Đông Anh - Hà Nội: Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa trong xây dựng Nông thôn mới

Huyện Đông Anh được biết đến là một trong 4 huyện về đích nông thôn mới sớm nhất của thành phố Hà Nội và hiện nay, huyện đang dồn sức cho chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Có dịp về Đông Anh, chúng tôi thực sự ấn tượng với nhiều điểm nhấn về các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung với những mô hình kinh tế được xây dựng trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ ruộng đất như: Vùng rau an toàn ở các xã Vân Nội, Tiên Dương, Nam Hồng; vùng trồng hoa, cây cảnh tại các xã Tàm Xá, Tiên Dương, Uy Nỗ…; những công trình trường học, đường giao thông khang trang, bề thế và đặc biệt là được thăm quan khu di tích lịch sử Cổ Loa – nơi người dân phát huy cao tình thần giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa – bản lĩnh dân tộc của thành cổ hơn ngàn năm tuổi!

Tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu là bước chuyển để các địa phương tạo nền tảng phát triển đô thị trong tương lai. Là một trong 5 huyện trở thành quận thời gian tới, Đông Anh cũng đang tích cực tập trung xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa. Đồng thời, tích cực gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, di tích lịch sử của đất Cổ Loa ngàn năm văn hiến.

Nông thôn mới hài hòa với Đô thị văn minh

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám, trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, tiêu chí giao thông đòi hỏi không chỉ hệ thống đường liên xã, đường trục thôn được nhựa hóa, bê tông hóa, mà còn phải bố trí hệ thống báo hiệu đường bộ theo quy chuẩn. Về tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, 100% số thôn phải có nhà văn hóa, điểm vui chơi giải trí và thể thao cho trẻ em, người cao tuổi… Đây cũng là những yêu cầu đặt ra đối với phát triển đô thị mà địa phương trong huyện phải thực hiện.

anh-162-2-1685635980.jpg
Đông Anh - Hà Nội: Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa trong xây dựng Nông thôn mới
 
Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Thành phố về ban hành các bộ tiêu chí xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025, UBND huyện Đông Anh đã chỉ đạo các phòng ban, đơn vị có liên quan, các xã tập trung đánh giá, rà soát kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao theo bộ tiêu chí mới để xây dựng kế hoạch duy trì, nâng cao các tiêu chí đã đạt, hoàn thành các tiêu chí chưa đạt.
 
Kết quả rà soát đến nay, 23/23 xã thuộc huyện Đông Anh đã đạt và cơ bản đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, giai đoạn 2021 - 2025. Năm 2022, Đông Anh có thêm 8 xã: Kim Chung, Đông Hội, Dục Tú, Cổ Loa, Vân Nội, Uy Nỗ, Việt Hùng, Nam Hồng hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của huyện lên 12 xã và xã Liên Hà đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
da1-1685635770.jpg
Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ

Về kết quả thực hiện tiêu chí huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đến nay, Đông Anh đã đạt 6/9 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao. Huyện đang tập trung xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với đầu tư xây dựng huyện thành quận.

UBND huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển đô thị, đáp ứng yêu cầu xây dựng huyện Đông Anh thành Quận giai đoạn 2020-2025”, năm 2022; Triển khai rà soát quy hoạch các tiểu vùng nông nghiệp chuyên canh, quy mô lớn, hàng hóa, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, an toàn thực phẩm, gắn phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và phát triển sản phẩm chủ lực để xây dựng theo quyết định số 731/QĐ-UBND, ngày 25/02/2022, của UBND Thành phố về phê duyệt kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp Thành phố, giai đoạn 2022 - 2025.
 
Năm 2023, thành phố Hà Nội tiếp tục đặt mục tiêu có thêm 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì và 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới là: Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa.
 
Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, năm 2023, Đông Anh tập trung nguồn lực duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí theo bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển đô thị. Huyện sẽ mở các lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm nông thôn mới từ huyện đến xã, thôn... Đông Anh phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
anh-162-3-1685636290.jpg
Đông Anh tập trung xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển đô thị
Cùng với đó, Đông Anh cũng sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chính sách chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Thực hiện các chính sách trợ giúp hỗ trợ thoát người nghèo theo Nghị quyết số 27/NQ-HĐND huyện, thực hiện các biện pháp trợ giúp đảm bảo giảm nghèo bền vững và nâng cao thu nhập cho nhân dân.
 
Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa
 
Chú trọng công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa. Đó là nét nổi bật của huyện Đông Anh trong những năm qua. Huyện luôn coi việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hoá là nhiệm vụ then chốt, gắn liền với phát triển kinh tế, sớm đưa huyện trở thành một trong những quận nội đô của Hà Nội.
 
Theo thống kê, huyện Đông Anh có 124 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 65 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Coi việc triển khai nhiều hình thức quảng bá, giới thiệu các di tích, lễ hội của huyện dưới nhiều hình thức là quan trọng, huyện Đông Anh còn có nhiều biện pháp nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân đối với việc bảo vệ các di tích, di sản của cha ông để lại. Bên cạnh đó, thời gian qua huyện Đông Anh đã làm tốt việc kiểm kê, xếp hạng di tích, tu bổ, tôn tạo di tích, đầu tư nâng cấp các tuyến đường dẫn về các điểm di tích và trùng tu, tôn tạo hơn 100 di tích trên địa bàn. Nhất là việc chỉ đạo 21/21 xã, thị trấn kiện toàn Ban quản lý di tích để công tác quản lý, chăm sóc di tích được tốt hơn…

Khảo sát, kiểm tra thực tế các di tích, Nhà văn hóa trên địa bàn huyện Đông Anh, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới TP. Hà Nội đã đánh giá cao sự chỉ đạo của huyện Đông Anh với công tác quản lý di tích trên địa bàn. Đồng thời, đề nghị huyện Đông Anh cần tập trung xây dựng các thiết chế văn hóa để phục vụ người dân, từ đó xây dựng mục tiêu chiến lược Văn hóa. Theo đó, huyện Đông Anh vụ trong thời gian tới cần có báo cáo, tờ trình cụ thể về các hạng mục di tích cần đầu tư tu sửa chi tiết hơn để trình các sở, ngành; cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về trung tu và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tới cán bộ, nhân dân để người dân nâng cao ý thức trong giữ gìn, phát huy giá trị di tích ytrong xây dựng Nông thôn mới.

di-tich-co-loa-1-1685636659.jpg
Di tích Cổ Loa

Đánh giá về nội dung này, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới TP. Hà Nội cho rằng, trong những năm qua, huyện Đông Anh đã đạt được nhiều tiến bộ trong gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa trong xây dựng Nông thôn mới. Trong thời gian tới, Đông Anh cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công tác này để khẳng định nông thôn không chỉ là nơi sản xuất nông nghiệp, mà còn là nơi cân bằng cảm xúc; là không gian mở, con người sống hài hòa với nhau, hài hòa với môi trường thiên nhiên. Nông thôn không chỉ là nơi diễn ra hoạt động kinh tế mà còn là không gian văn hóa, bao gồm vật thể và phi vật thể. Người làng là chủ thể tạo lập làng, hình thành văn hóa làng, phát triển kinh tế làng. Nông thôn không chỉ là không gian vật chất, mà còn là tài nguyên phát triển. Việc giữ gìn, phát huy các giá trị nông thôn giúp người làng quê trân quý những giá trị truyền thống và để nông thôn trở thành tài nguyên phục vụ phát triển, du lịch nông nghiệp, nông thôn.

"Cùng với đó, nông thôn Đông Anh cần được xem là một miền di sản, là không gian tâm thức, trong đó văn hóa tạo ra giá trị tâm thức. Những giá trị vô hình là nền tảng hướng tới các làng thông minh, làng hài hòa, làng hạnh phúc. Ở đó, hình ảnh làng quê dân dã, giàu bản sắc, đậm chất văn hóa, tràn đầy sức sống, cộng đồng hài hòa thân thiện do chính người làng tạo lập. Hình ảnh ấy sẽ là sức hút người xa làng quay trở về nhiều hơn, khách phương xa tìm đến trải nghiệm khám phát nét tinh hoa. Sản phẩm từ làng sẽ được tiêu thụ, ưa chuộng nhiều hơn. Vì vậy, xây dựng nông thôn mới không chỉ là đầu tư hạ tầng, mà là vun đắp tinh thần con người. Mọi cư dân nông thôn cần được giới thiệu, tìm hiểu cái hay, cái đẹp của văn hóa địa phương, cảm nhận, tự hào về ý nghĩa tốt đẹp, nhân văn của các phong tục, lễ hội truyền thống. Đây cũng chính là những điều mà lãnh đạo Bộ Nông nghiệp, lãnh đạo Thành phố Hà Nội trăn trở khi nhắc đến xây dựng Nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay...", ông Nguyễn Văn Chí chia sẻ.

---

BÀI VIẾT VỚI SỰ HỖ TRỢ CỦA VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI HÀ NỘI