Dự án GIC: Bước tiến xanh cho nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long

Năm 2024, là năm ở giai đoạn cuối của dự án Dự án “Các Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh” (GIC) tại Việt Nam, triển khai ở các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng, là một sáng kiến quan trọng do Chính phủ Đức tài trợ thông qua Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ). Cũng là năm Dự án này đạt nhiều kết quả quan trọng. Đây là thời điểm để các cơ quan có liên quan đánh giá hiệu quả của Dự án để đưa ra các điều chỉnh cho năm 2025, năm cuối của Dự án.

Dự án “Các Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh” (GIC) tại Việt Nam, triển khai ở các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng, là một sáng kiến quan trọng do Chính phủ Đức tài trợ thông qua Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ). Được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định số 1844/QĐ-TTg ngày 19/11/2020 và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phê duyệt theo Quyết định số 2804/QĐ-BNN-HTQT ngày 25/6/2021, dự án được giao cho Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn chủ trì, thực hiện trong 5 năm (2021-2025).

Vai trò của ĐBSCL và những thách thức

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giữ vai trò trọng yếu trong an ninh lương thực quốc gia và thế giới, đóng góp hơn một nửa sản lượng lúa gạo nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, các chuỗi giá trị nông sản chủ lực tại đây, như lúa gạo và trái cây, chưa phát triển toàn diện để đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ngày càng khắt khe. Đặc biệt, thách thức từ biến đổi khí hậu và các hệ lụy môi trường ngày càng rõ nét, đòi hỏi một chiến lược phát triển bền vững.

Tầm nhìn và mục tiêu

Dự án GIC Việt Nam là một phần của chương trình toàn cầu "Một thế giới không nạn đói" (One World - No Hunger) do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Đức (BMZ) tài trợ, nhằm hỗ trợ các quốc gia Châu Phi và Châu Á cải thiện hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

giz12-1733908945.jpg

Thu hoạch lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Tại Việt Nam, GIC tập trung vào: Tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên và áp dụng các giải pháp canh tác bền vững; Cải thiện chuỗi giá trị lúa gạo và xoài, với mục tiêu 20.000 nông hộ tăng thu nhập trung bình lên 15% (lúa gạo) và 20% (xoài); Giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho 12.000 nông hộ thông qua các giải pháp đổi mới; Hỗ trợ 35 doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao hiệu quả kinh doanh, tạo ra 200 việc làm mới, ưu tiên cho phụ nữ và thanh niên.

Các hoạt động chính

Nâng cao năng lực: Dự án tổ chức các chương trình tập huấn, tư vấn kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực cho người nông dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.

Thúc đẩy hợp tác đổi mới sáng tạo: Xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị để thử nghiệm và nhân rộng các giải pháp sáng tạo.

Xây dựng liên kết thị trường: Hỗ trợ quan hệ đối tác giữa nông dân và doanh nghiệp, cung cấp đào tạo về mô hình kinh doanh và tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Ứng dụng công nghệ: Khuyến khích áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản, đồng thời phát triển các nền tảng giao dịch điện tử và ứng dụng công nghệ blockchain trong quản lý chuỗi giá trị.

Cải thiện dịch vụ công: Tăng cường đào tạo cán bộ, cải tiến hiệu quả cung cấp dịch vụ công, tạo môi trường tương tác giữa các tác nhân qua các nền tảng công nghệ.

Những hiệu quả thiết thực từ dự án GIC

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, dự án GIC không chỉ cải thiện chuỗi giá trị nông sản mà còn thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giảm diện tích lúa 3 vụ sang các mô hình giá trị cao như rau củ quả, thủy sản. GIC còn giúp giảm phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu và tăng thu nhập cho nông dân.

thinh1-1733909640.jpeg

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn.

Đánh giá tác động của Dự án “Các Trung tâm đổi mới Sáng tạo Xanh” (GIC) trong mục tiêu giúp ĐBSCL đối mặt với các thách thức, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, Dự án GIC góp phần thực hiện các định hướng phát triển mà Chính phủ xây dựng thông qua các giải pháp phát triển chuỗi giá trị của gạo và trái cây là hai ngành thế mạnh của  ĐBSCL trên các khía cạnh:

Một là, xây dựng cơ chế thúc đẩy tìm kiếm, thử nghiệm và nhân rộng các giải pháp sáng tạo nhằm hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp lấy tài nguyên thiên nhiên làm trọng tâm, góp phần giảm qui mô diện tích trồng lúa theo định hướng tái cơ cấu ngành gạo, giảm diện tích trồng lúa 3 vụ xuống còn 2 hay 1 vụ đồng thời đa dạng hóa chuyển sang sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao như rau củ quả hay nuôi trồng thủy sản phù hợp với thế mạnh của từng địa phương;

Hai là, giới thiệu thử nghiệm và phổ biến nhân rộng thực hành các giải pháp sáng tạo trong đổi mới phương pháp canh tác ứng dụng công nghệ cao (như công nghệ thông tin, viễn thám, thiết bị bay không người lái, v.v.), thực hành áp dụng các tiêu chuẩn canh tác bền vững (SRP, VietGAP,...) qua đó giảm sử dụng nguyên liệu (nước, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật); tăng cường năng lực công nghệ chế biến và sử dụng các sản phẩm phụ. Qua đó, giúp sử dụng tài nguyên thiên nhiên đặc biệt tài nguyên đất và nước một cách bền vững, giảm phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của người dân trong khu vực, nâng cao chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm đáp, ứng yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng của thị trường trong nước và xuất khẩu, đồng thời giảm giá thành sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, thu nhập của nông dân được nâng cao.

Ba là, đổi mới sáng tạo trong tổ chức quản lý sản xuất theo hướng phát triển chuỗi, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành hoạt động của từng khâu trong chuỗi giá trị (ví dụ như mô hình block chain), gắn kết hiệu quả các tác nhân trong chuỗi, bao gồm liên kết ngang giữa các nông dân để hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung và liên kết dọc bao gồm liên kết giữa nông dân với các đơn vị tổ chức doanh nghiệp cung ứng vật tư, công nghệ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Bốn là, đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy các phương thức kinh doanh nông sản (như các sàn giao dịch điện tử) qua đó tăng cơ hội tiếp cận thị trường và tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị sản phẩm cho các tác nhân trong chuỗi giá trị.

Năm là, đổi mới sáng tạo trong cải tiến, nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ trong các lĩnh vực hỗ trợ cho sự vận hành và phát triển của các chuỗi giá trị (ưu tiên cho chuỗi gạo và rau củ quả).  

Ngoài ra thông qua các ứng dụng công nghệ, dự án tạo ra các môi trường mới (thông qua trang web, các diễn đàn điện tử, các ứng dụng di động, v.v.), giúp các tác nhân trong chuỗi giá trị có khả năng tương tác nhanh chóng, trực tiếp với các nhà hoạch định chính sách, các đơn vị cung cấp dịch vụ công.

Còn bà Sonja Esche, Trưởng nhóm nông nghiệp, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) đánh giá, GIZ có mỗi quan hệ lâu dài với Việt Nam về các lĩnh vực biến đổi khí hậu, giáo dục, dạy nghề, nông nghiệp. Thời gian qua, tổ chức đặc biệt quan tâm đến các vấn đề liên quan đến tăng trưởng xanh, sản xuất xanh. Tại Việt Nam, GIZ đã dành nhiều nguồn lực cho các tổ chức, cá nhân, trong đó có Bộ NN-PTNT và các Sở NN-PTNT để thích ứng và giảm thiếu biến đổi khí hậu. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực đang đối mặt với nhiều thách thức bởi tác động của biến đổi khí hậu, từ năm 2020, GIZ đã phối hợp với Bộ NN-PTNT cùng hợp tác triển khai hỗ trợ các đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị lúa gạo và xoài. Thành quả của hợp tác này, đó là một dự án được thiết lập và sự ra đời của Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh trong Nông nghiệp và Thực phẩm Việt Nam,  (Tại Hội thảo quốc tế về Hợp tác Nam - Nam chiều 25/7/2024).

giz4-1733909049.jpg

Bà Sonja Esche chia sẻ tại Hội thảo quốc tế về Hợp tác Nam - Nam chiều ngày 25/7/2024

Đánh giá về hiệu quả của Dự án các Trung tâm Đổi mới Sáng Tạo Xanh tại Việt Nam, bà Sonja Esche cho rằng, có rất nhiều kinh nghiệm và phương pháp hay từ Trung tâm Đổi mới Sáng Tạo Xanh mà chắc chắn có thể áp dụng cho đề án Một Triệu Hecta Lúa. Như tôi đã nói, dưới khuôn khổ Trung tâm Đổi mới Sáng Tạo Xanh, rất nhiều nỗ lực đã được thực hiện để phát triển các phương pháp nâng cao năng lực khác nhau, bao gồm các sản phẩm tri thức, tài liệu, thông tin, áp dụng và điều chỉnh các giải pháp đổi mới ở cấp độ sản xuất, sao cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, giúp nông dân dễ dàng áp dụng hơn.

Đồng thời, về khía cạnh kinh doanh, nâng cao tư duy kinh doanh cho nông dân và các hợp tác xã, tôi nghĩ rằng những kinh nghiệm này sẽ rất có ích cho Đề án Một Triệu Hecta Lúa. Vì vậy, tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải đánh giá những gì đã có sẵn và những gì có thể sử dụng ngay và tận dụng tối đa những nguồn lực đó. Ngoài ra, sáu tỉnh nơi Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh được triển khai đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm quý báu. Vì vậy, tôi nghĩ rằng việc chia sẻ những kinh nghiệm này với các tỉnh khác cũng là điều nên làm vì chắn chắn có nhiều lợi ích thiết thực. Và yếu tố thứ ba là rất nhiều bên liên quan đã tham gia vào quá trình triển khai Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh, bao gồm khối tư nhân, các cơ quan nhà nước, cũng như nông dân và hợp tác xã. Đây cũng là điều rất cần thiết cho Đề án Một Triệu hecta lúa để thực sự đảm bảo rằng tất cả các bên liên quan đều tham gia đóng góp và phối hợp với nhau vì mọi người đều có những thế mạnh riêng của mình”, bà Sonja Esche cho biết. 

Dự án GIC Việt Nam là minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Đức, mở ra cơ hội mới cho nông nghiệp ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế./.

TRANG THÔNG TIN THỰC HIỆN VỚI SỰ HỖ TRỢ CỦA CỤC KINH TẾ HỢP TÁC VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN