Chỉ số giá lương thực của FAO theo dõi những mặt hàng được giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu. Theo đó, chỉ số trung bình trong tháng Sáu là 154,2 điểm, so với 157,9 điểm của tháng Năm.
Giá lương thực toàn cầu giảm tháng thứ ba liên tiếp. Ảnh: reuters
Mặc dù giảm so với tháng trước đó, chỉ số tháng Sáu vẫn cao hơn 23,1% so với cùng kỳ năm 2021 đo tác động của cuộc xung đột Nga- Ukraine, quan ngại về thời tiết bất lợi, nhu cầu toàn cầu cao và chi phí sản xuất và vận chuyển cao.
Chỉ số giá ngũ cốc của FAO vào cùng giai đoạn giảm 4,1% so với tháng Năm, song vẫn tăng 27,6% so với cùng kỳ năm 2021. FAO cho rằng mức giảm trong tháng trước nhờ các vụ thu hoạch mới ở bán cầu Bắc, tình hình mùa màng cải thiện tại một số nước sản xuất chính và triển vọng sản lượng cao hơn tại Nga.
FAO cũng nâng dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu trong năm 2022 từ ước tính 2,784 tỷ tấn trước đó lên 2,792 tỷ tấn. So với sản lượng thế giới năm 2021, con số này vẫn thấp hơn 0,6%.
FAO cho hay lý do nâng dự báo sản lượng ngũ cốc chủ yếu vì ước tính sản lượng ngũ cốc thô điều chỉnh tăng 6,4 triệu tấn.
Dự báo sử dụng ngũ cốc trên thế giới cho năm 2022 - 2023 cũng tăng 9,2 triệu tấn lên 2,797 tỷ tấn. Tuy nhiên, mức sử dụng giảm 0,1% so với mức của năm 2021 - 2022, phần lớn phản ánh dự báo sử dụng thức ăn chăn nuôi ít hơn.
FAO ước tính nguồn cung ngũ cốc thế giới kết thúc vụ mùa năm 2023 sẽ ở mức 854 triệu tấn, tăng 7,6 triệu tấn so với dự báo tháng trước, nhưng giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Đối với các mặt hàng khác, chỉ số giá dầu thực vật trong tháng Sáu giảm 7,6% theo tháng, do sản lượng tăng theo mùa của các nước sản xuất chính và triển vọng nguồn cung tăng từ Indonesia.
Chỉ số giá đường giảm 2,6% trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại làm giảm nhu cầu cầu.
Trong khi đó, chỉ số giá thịt tăng 1,7% và lập mức cao kỷ lục mới, còn chỉ số giá bơ sữa tăng 4,1% so với tháng Năm. Giá sữa bột thế giới đi lên chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu cao và thiếu hụt nguồn cung toàn cầu kéo dài./.