Về dự và chủ trì có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó thủ tướng chính phủ Lê Minh Khái; Bộ Trưởng Bộ NN và PTNT Lê Minh Hoan cùng các lãnh đạo Đảng và nhà nước, các chuyên gia, đại sứ quán Canada; Ireland. Diễn đàn được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với 63 điểm cầu tại các tỉnh.
Diễn đàn được chia thành 4 phiên, mỗi phiên tập trung vào một khía cạnh cụ thể. Phiên thứ nhất là Tổng hợp kiến nghị và phát biểu của cộng đồng các tổ chức kinh tế hợp tác, trong đó các đại diện từ các tổ chức có cơ hội đưa ra ý kiến, đề xuất và chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế tập thể.
Phiên thứ hai là Phát biểu của các tổ chức quốc tế và chuyên gia, nơi các chuyên gia và đại diện từ các tổ chức quốc tế có thể trình bày quan điểm, nhận định và đề xuất các giải pháp hỗ trợ phù hợp để phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Phiên thứ ba tập trung vào phát biểu của các địa phương về xây dựng và triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ. Đại diện từ các địa phương sẽ trình bày về những công việc đã được thực hiện, những thành tựu đã đạt được cũng như những khó khăn và thách thức trong quá trình triển khai chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Phiên thứ tư là phản hồi của một số bộ ngành về khó khăn và vướng mắc trong xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể. Các đại diện từ các bộ ngành sẽ trình bày về những thách thức mà họ đang gặp phải và đề xuất những giải pháp để giải quyết những khó khăn này.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động lấy lợi ích kinh tế là chính; đồng thời coi trọng lợi ích về chính trị, văn hoá, xã hội trên địa bàn. Trong đó, đề cao lợi ích của thành viên, sự hợp tác, liên kết, trợ giúp lẫn nhau, hướng đến làm giàu cho từng thành viên và tập thể; thực hiện các chính sách xã hội trên địa bàn.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương luôn quan tâm và ban hành, triển khai nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế tập thể, HTX. Đến nay, khu vực kinh tế tập thể cơ bản đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài. Các HTX đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình kiểu mới. Số lượng HTX, liên hiệp HTX thành lập mới tăng đáng kể, phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ; hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Tính liên kết giữa các HTX với doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác bước đầu phát triển.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, khu vực kinh tế tập thể của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu. Tốc độ tăng trưởng, tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào GDP còn thấp. Một số thành viên tham gia hoạt động của HTX còn mang tính hình thức, chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ. Hiệu quả hoạt động HTX chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp; trình độ cán bộ quản lý còn hạn chế. Phần lớn HTX, tổ hợp tác có quy mô nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp, năng lực cạnh tranh không cao. Các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các HTX và giữa HTX với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến.
Nghị quyết số 20-NQ/TW chỉ rõ: "Chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho kinh tế tập thể tuy nhiều nhưng dàn trải, phân tán, chủ yếu là lồng ghép, thiếu tập trung, chưa thống nhất, thiếu nguồn lực hoặc không khả thi".
Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đại biểu trao đổi, thảo luận, chia sẻ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung vào phân tích thực trạng phát triển của khu vực kinh tế tập thể, HTX. Trong đó phân tích những gì đã làm được, chưa làm được; tồn tại, hạn chế và nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; phân tích các cơ hội, thách thức và nhu cầu hỗ trợ trong khu vực kinh tế tập thể, HTX thời gian tới…
Đồng thời, Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và chúc mừng những kết quả đáng ghi nhận của các đơn vị đã đạt được trong thời gian qua. Đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng, ngày càng chủ động của khu vực KTTT, HTX. Biểu dương Bộ KHĐT với vai trò giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về HTX; cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh hợp tác xã Việt Nam là những cơ quan nòng cốt trong phát triển KTTT, HTX.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu; các nguồn tài nguyên ngày càng suy giảm; thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ với các thành tựu mới của khoa học - công nghệ. Kinh tế tập thể, hợp tác xã phải nhận thức rõ, tự chủ động thoát khỏi những rào cản và vướng mắc mang tính cố hữu để vươn lên; chuyển biến mạnh mẽ về cả tư duy và hành động theo hướng ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ hiện đại, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; phát triển cả số lượng và chất lượng các thành viên, lực lượng lao động tham gia; chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng năng suất lao động, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị.
Mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam sẽ có 45 nghìn hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1,7 nghìn hợp tác xã thành viên. Bảo đảm trên 60% tổ chức KTTT đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Đến năm 2045, Bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết (Nghị quyết số 20-NQ/TW).
Chính phủ luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật để khu vực KTTT, HTX phát triển nhanh, bền vững, đóng góp ngày càng tích cực vào thành tựu phát triển KTXH chung của đất nước.
Diễn đàn Kinh tế Hợp tác, Hợp tác xã năm 2024 đã tạo ra một diễn đàn quan trọng cho các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã, các địa phương và các bộ ngành để trao đổi ý kiến và tìm kiếm các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một nền kinh tế thịnh vượng và bền vững cho quốc gia.
Một số hình ảnh tại diễn đàn: