Giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị trên địa bàn thành phố Hà Nội

Đến nay, Ngành nông nghiệp Thủ đô đã xây dựng được 159 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông sản. Ngoài ra, Hà Nội đã phối hợp với 21 tỉnh, thành phố cung cấp nông sản cho Hà Nội, xây dựng được 926 chuỗi, chiếm 48% tổng số chuỗi trên cả nước.

Công tác xây dựng và phát triển chuỗi bước đầu đã tạo ra các sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản an toàn thực phẩm được kiểm soát chất lượng ở tất cả các khâu; giúp các nhà sản xuất nâng cao ý thức sản xuất đảm bảo an toàn, có trách nhiệm đối với người sử dụng. Đây được xem là một trong những khâu quan trọng trong phát triển nông nghiệp tại Hà Nội.

td-1671780046.jpg
Toạ đàm Khuyến nông: Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị trên địa bàn thành phố Hà Nội

Theo phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Hoàng Thị Thúy Nga cho biết, trên địa bàn huyện Gia Lâm hiện có 22 chuỗi, trong đó có 12 chuỗi dạng trồng trọt, 10 chuỗi dạng chăn nuôi. Điển hình như HTX sản xuất - kinh doanh nông nghiệp Văn Đức với sản phẩm rau an toàn đang liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm vào kênh siêu thị và xuất khẩu sang các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc...

Các mô hình chuỗi trên địa bàn huyện đã khẳng định hiệu quả kinh tế cao, tạo dựng được niềm tin đối với người tiêu dùng; người sản xuất và doanh nghiệp yên tâm sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Thời gian tới, Gia Lâm sẽ tập trung phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng liên kết chuỗi. Tuy nhiên, việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị tại Gia Lâm nói riêng và toàn thành phố nói chung còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, việc tiêu thụ kênh phân phối hiện đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi chỉ chiếm tỷ trọng 30% nông sản, còn lại 70% tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh...

53-15-6-52-1671780363.jpg
Liên kết chuỗi tạo ra sự phát biền vững

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh nông nghiệp Văn Đức cho hay, nhiều loại nông sản vẫn tiêu thụ qua kênh truyền thống bởi quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, hạn chế về ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật trong sản xuất (thiếu thiết bị, nhà xưởng để sơ chế sản phẩm, kho lạnh để bảo quản sản phẩm...); người sản xuất thiếu thông tin thị trường nên chưa định hình sản phẩm, chưa định hướng thị trường đúng đắn...

Tham dự tọa đàm, ông Triệu Thành Nam, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản thông tin, sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị phải đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp liên kết hoặc thị trường và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nông sản tham gia vào chuỗi bắt buộc phải có nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng... và khi đó, người tiêu dùng sẵn sàng bỏ chi phí cao hơn để mua sản phẩm.

Về nhãn hiệu, thương hiệu nông sản, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, HTX đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đối với nông sản. Hàng nông sản của các địa phương hiện rất dồi dào, ngoài kênh tiêu thụ trong nước, thị trường xuất khẩu cũng rất thuận lợi khi Việt Nam đang thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA), thị trường nông sản ngày càng được mở rộng, trong đó có 2 thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc.

mo-hinh-san-xuat-che-sach-tai-xa-ba-trai-huyen-ba-vi-1671780456.jpg
Liên kết chuỗi người nông dân sẽ yên tâm sản xuất

Vấn đề mấu chốt để tham gia vào chuỗi giá trị trong nước hoặc toàn cầu chính là trước khi tổ chức sản xuất đại trà, các HTX phải có sự đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng về thị trường, tiêu chuẩn chất lượng để làm căn cứ thời điểm, mùa vụ gieo trồng và có kế hoạch sản xuất phù hợp, hiệu quả. Muốn làm được điều này, ngoài "đầu tàu" là các doanh nghiệp, HTX đủ mạnh về vốn, nhân lực thì sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, triển khai Nghị định 98 của Chính phủ và Nghị quyết 10 của HĐND thành phố, Sở NN&PTNT phối hợp với các huyện triển khai chính sách hỗ trợ tới các doanh nghiệp, hợp tác xã theo phân cấp từ thành phố đến UBND quận, huyện, thị xã. Phòng Kinh tế các địa phương là đơn vị đầu mối tiếp nhận hồ sơ. Hiện nay, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, thành phố đã rất đầy đủ, cách tiếp cận của một số chuỗi lớn trên địa bàn thành phố đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, doanh nghiệp không chỉ trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà cần tư duy, tham gia vào chuỗi với tư cách là nhà đầu tư thì mới hiệu quả và bền vững.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, theo chính sách là chỉ hỗ trợ các liên kết theo chuỗi mới, còn hiện tại trên địa bàn thành phố đang có 145 chuỗi nhưng chúng tự liên kết với nhau, hoặc có Nhà nước hỗ trợ qua rất nhiều hình thức như xây dựng mô hình, qua các hội nghị khớp nối, còn để nhận được hỗ trợ bài bản theo Nghị định 98 thì chưa có, do vậy các mắt xích trong liên kết chuỗi còn lỏng lẻo. Cơ sở hạ tầng, tổ chức sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến, logistic, các trung tâm phân phối, cửa hàng tiêu thụ là yếu tố bên trong của chuỗi giá trị, còn những yếu tố bên ngoài, tác động vào, giúp tạo giá trị gia tăng cho nó phát triển. Các yếu tố này đang liên kết với nhau nhưng thực sự là chưa thấy vai trò của Nhà nước. Nghị định 98 có 7 nhóm liên kết nhưng 145 mô hình của Hà Nội mới chỉ khớp nối với nhau theo kiểu “thuận mua vừa bán” cho nên vẫn không bền vững.

Cũng theo bà Hương, thành phố Hà Nội, ban hành Quyết định số 13/2019/QĐ-UBND ngày 14/6/2019 quy định về phân cấp phê duyệt hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội; Quyết định số 390/QĐ-UBND ngày 17/01/2019 về việc ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp Thành phố; các ngành hàng, sản phẩm quan trọng nông nghiệp cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của thành phố Hà Nội; Quyết định số 3215/QĐ-UBND ngày 14/6/2019 về việc ban hành danh mục các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội và tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của thành phố Hà Nội; Quyết định số 4628/QĐ-UBND ngày 09/8/2019 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt các quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nông nghiệp và PTNT.

Năm 2018 Chính phủ có Nghị định 98 về liên kết chuỗi trong nông nghiệp, Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 05/12/2018 của HĐND thành phố Hà Nội về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, theo Nghị quyết thì nội dung, mức chi và phương thức thực hiện theo quy định tại Nghị định 98. Có thể nói liên kết chuỗi là bài toán đúng như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đã nói, phải chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Mà muốn làm được như thế chỉ có liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, tránh tình trạng được mùa mất giá, cùng nhau áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao hay canh tác hữu cơ, kinh tế tuần hoàn vào. Tuy nhiên Thông tư 43 và 08 để hướng dẫn thực hiện Nghị định 98 nhiều tỉnh thành đã làm nhưng ở Hà Nội và một số tỉnh thành lại đang bị nghẽn bởi câu chữ không rõ ràng và thiếu đồng nhất.

---

TRANG THÔNG TIN CÓ SỰ PHỐI HỢP VỚI TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG HÀ NỘI