Đưa công nghệ “phủ” lên đất nông nghiệp
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là chủ trương lớn của tỉnh Quảng Nam, nhằm tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững.
Thời gian qua, huyện Quế Sơn đã thành công trong việc kêu gọi một số doanh nghiệp, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, từ đó đổi mới tổ chức sản xuất và thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị; cải tạo quỹ đất nông nghiệp có giá trị kinh tế thấp, góp phần giải quyết việc làm, tạo nên dáng dấp mới cho khu vực nông thôn trên địa bàn huyện.
Ông Hà Tất Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Quế Sơn, chia sẻ với phóng viên Kinh tế nông thôn: Từ những diện tích đất nông nghiệp cũ kém hiệu quả kinh tế, nông dân Quế Sơn đã áp dụng thành tựu công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất, làm việc trên những cánh đồng bằng phương pháp điều khiển từ xa, thuỷ canh, tự động hoá... nhằm tối ưu hoá quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống và làm giàu cho người nông dân.
“Cánh đồng không đất”, một nét đẹp tuyệt vời của nông nghiệp công nghệ cao.
“Hiện địa bàn huyện có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ có mức đầu tư cao được nông dân mạnh dạn đầu tư đưa vào sản xuất như hệ thống nhà lồng có hệ thống điều chỉnh tự động, thiết bị cảm biến, camera theo dõi quá trình sinh trưởng của cây, công nghệ IoT..., đưa diện tích ứng dụng công nghệ cao của Quế Sơn tăng nhanh, không chỉ tập trung ở các địa bàn trung tâm, trọng điểm mà nhiều loại hình công nghệ đã được ứng dụng rộng rãi làm nên thương hiệu nông sản của Quế Sơn”, ông Phương chia sẻ thêm.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quế Sơn, trên địa bàn huyện hiện có 4 đơn vị đầu tư nông nghiệp công nghệ cao ở lĩnh vực trồng trọt và đang phát triển khá hiệu quả, đem lại bộ mặt mới cho ngành nông nghiệp. Giá trị sản xuất bình quân đạt khoảng 300 triệu đồng/ha; mô hình sản xuất rau cao cấp đạt hơn 400 triệu đồng/ha/năm, cá biệt rau thủy canh đạt 5 - 6 tỷ đồng; các loại hình trồng nấm, cây thuốc tại huyện mặc dù còn mới nhưng cũng đem lại tiềm năng kinh tế rất khả quan, với sản lượng nấm hàng năm đạt 25 - 30 tấn.
“Khu vườn không đất”
Với tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao hơn 3 tỷ đồng, HTX nông nghiệp công nghệ cao Quế Sơn hiện là đơn vị đi đầu trong triển khai nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện. Chỉ với 1,4ha, HTX đã đầu tư xây dựng khu sản xuất các loại rau, củ, quả, nông sản sạch với công suất 20 tấn/năm.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế nông thôn về câu chuyện thành công từ nông nghiệp công nghệ cao, ông Nguyễn Quang Anh Kiệt, Chủ nhiệm HTX CNC Quế Sơn nói: HTX áp dụng công nghệ nhà kính, nhà màn và thiết bị tự động hóa vào quá trình tưới tiêu. HTX đã và đang tổ chức sản xuất kinh doanh các loại rau thủy canh, dưa lưới ứng dụng công nghệ cao.
Cụ thể, HTX sản xuất rau thủy canh với sản lượng 17 tấn/năm (mỗi năm 8 vụ, mỗi vụ 2.160kg); dưa lưới (nhà màn 1.200m2) 12 tấn/năm (mỗi năm 4 vụ, mỗi vụ 3.000kg). Tổng doanh thu 998,4 triệu đồng.
Trong năm 2022, HTX đã mạnh dạn đầu tư và đăng ký thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” đối với sản phẩm dưa lưới, đã được huyện đánh giá phân hạng sản phẩm, đề xuất tỉnh công nhận sản phẩm đạt 4 sao.
HTX đang trồng rau, quả VietGAP cung cấp cho các hệ thống siêu thị khắp các thành phố Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ. Thời gian tới, HTX phấn đấu sản xuất đủ số lượng nông sản để xuất khẩu, đưa thương hiệu Quế Sơn lan toả trong từng sản phẩm đến nhiều vùng miền.
Hướng đi triển vọng
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quế Sơn, triển khai các dự án nông nghiệp công nghệ cao đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, cùng với đó, nhiều cơn bão lớn liên tiếp đổ vào nên việc thi công xây dựng gặp nhiều khó khăn, phải kéo dài thời gian thực hiện so với kế hoạch. Chính vì vậy, hiệu quả từ nông nghiệp công nghệ cao mang lại chưa thực sự như kỳ vọng.
Người nông dân Quế Sơn thu hoạch rau thuỷ canh sau một chu kỳ rau phát triển.
Đỉnh điểm, năm 2022 vừa qua, thiên tai, lũ lụt khiến nhiều tài sản, hoa màu, nhà màng của các đơn vị nông nghiệp công nghệ cao bị thiệt hại nghiêm trọng. Nhiều công trình thi công khu chăn nuôi, trồng trọt mới của các HTX, nông trại trên địa bàn huyện bị ngưng trệ. Chính vì vậy, hướng phát triển trong năm mới 2023 của nông nghiệp công nghệ cao huyện Quế Sơn cần hết sức chú trọng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cũng theo chia sẻ của ông Hà Tất Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Quế Sơn, để triển khai thực hiện tốt chủ trương của tỉnh Quảng Nam về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thời gian tới, cần quan tâm triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch và kêu gọi doanh nghiệp, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao nhiều hơn nữa.
Đồng thời, tham mưu cho ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Nam triển khai thực hiện cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh Quảng Nam về hỗ trợ, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Không chỉ dừng lại ở nông nghiệp công nghệ cao trong trồng trọt, Quế Sơn đang phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong chăn nuôi, tận dụng tối đa những lợi thế phát triển chăn nuôi của khu vực vị trí địa lý đặc trưng của huyện. Hiện nay, một doanh nghiệp chăn nuôi công nghệ cao đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động là Công ty TNHH Trường Sơn đầu tư xây dựng khu chăn nuôi lợn nái tập trung tại xã Quế Hiệp, với diện tích khoảng 10ha.
Đồng thời, trong năm 2023, huyện tập trung xúc tiến hồ sơ đầu tư cho ba doanh nghiệp chăn nuôi công nghệ cao khác, gồm: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Trực Em, xây dựng khu chăn nuôi Gà khép kín tại thôn Phương Nghệ, xã Quế Phú, với diện tích 4ha; Công ty TNHH Xây dựng Cường Lộc Phát, xây dựng trang trại Chăn nuôi kết hợp trồng trọt tại thôn Phương Nghệ, xã Quế Phú, với diện tích 9,9ha; Công ty TNHH M&M Hương Quế, xây dựng trang trại chăn nuôi tại thôn Phương Nam, xã Quế Phú, với diện tích 1,9ha.
“Phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao không chỉ để tăng năng suất chất lượng và thu nhập mà còn để xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường.
Chính quyền và các ngành chức năng luôn hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi kinh tế hộ gia đình sang trang trại và doanh nghiệp. Và để có cơ sở phát triển hơn nữa ngành này, huyện sẽ tiếp tục đầu tư các hạ tầng thiết yếu đến các khu vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao”, lãnh đạo UBND huyện Quế Sơn cho biết.