Doanh nhân Trần Công Cảnh: Người Xứ Quảng giàu lòng nhân ái

Năm nay đã 77 tuổi đời, tròm trèm 60 năm không sống tại quê nhà xứ Quảng, nhưng lạ lùng, chất giọng của ông vẫn đậm nét của người Quảng sống ở bãi biền sông Thu. Ông là Trần Công Cảnh, hiện đang sinh sống tại khu phố 1, phường Thành Tâm, thị xã Chơn Thành - người đã viết nên những câu chuyện cảm động, đầy tính nhân văn trên quê hương Bình Phước.

Lặng lẽ góp mật ngọt cho đời

Ông Trần Công Cảnh kể, ông sinh ra ở xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Năm 1958, ông theo cha mẹ vào miền Nam sinh sống và hoạt động cách mạng. Ngày ấy chiến tranh nên khó khăn chồng chất, nhưng sự học của ông thì không ngừng. Năm 1974, ông tốt nghiệp Cử nhân Báo chí, Viện Đại học Vạn Hạnh, sau đó lấy tiếp bằng Cử nhân Hóa hữu cơ Trường đại học Khoa học, thuộc Viện Đại học Sài Gòn, từng giữ một vài vị trí quan trọng trong lĩnh vực giáo dục, rồi chuyển sang kinh doanh. Năm 1990, khi đang là doanh nhân ở TP. Hồ Chí Minh, theo lời kêu gọi của lãnh đạo tỉnh Sông Bé, ông và một số doanh nghiệp khác lên huyện Bình Long, nay là thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước lập nghiệp. Từ vùng đất mới, ông đã tạo dựng cho mình một vựa cao su hàng trăm héc ta, mang lại việc làm, thu nhập và nguồn sống cho hơn trăm người dân trong tỉnh.

Vợ chồng ông Trần Công Cảnh và cơ ngơi khang trang của gia đình

Ông Cảnh cho biết, hiện nay dân số tại Quảng Nam khoảng 1,5 triệu người, nhưng những người Quảng Nam đi làm ăn xa quê sống ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước là hơn 2 triệu người. Người Quảng Nam sống rất tình cảm, luôn nhớ về quê cha đất tổ nơi chôn nhau, cắt rốn. “Quảng Nam là nơi tôi sinh ra, nhưng Bình Phước là nơi tôi sống, đã tạo công ăn việc làm, tạo sự nghiệp nên tôi chọn Bình Phước là quê hương thứ hai và cố gắng đóng góp xây dựng cho Bình Phước. Nay tuổi đã cao nhưng làm được gì cho Bình Phước tôi đều sẵn sàng” - ông Cảnh nói. 

Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng dường như sức nghĩ và sức làm việc của nhà giáo, doanh nhân, nghệ nhân Trần Công Cảnh vẫn là niềm mơ ước của nhiều người. Bởi ngoài làm kinh tế giỏi, ông còn nổi tiếng trong lĩnh vực sinh vật cảnh và là nhà hảo tâm luôn tích cực trong các phong trào xã hội ở địa phương. Điều ông mong muốn nhất là được nhìn thấy thế hệ con cháu học hành tử tế, góp sức lực, trí tuệ để xây dựng quê hương. Vì vậy, nhiều năm về trước, ông bỏ tiền xây dựng ngôi trường tiểu học mang tên Trần Cao Vân - nhà chí sĩ cách mạng của đất Quảng Nam, cũng chính là người trong dòng tộc của ông ngay tại huyện Hớn Quản. Hằng năm, ông vẫn hỗ trợ kinh phí để trẻ em ở đây được đến trường. Ông còn xây dựng cầu cho bà con vùng khó khăn; hỗ trợ kinh phí khám chữa bệnh cho gia đình có công, người nghèo ở nhiều vùng miền.  

Một nghĩa cử rất đẹp nữa là trong đại dịch Covid-19 vừa qua, vào tháng 7-2021 ông đã chi hơn 400 triệu đồng thuê 2 chiếc máy bay chở bà con đồng hương Quảng Nam bị mắc kẹt ở TP. Hồ Chí Minh về quê tránh dịch. Còn đối với các vùng dịch ở huyện Chơn Thành khi bị giãn cách theo Chỉ thị 15,16, mỗi tuần ông chi 25 triệu đồng mua nhu yếu phẩm phục vụ người dân trong vùng. Với ông, sự giàu có không chỉ được đo đếm bằng giá trị nhìn thấy mà chính từ sự “cho đi” không mệt mỏi. Vì vậy nhiều năm nay, mỗi năm ông đều dành ra 1 tỷ đồng để làm công tác thiện nguyện.

Thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn

Không chỉ giỏi về kinh doanh, về tài lãnh đạo, có tâm với công tác thiện nguyện, nặng lòng với quê hương, ông còn là người chồng, người cha hết mực yêu thương gia đình. Bên cạnh ông luôn có người vợ, cũng là người đồng hương, đã gắn bó cả cuộc đời bên ông, từ khi cơ hàn, đói kém, đến khi có cuộc sống vương giả như hôm nay. Chính sự đồng thuận, đồng lòng, đồng chí hướng của vợ mình, ông mới làm được những nghĩa cử cao cả ấy.

Rất mực điềm tĩnh và rất đỗi khiêm nhường, nhưng trò chuyện với ông mới thấy rõ những khát khao cháy bỏng của một doanh nhân, nghệ nhân, nhà giáo, nhà từ thiện... nổi tiếng đất Bình Phước

Bà Trần Thị Lan - vợ ông kể, bà sinh ra ở huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Vụ thảm sát do lính Mỹ và lính Nam Triều Tiên gây ra ngày 27-12-1968 tại chân đồi Bà Đen, thôn Đông Nam, xã Phú Thọ, huyện Quế Sơn đã cướp đi sinh mạng của 21 người dân vô tội. Trong đó có 5 người thân trong gia đình bà, khi đó bà mới 13 tuổi cùng người chị họ của mình còn sống sót vì lúc xảy ra vụ thảm sát hai bà đang đi làm đồng. 50 năm đã trôi qua, bà vẫn bị ám ảnh về vụ thảm sát man rợ đó. 

Với lòng căm thù giặc Mỹ sâu nặng, bà Lan đã tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Những năm 1968-1970, đỉnh điểm của cuộc chiến, quân Mỹ - ngụy càn quét, bắn giết cả vùng thung lũng Quế Sơn quê bà. Chúng thực hiện “3 sạch”: đốt sạch - giết sạch - phá sạch. Bà con dân làng thề với nhau rằng: “Một tấc không đi, một ly không rời”, “Nhà tan cửa nát cũng ừ. Đánh thắng giặc Mỹ, cực chừ sướng sau”… Vượt qua muôn vàn hòn tên, mũi đạn, bà đã lành lặn trở về. Thế nhưng sự thật phũ phàng là bà mang trong mình chất độc da cam/dioxin mà không hề biết. Để rồi di chứng đã cướp đi 3 người con thân yêu của bà khi các con đến tuổi trưởng thành. Nỗi đau giằng xé, nhưng ông trời vẫn còn thương cho ông bà cậu con trai út khỏe mạnh, giỏi giang. Từ nhỏ cậu đã khỏe mạnh, thông minh và có tố chất say mê khoa học hơn người. Cậu đã giành huy chương vàng quốc tế môn Tin học, được nhận vào học tại một trường đại học danh tiếng của thế giới, hiện đang làm việc cho tập đoàn Google.

Mệnh lệnh từ trái tim

Bình Phước đã giúp đỡ ông thành công, nhưng Quảng Nam là nơi ông chôn nhau cắt rốn. Vì vậy, dù xa quê nhưng lòng ông vẫn luôn hướng về. Ông Cảnh chia sẻ: Đời người lạ lùng, đi bao nhiêu năm rồi vẫn nhớ mùi mắm cái cá cơm trong cái hũ sành của mẹ, rồi miếng bê thui, tô mỳ xứ Quảng ngày nào. Càng già, ký ức tuổi thơ càng trở lại, càng đau đáu chuyện quê hương...

Ông là thành viên đầu tiên sáng lập ra Diễn đàn Sinh vật cảnh các tỉnh miền Đông Nam Bộ - mô hình sinh hoạt hội liên tỉnh thu hút sự quan tâm của giới sinh vật cảnh trong những năm qua và nguyên là Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bình Phước

Ngoài năng nổ, nhiệt tình, tích cực làm công tác thiện nguyện, ông Cảnh còn đảm nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại Bình Phước, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng khu vực phía Nam. Ông nói, thông qua Hội đồng hương, các ông bà gặp gỡ, được giao lưu, giúp đỡ nhau, để ai cũng có cuộc sống tốt hơn, con cái học hành giỏi giang hơn tại xứ người.

Giờ đây, ông chỉ mong thật nhiều sức khỏe để được cùng bà về thăm quê nhà thêm nhiều lần nữa, được làm công tác thiện nguyện, cống hiến nhiều hơn nữa cho xã hội. “Tâm nguyện về già của chúng tôi là muốn chung tay với xã hội, cố gắng hỗ trợ người khó khăn, giúp họ vươn lên, không còn người nghèo nữa. Đồng thời phải đẩy nhanh khuyến tài, để những tài năng trẻ dần dần thay thế cho những người già, xây dựng Bình Phước ngày càng vững mạnh hơn. Chúng tôi làm điều đó cũng chính xuất phát từ mệnh lệnh trái tim” - ông Cảnh bộc bạch.