàng năm nay cũng hạn chế so với năm trước.

"Đến thời điểm này khách hàng đi mua cũng rất ít, không nhiều như mọi năm. Ngoài ra, do hoa năm nay không được đẹp đến mức xuất sắc nên có thể lượng khách hàng sẽ lựa chọn cây khác để chơi Tết như đào và quất.

Với những dòng lan vip, lan đẹp, lan xanh ngọc giá rơi vào khoảng 450.000-500.000 đồng/cần hoa, đấy là những cần nguyên bản. Còn đối với những cần ghép lại thành những chậu lớn thì rơi vào khoảng 300.000-350.000 đồng/cần hoa. Còn đối với những lan rẻ hơn thì giá khoảng 200.000-250.000 đồng/cần hoa", ông Nguyễn Trung Kiên nói.

Địa lan Sa Pa được bán theo số lượng cần hoa nên giá trị mỗi chậu hoa có thể từ vài triệu tới vài trăm triệu đồng.

Địa lan Sa Pa bị hỏng do thời tiết thất thường phải đem bỏ. Ảnh: H.Đ

Địa lan Sa Pa bị hỏng do thời tiết thất thường phải đem bỏ. Ảnh: H.Đ

Bán không hết thì đem về trồng

Ghi nhận tại những điểm bán lan tại khu vực xã Cốc San, các nhà vườn chỉ duy trì khoảng 300-500 chậu địa lan Sa Pa. Cho đến thời điểm này, do lượng khách hàng tại chỗ và những khách hàng là người du lịch ghé qua mua cũng đã vãn. Vì vậy, một số nhà vườn chủ động mang địa lan Sa Pa xuống Hà Nội và những tỉnh lân cận để bán dần cho đến Tết.

Ông Nguyễn Trung Kiên cho hay, năm nay tổng số lan của vườn nhà tôi rơi vào khoảng 300 gốc. Chúng tôi đã ghép những chậu lan còn nguyên vẹn vào và những chậu lan tốt bán cho khách hàng để chơi trong những dịp xuân. Thế còn những chậu lan hỏng, chúng tôi cắt gốc rồi chuyển lên Tả Phìn để trồng lại cho vụ sang năm và sang năm nữa.

Do tình hình kinh tế và nhu cầu của khách hàng, chúng tôi làm vườn năm nay bán không hết thì sang năm tiếp tục bán chứ không phải là bán hết bằng được để thanh lý những chậu lan xấu cho khách hàng".

Còn ông Trần Mạnh Hồng, chủ của điểm bán địa lan Sa Pa ổ thôn Luổng Láo 1, xã Cốc San (TP. Lào Cai) cho rằng, “thị trường địa lan năm nay bình bình, không sôi động như năm ngoái. Nói chung nhà vườn trồng thì vẫn cứ phải chuyển thôi còn đầu ra không biết bán được bao nhiêu. Không bán hết thì lại quay về vườn.

Thời tiết năm nay thất thường nên là hoa cũng không được đẹp như năm ngoái. Chất lượng hoa cũng đều nhưng do khâu chăm bón nữa, chăm bón không đạt thì chất lượng cây hoa không được tốt mấy".

Những người bán địa lan Sa Pa chủ yếu là tự trồng, ít ai dám mua về buôn vì lợi nhuận thấp mà rủi ro cao. Ảnh: H.Đ

Những người bán địa lan Sa Pa chủ yếu là tự trồng, ít ai dám mua về buôn vì lợi nhuận thấp mà rủi ro cao. Ảnh: H.Đ

Về mức độ thiệt hại do thời tiết thì theo chủ nhà vườn này, nhà nào đầu tư nhiều thì thiệt hại nhiều, đầu tư ít thì thiệu hại ít. Xét về công chăm bón và chăm sóc chi phí cũng tốn kém nên chỉ khi nào bán xong mới có thể tính được lỗ lãi.

Ngoài ra, cũng theo người trồng địa lan Sa Pa, mỗi chậu lan của họ để có thể xuất bán được phải mất khoảng 3 năm từ trồng, ghép và chăm sóc... Địa lan Sa Pa gần như mọc tự nhiên không sử dụng thuốc, hay hóa chất để kích hoa nở. Theo những người làm lan Sa Pa, họ sử dụng phân trâu tươi để đắp vào những gốc lan và sự ưu ái về khí hậu nên những chậu địa lan Sa Pa luôn đắt giá.

Địa lan Sa Pa còn có một tên gọi mỹ miều khác đó là lan Trần mộng - giấc mộng của Vua Trần - nên được nhiều người sành sỏi, chơi hoa lan tìm mua khi Tết đến xuân về.