Đua nhau tham gia hội “anti” Hoa hậu, hàng ngàn người có nguy cơ phạm luật

Sau khi đăng quang không lâu, một hoa hậu đã nhận nhiều 'gạch đá' vì những phát ngôn chưa chuẩn mực. Nhiều hội anti đã lập ra để bày tỏ sự bất bình, yêu cầu ban tổ chức thu hồi danh hiệu của hoa hậu này. Liên quan đến nội dung này, chúng tôi xin chia sẻ ý kiến của Nhà báo Vương Xuân Nguyên.

Theo Nhà báo Vương Xuân Nguyên, việc một số người bất đồng chính kiến, có ý kiến khác với ai đó mà lên MXH để bày tỏ công khai chính kiến của mình là hiện tượng xã hội, là biểu hiện rất cụ thể của quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm thái độ ý kiến của mình đối với các vấn đề xã hội, pháp luật không cấm. Đây còn là biểu hiện của dư luận đối với những người có sức ảnh hưởng đối với xã hội.

Tuy nhiên, cũng theo Nhà báo Vương Xuân Nguyên, nếu những người tham gia các hội nhóm này mất kiểm soát cảm xúc, có những hành vi thiếu chuẩn mực, đi quá giới hạn của quyền tự do ngôn luận, đặc biệt nếu người quản lý các hội nhóm này muốn lợi dụng đám đông để dẫn dắt dư luận theo chiều hướng xấu, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân thì sẽ là hành vi vi phạm pháp luật.

y-nhi-bia-1691571371.jpg

Hội anti hoa hậu Ý Nhi có vài trăm nghìn thành viên

Nhân dịp, Nhà báo Vương Xuân Nguyên cũng lưu ý người dùng MXH cần nghiên cứu kỹ các quy định có liên quan đến sử dụng MXH. Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 gồm 7 chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Luật nêu rõ, an ninh mạng là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Luật chỉ ra rõ những hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên không gian mạng. Cụ thể:

Hành vi sử dụng không gian mạng, các thiết bị công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc, tôn giáo và nhân dân các nước; xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc;

Đăng tải các thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng bao gồm: kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, tiến hành hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực nhằm chống chính quyền nhân dân; kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức gây mất ổn định về an ninh, trật tự;

d9ccee8d6b37b869e126-1691571602.jpg

Hoa hậu Ý Nhi đăng quang mới đây nhưng gây nhiều ồn ào bởi những phát ngôn của cô

Đăng tải các thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm: xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác;

Đăng tải các thông tin trên không gian mạng có nội dung xâm phạm trật tự quản lý kinh tế bao gồm: thông tin bịa đặt, sai sự thật về sản phẩm, hàng hóa, tiền, trái phiếu, tín phiếu, công trái, séc và các loại giấy tờ có giá khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp, chứng khoán;

Đăng tải thông tin trên không gian mạng có nội dung sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác;

Các hành vi gián điệp mạng; xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật công tác, thông tin cá nhân trên không gian mạng bao gồm: chiếm đoạt, mua bán, thu giữ, cố ý làm lộ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác; bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

Hành vi cố ý xóa, làm hư hỏng, thất lạc, thay đổi thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác; bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư được truyền đưa, lưu trữ trên không gian.

Như vậy, chúng ta có thể thấy, tự do ngôn luận là quyền của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật. Người dân được quyền bày tỏ quan điểm cá nhân của mình một cách trực tiếp hoặc trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. 

Tuy nhiên, việc tự do ngôn luận của công dân phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật cho phép, không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Hành động lợi dụng quyền tự do dân chủ để cung cấp các thông tin sai sự thật, bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác hoặc vu khống người khác là hành vi vi phạm pháp luật. 

Tùy vào mức độ vi phạm mà các hành vi như: cung cấp thông tin sai sự thật, bịa đặt, vu khống nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác trên các trang mạng xã hội có thể bị xử phạt số tiền từ 10 đến 20 triệu đồng, theo quy định tại điều 101 nghị định 15/2020 (được sửa đổi bởi khoản 37 điều 1 nghị định 14/2022)

Trường hợp việc bịa đặt, nói xấu có mức độ nghiêm trọng, có thể bị khởi tố vụ án hình sự với "tội làm nhục người khác" theo điều 155 Bộ luật Hình sự hoặc "tội vu khống" theo điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.

Vì vậy, việc người dân lập ra các nhóm antifan trên mạng xã hội nhằm bày tỏ sự đồng tình hay phản đối một vấn đề nào đó thì không sao, nhưng lợi dụng nó để nói xấu, bịa đặt, vu khống người khác thì có thể sẽ bị pháp luật xử lý do có hành vi vi phạm pháp luật.