Dù trong hoàn cảnh nào, bạn là ai, cũng đều có quyền hy vọng!

Nhạc sĩ Văn Ký (1928 – 2020) quê tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Trong cuộc đời mình, ông đã sáng tác hơn 400 tác phẩm âm nhạc như: khí nhạc, nhạc múa, ca kịch... Một số ca khúc của Văn Kỳ đã lan tỏa và đi cùng năm tháng, ghi lại dấu ấn những chặng đường lịch sử đấu tranh của dân tộc: Trời Hà Nội xanh, Tây Nguyên bất khuất, Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi, Nha Trang mùa thu lại về. Đặc biệt, “Bài ca hy vọng” là tác phẩm khẳng định vị trí của ông trong nền âm nhạc Việt Nam.
dt2dvh2-1727491200.jpg
 

Đầu xuân năm 1958, Nhạc sĩ Văn Ký lúc ấy vừa tròn 30 tuổi, qua cửa sổ phòng làm việc, ông nhìn lên bầu trời xanh ngắt, từng đôi chim én lượn vòng, trong lòng người trai trẻ trào dâng một niềm tin son sắt, một nỗi ước ao về ngày mai tươi sáng hơn, cũng như nỗi lòng đau đáu về miền Nam ruột thịt cứ dâng lên cháy bỏng.

Đó là thời kỳ đất nước hai miền bị chia cắt, phong trào Cách mạng miền Nam bị đàn áp, không hiểu cuộc đấu tranh kéo dài đến bao giờ… Nhưng chính chân lý Việt Nam nhất định thắng và niềm tin sắt đá của những người chiến sĩ Cộng sản, của chính bản thân khi nghĩ về hiện tình đất nước, đã giúp Văn Ký sáng tác được “Bài ca hy vọng”.

dt1dvh1-1727491260.jpg
 

Nhạc sĩ Văn Ký kể rằng: Từng ca từ của bài Bài ca hy vọng được bật ra trong tôi một cách tự nhiên. Tình hình đất nước thời điểm đó nhiều khó khăn. Dù vậy, tôi cũng như nhiều người cùng thời có một niềm tin mãnh liệt, chắc chắn vào ngay mai tốt đẹp, tương lai đón chờ. Thậm chí tôi muốn bay lên cùng với đàn chim đi về tương lai mà tôi viết: Về tương lai! Ngày quê hương màu xanh áo mới, chứa chan niềm tin. Đường ta đi xanh thắm mộng đời…

Thế nhưng khi Văn Ký háo hức mang “Bài ca hy vọng” đến Nhà xuất bản Âm nhạc để in, thì đã bị từ chối. Ban biên tập cho rằng: ca khúc này lạc quan và lãng mạn quá, không phù hợp với tình hình Cách mạng thời ấy. Ông đọc lại bản nhạc của mình, nhưng thấy không thể chỉnh sửa khác được, nên đã mang đến Đài Tiếng nói Việt Nam trình bày và đề nghị giúp đỡ. May mắn, Giám đốc Đài lúc ấy là ông Trần Lâm đã giao cho nhạc sĩ Phạm Tuyên - Trưởng ban Âm nhạc, làm việc, tạo điều kiện để Văn Ký trực tiếp dàn dựng và thu âm.

dt3dvh3-1727491305.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

Nhờ được giới thiệu trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, phát lại nhiều lần, chuyển tải tâm tư, tình cảm từ đáy lòng của người nhạc sĩ, gửi niềm hy vọng vào cuộc sống, từ thời chiến tranh ác liệt cho đến ngày đất nước hoà bình… “Bài ca hy vọng” của Văn Ký đã nhanh chóng lan tỏa và đi vào cuộc sống tự nhiên như thế. Tác phẩm đã trở thành một trong những "Bài ca đi cùng năm tháng", với giai điệu mượt mà, tha thiết, cùng ca từ dung dị, sâu lắng đã thấm vào trái tim yêu nhạc và tâm hồn của bao thế hệ người Việt Nam.

Sinh thời, Anh hùng Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm rất thích “Bài ca hy vọng”. Trong nhật ký của mình, nhiều lần người nữ Bác sĩ đã nhắc đến bài ca đi cùng năm tháng này. Có lẽ vì thế mà trong phim “Đừng đốt” của Đạo diễn Đặng Nhật Minh, có cảnh chị Đặng Thùy Trâm đã hát “Bài ca hy vọng” cho một thương binh nặng nghe trong đêm tối, trước khi một trận càn của lính Mỹ diễn ra. Giọng hát mộc (không có nhạc đệm) “Bài ca hy vọng” còn vang lên trong đoạn kết của phim; với hình ảnh nhân vật Đặng Thùy Trâm mặc thường phục, một mình đạp xe trên con đường thanh bình, giữa hai hàng cây xanh...

Từ khi ra đời, “Bài ca hy vọng” của Nhạc sĩ Văn Ký đã có sức sức sống mạnh mẽ, thể hiện được tầm cao tư tưởng, có năng tiếp thêm niềm tin, sức mạnh và cổ vũ mọi người vượt qua mọi thử thách của cuộc sống. Dù trong hoàn cảnh nào, khó khăn tới đâu, người ta cũng vẫn có quyền hy vọng và tin ở ngày mai: Nhất định rồi tương lai sẽ tốt đẹp hơn!

Hà Nội, 28/9/2024

TTNL