Đồng Nai triển khai một số dự án trọng điểm về du lịch

Từ năm 2023 đến nay, Đồng Nai đón tiếp nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu, đặt vấn đề về những tiềm năng, lợi thế và mong muốn cùng hợp tác, phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Trong đó, dự án Thác Mai-Bàu nước sôi; khu phức hợp du lịch sinh thái nghỉ dưỡng khu núi Chứa Chan và hồ Núi Le là hai trong số những dự án du lịch trọng điểm của Đồng Nai đang được quan tâm.

khu-du-lich-thac-mai-3-1728284725.jpg

Thác Mai-Bàu nước sôi ở Đồng Nai.

Hiện, Đồng Nai đang triển khai một số dự án trọng điểm du lịch trên địa bàn như Dự án Thác Mai-Bàu nước sôi; khu phức hợp du lịch sinh thái nghỉ dưỡng khu núi Chứa Chan và hồ Núi Le; Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành; dự án du lịch rừng phòng hộ Tân Phú.

Đồng Nai có thế mạnh phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa gắn với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản; là "Lá phổi xanh" giữa miền Đông Nam Bộ với Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai với diện tích 756.000ha với nhiều loài động, thực vật quý hiếm.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, trong 9 tháng năm 2024, du lịch Đồng Nai đón hơn 2,7 triệu lượt khách, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó có hơn 2,6 triệu lượt khách nội địa và hơn 80.000 lượt khách quốc tế; doanh thu từ dịch vụ du lịch của Đồng Nai đạt 1.827 tỷ đồng, tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, hệ thống đường cao tốc, đường vành đai qua địa bàn tỉnh đã và đang hoàn thành, đây là lợi thế để tỉnh thu hút khách du lịch. Cụ thể, đáng chú ý là việc đưa vào khai thác tuyến cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây; khởi công xây dựng tuyến cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, dự án đường Vành đai 3-Thành phố Hồ Chí Minh; tái khởi động thi công dự án đường cao tốc Bến Lức-Long Thành; triển khai tuyến cao tốc Dầu Giây-Tân Phú và Tân Phú-Bảo Lộc; triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 4-Thành phố Hồ Chí Minh; dự án mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây đoạn từ nút giao An Phú đến cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.

Đây là những lợi thế giúp Đồng Nai kết nối với hệ thống giao thông nội tỉnh đến các khu, điểm du lịch nhằm thu hút du khách trong thời gian tới.

Đặc biệt, Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành) giai đoạn 1 sẽ được đưa vào khai thác năm 2026. Giai đoạn này, dự kiến Sân bay Long Thành sẽ đón 70.000 lượt khách/ngày; đến giai đoạn 2 sẽ đón 300.000 lượt khách/ngày. Đây là một lợi thế mà ít địa phương nào có được. Đồng Nai đã và đang chuẩn bị hạ tầng, sản phẩm, dự án du lịch để khai thác lợi thế lượng khách quốc tế đến với địa phương sau khi dự án Sân bay Long Thành đưa vào khai thác.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai cho biết tỉnh hiện có 135 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 3.712 phòng (trong đó 14 cơ sở được xếp hạng từ 1 đến 5 sao); 47 doanh nghiệp lữ hành nội địa đơn vị, 14 doanh nghiệp lữ hành quốc tế