Thương lắm Hà Giang

Vụ sạt lở trên quốc lộ 2 ở khu vực xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang, Hà Giang khiến nhiều người thương vong, xe cộ, nhà cửa bị vùi lấp. Đau thương do hưởng của cơn bão số 3 tiếp tục dài thêm sau những Làng Nủ ở Lào Cai và nhiều bản làng Yên Bái. Khu vực bị sạt lở ở Hà Giang chính là nơi một thời Trung đoàn 246 chúng tôi đóng quân.

Đó là những năm tháng sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, Trung đoàn 246 chúng tôi lên Hà Giang phá núi, mở đường làm kinh tế. Cách ngã ba Việt Vinh khoảng hai cây số là cơ quan trung đoàn bộ. Các tiểu đoàn và các đại đội trực thuộc đóng quân rải rác theo dọc tuyến đường 279, đường từ Bắc Quang, Hà Giang sang Yên Bình, Yên Bái và tuyến đường mới sẽ mở chạy song song với quốc lộ 2 từ ngã ba Việt Vinh xuống thị trấn Vĩnh Tuy.

dt1hg1a-1732113566.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Quốc lộ 2 từ Tuyên Quang lên Hà Giang ngày ấy hai bên đương có nhiều cánh rừng già cổ thụ và có rất ít nhà dân. Những nhà dân hai bên đường chủ yếu là của người kinh dưới xuôi lên khai hoang hoặc của công nhân lâm trường Vĩnh Hảo. Bản làng của người Tày, Nùng, Mông thì ở trong rừng sâu hoặc ở trên sườn núi cao. Ngã ba Việt Vinh ngày ấy lèo tèo vài hàng quán, có mấy hiệu đo may, sửa chữa quần áo. Cánh lính chúng tôi thường hay ra đây để pic-kê đầu gối, mông quần, xoay ống quần hoặc lộn cổ áo. Quân trang ngày ấy toàn loại vải chất lượng thấp nhanh sờn rách phải đi vá vứu lại để mặc khi ở trong rừng hoặc lúc ra công trường lao động. Mỗi người chỉ có một bộ còn mơi mới, lành lặn để dành mặc khi ra thị trấn hoặc lúc vào bản chơi. Thời gian lao động ở Hà Giang rất vất vả, ăn thì chỉ bo bo, mỳ bột nắm, bột ngô. Măng đắng, rau dớn rừng trở thành thực phẩm quan trọng. Chúng tôi vừa lao động làm đường vừa tăng gia sản xuất. Ngày ấy, mỗi năm mỗi người lính phải tự túc ba tháng lương thực thực phẩm. Chúng tôi phá đá mở đường và tranh thủ phát rừng làm nương tra lúa, trồng ngô. Tôi nhớ ngày ấy mùa mưa cũng rất dữ dội, sông Lô, sông Bạc cuồn cuộn trong lũ lớn, có chiến sĩ đi gùi gạo bị nước lũ cuốn trôi trên sông Bạc. Những cơn mưa rừng dữ dội, có lần chúng tôi ra thị trấn Vĩnh Tuy, lên thị trấn Bắc Quang lấy lương thực trở về phải ngủ lại giữa rừng vì lũ lớn, suối sâu không thể vượt qua. Truyện ngắn Mưa rừng và truyện ngắn Nhớ rừng tôi đã viết từ nhừng đêm mưa giữa rừng Hà Giang ngày ấy. Những ngày ấy mưa to nhưng hầu như không có những vụ sạt lở đất đá lớn hậu quả kinh hoàng như hiện nay. Đã hơn bốn mươi sáu năm rồi, tôi chưa có dịp quay lại Bắc Quang, Hà Giang, không biết những cánh rừng già nhiều cây cổ thụ bây giờ có còn nhiều nữa không? Từ tháng 8 năm 1978, khi tình hình biên giới phía Bắc căng thẳng trung đoàn chúng tôi lật cánh sang hướng Cao Bằng.

Cơn bão Ya-gi số 3 gây bao thảm họa từ bờ biển Quảng Ninh, Hải Phòng lên tận miền núi biên giới Lào Cai. Cả nước đang thấp thỏm, lo âu bởi những vụ sạt lở kinh hoàng ở Lào Cai, Yên Bái lại nghe tin dữ ở Hà Giang. Thương lắm Hà Giang nơi chúng tôi từng đóng quân năm xưa, thương lắm những bản làng vùng núi cao đang chịu nhiều mất mát, gian lao trong cơn bão lũ vừa qua…

Hà Nội, ngày 3/10/2024

TR.B