Khối đại đoàn kết - Nền tảng sức mạnh của dân tộc
Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc luôn là một trong những nguồn lực quan trọng nhất, mạnh mẽ nhất giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách và thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới. Trong gần 80 năm độc lập và gần 40 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã giúp đất nước vượt qua nhiều thách thức và đạt được những thành tựu quan trọng. Sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân, cùng sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng đã tạo ra sức mạnh tổng hợp để xây dựng đất nước ngày càng phát triển và vững mạnh.
Tư tưởng đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân tộc là một giá trị cốt lõi xuyên suốt trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu dựng nước, đặc biệt trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, khối đại đoàn kết đã thể hiện sức mạnh to lớn, giúp nhân dân Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, giành thắng lợi vẻ vang. Từ thời kỳ đấu tranh giành độc lập cho đến khi đất nước thống nhất và phát triển, sự đoàn kết của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đã luôn là yếu tố quyết định sự thành công của cách mạng Việt Nam.
Trong những năm qua, khối đại đoàn kết vẫn giữ vai trò quan trọng trong mọi chính sách và chương trình phát triển đất nước. Chính sự đoàn kết này đã giúp chúng ta xây dựng được một hệ thống chính trị vững mạnh, tập hợp mọi lực lượng trong xã hội để thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước.
Mặt trận không chỉ là tổ chức tập hợp các tầng lớp nhân dân mà còn là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và người dân, giúp chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng vào thực tế đời sống. Đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, Mặt trận cần tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong việc xây dựng khối đại đoàn kết, động viên toàn thể nhân dân đóng góp sức lực vào công cuộc đổi mới đất nước.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên sẽ tiếp tục phát động những phong trào thi đua yêu nước, động viên nhân dân tham gia vào các hoạt động xã hội thiết thực, từ việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, đến việc chung sức xây dựng nông thôn mới, khu phố văn minh, bảo vệ chủ quyền đất nước, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, và tham gia vào các phong trào xóa đói giảm nghèo, xoá nhà đột nát cho các hộ nghèo.
Bước vào kỷ nguyên mới
Một trong những minh chứng sống động và gần đây nhất về sức mạnh của khối đại đoàn kết là trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Trong suốt 3 năm từ cuối năm 2019 đến năm 2022 đương đầu với đại dịch chưa từng có tiền lệ, truyền thống đoàn kết khắp các vùng miền Bắc – Trung - Nam, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc đã được phát huy mạnh mẽ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị, xã hội, Mặt trận Tổ quốc, cùng với sự đoàn kết của các tầng lớp nhân dân, Việt Nam đã vượt qua đại dịch, bảo vệ sức khỏe của người dân và ổn định để phát triển kinh tế xã hội.
Sự đoàn kết trong phòng chống đại dịch không chỉ giúp Việt Nam kiểm soát được tình hình mà còn hỗ trợ việc khôi phục kinh tế, đưa đất nước bước vào trạng thái bình thường mới. Nhờ đó, năm 2024, Việt Nam đã trở thành một điểm sáng trong khu vực với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Với việc phát huy sức mạnh của đại đoàn kết, chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua những thử thách, đặc biệt là trong bối cảnh quốc tế đang có nhiều biến động khó lường. Để đạt được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, cần phải tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết, huy động mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng của nhân dân, và bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ nước ta đã hội tụ đủ những điều kiện cần thiết và đang đứng trước cơ hội lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tuy nhiên để đạt được điều này, thời gian tới cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm "lấy Nhân dân là trung tâm, chủ thể của mọi chủ trương, chính sách", "lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân là mục tiêu phấn đấu”, tập trung tháo gỡ khó khăn, “điểm nghẽn” để khơi thông, huy động và khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực, kiến tạo cơ hội, giải phóng mọi tiềm năng, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm mọi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của đổi mới, phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau.
Nhân dịp này, chúng ta ghi nhận và tri ân những đóng góp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sức mạnh của đoàn kết, sự vào cuộc của toàn thể nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự đóng góp của Mặt trận Tổ quốc chính là yếu tố quan trọng giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.
Không thoả mãn với kết quả đạt được, chúng ta sẽ tiếp tục đối diện với nhiều thách thức khó lường, nhưng với tinh thần Đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực tự cường, và sự đồng lòng của toàn dân, chắc chắn sẽ đạt được những thành tựu lớn lao, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới phát triển mạnh mẽ và vững chắc hơn bao giờ hết.
V.X.B