Đồng Nai: Tiềm năng khởi nghiệp, sản xuất, kinh doanh gắn với các sản phẩm nông nghiệp

Đồng Nai là một trong những địa phương có sản phẩm nông nghiệp mạnh của cả nước, tiềm năng cho khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp nông thôn rất lớn. Tỉnh cũng xây dựng các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ.
anh-1-2019-1702955077.png
Đồng Nai có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng là lợi thế để phát triển các dự án khởi nghiệp từ nông nghiệp

Nhờ có những lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi mà ngành Nông nghiệp của tỉnh có sự phát triển tích cực, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới. Việc phát triển các mô hình sản xuất đã đa dạng về sản phẩm, đưa nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao lợi thế cạnh tranh sản phẩm ngành hàng và toàn ngành Nông nghiệp của tỉnh.

Theo Sở NN-PTNT, Đồng Nai có tổng diện tích tự nhiên gần 6 ngàn km2, trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm hơn 70%, với 470 ngàn ha. Hơn 60% dân số của tỉnh sống ở vùng nông thôn. Mặc dù là tỉnh công nghiệp, dịch vụ, song Đồng Nai luôn chú trọng nông nghiệp, nông dân và nông thôn, xem nông nghiệp, nông thôn là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Toàn tỉnh thu hút được 53 dự án của các doanh nghiệp trong nước đầu tư các dự án phục vụ phát triển nông nghiệp, bảo quản, chế biến nông sản trong giai đoạn 2019-2023. Ngoài ra, có 26 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 137,7 triệu USD. Các dự án đầu tư đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn. Cùng với các dự án lớn của nhà đầu tư, doanh nghiệp thì có nhiều mô hình khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Tại Đồng Nai, khởi nghiệp trong nông nghiệp đang ngày càng phát triển trong những năm gần đây. Dưới sự phân công của tỉnh, Sở đã phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều cuộc thi khởi nghiệp, trong đó có cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai. Cuộc thi đã thu hút sự tham gia của đông đảo bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp trong nông nghiệp.

Nhìn chung, các ý tưởng, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 1/2 các cuộc thi khởi nghiệp và đoạt các giải thưởng cao. Điều này cho thấy những dự án đó đã biết phát huy thế mạnh của nông sản địa phương, áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào quản lý sản xuất, áp dụng công nghệ trong chế biến sau thu hoạch và đa dạng hóa các sản phẩm, có sự đúc rút kinh nghiệm thực tế khi mô hình sản xuất, kinh doanh của mình đã được triển khai và hàng hóa đưa ra thị trường.

Bên cạnh đó, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh khẳng định, tiềm năng khởi nghiệp, sản xuất, kinh doanh gắn với các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh rất lớn. Để đảm bảo ngành Nông nghiệp phát triển bền vững thì nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, tập trung vào chế biến sâu nông sản là điều Đồng Nai chú trọng. Do đó, sẽ có nhiều chương trình hỗ trợ nông dân, người khởi nghiệp về kết nối thị trường, vốn, tài chính, đào tạo, nâng cao năng lực khởi nghiệp được tổ chức trong thời gian tới.

Đối với Hội Nông dân tỉnh, thông qua việc thực hiện đề án Nâng cao vai trò Hội Nông dân Việt Nam trong việc hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2020-2025, Đồng Nai xuất hiện ngày càng nhiều mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, cho thu nhập từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng/năm. Hàng năm, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân được bổ sung 10 tỷ đồng từ ngân sách, tập trung hỗ trợ các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Hội cũng tăng cường các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng trong sản xuất, khởi nghiệp cho hàng chục ngàn lượt hội viên nông dân. Giai đoạn 2020-2023, Hội tổ chức nhiều đoàn tham quan học tập mô hình nông nghiệp công nghệ cao cho cán bộ, hội viên để tiếp cận các điển hình thành công và ứng dụng vào thực tế.

Ngoài ra, góp ý về chính sách hỗ trợ khởi nghiệp nói chung, lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, Phó chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật tỉnh Nguyễn Văn Liệt đề xuất các sở, ban, ngành của tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách ưu đãi một cách kịp thời. Theo đó, cần hỗ trợ về tài chính, cơ chế để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu... Đồng thời, ưu đãi đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất; thu hút, đào tạo trí thức trẻ tại địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia tập trung nghiên cứu, sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó áp dụng vào sản xuất, kinh doanh.