Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn được đặt tên đường phố mới tại Hà Nội

09/12/2022 12:30

Chiều 8/12, tại kỳ họp thứ 10, các đại biểu HĐND TP Hà Nội nhất trí thông qua Nghị quyết về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố năm 2022. Theo đó có 41 tuyến phố mới được đặt tên theo các Danh nhân và địa danh. Trong đó, Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn được đặt tên đường cho đoạn từ ngã ba giao phố Vũ Đức Thận tại khu đất C12 đến ngã ba giao ngõ 137 phố Việt Hưng - quận Long Biên (tổ 8 phường Việt Hưng) tại mặt sau Trường Mầm non Hoa Thủy Tiên. 

Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn (1931 - 2011) là một nhà khoa học nông nghiệp uyên bác, suốt đời tận tụy cống hiến vì nền khoa học nông nghiệp Việt Nam, vì nông dân và nông thôn Việt Nam. Ông là cây đại thụ của khoa học Việt Nam, là Viện sĩ hàn lâm khoa học nông nghiệp Liên xô, nhà nghiên cứu nông nghiệp lỗi lạc, người viện trưởng tài ba. Suốt cuộc đời mình, ông đã đưa ra xuất bản trên 200 bài báo, 20 đầu sách tiếng Việt, 1 sách tiếng Nga, 33 sách, báo, tạp chí tiếng Anh, 58 báo, tạp chí sách tiếng Pháp. 

111-1670563661-1672859216.jpg
Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn

Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn còn là cha đẻ của Bộ môn Hệ thông Nông nghiệp. Ông đã đi từ những nghiên cứu nhỏ lẻ, từ nghiên cứu hệ thông canh tác trong hợp tác xã, bố trí lại cây trồng trong HTX, mở ra một thời kỳ mới cho đa dạng hoá cây trồng trong sản xuất nông nghiệp. Nông nghiệp nước ta phải được nghiên cứu trên cơ sở hệ thống đó cũng chính là những nghiên cứu mang tính chiến lược của ông. Các công trình nghiên cứu về hệ thống nông nghiệp là các công trình đầu tiên ấp dụng quan điểm nghiên cứu hệ thống nông nghiệp và nông thôn, làm cơ sở cho phát triển nông thôn

Ông cũng là người sớm có đề xuất hướng tiếp cận nghiên cứu kỹ thuật từ đơn ngành sang tiếp cận nghiên cứu hệ thống trên quy mô tiểu vùng, vùng, quy mô quốc gia theo hướng thị trường, theo ngành hàng nông sản.

Xuyên suốt các công trình nghiên cứu khoa học của Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn đều có giá trị cao về phương pháp luận và thực tiễn cho ngành nông nghiệp, từ nghiên cứu cơ bản, xác lập cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu ứng dụng, đến giải quyết các vấn đề đặt ra trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ông được đánh giá là người dẫn đầu trong nghiên cứu phát triển nông thôn.

Cuốn sách "Sinh lý của ruộng lúa năng suất cao" của Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn đã ra mắt bạn đọc trên 50 năm qua, nhưng giá trị khoa học và thực tiễn của nó không thể phai mờ. Nó được đánh giá là cơ sở cho nhiều luận điểm khoa học quan trọng về hệ sinh thái hoàn chỉnh để phát triển ruộng lúa năng suất cao trên cơ sở chuyển đổi lối canh tác truyền thống sang canh tác dựa trên cơ sở khoa học.

Đặc biệt trong cuốn "Kinh tế hộ nông dân" ông nói về nền nông nghiệp hiện đại có vai trò rất quan trọng của hộ nông dân. Đặc biệt, ông đã sớm đề cập đến nhiều vấn đề thời sự của ngành nông nghiệp hiện nay như: Vai trò chủ thể của giai cấp nông dân hiện đại, năng lực quản trị các mô hình sản xuất, tính liên kết trong tổ chức sản xuất, khai thác chuỗi giá trị hàng hóa nông sản, sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế...

gs1-1642495818-1672859317.jpg

 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xuất bản cuốn sách "Đào Thế Tuấn - Nhà Khoa học Nông nghiệp uyên bác" đúng vào dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn

Những nghiên cứu của Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn là một trong những cơ sở để giúp Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn về Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở nước ta nhiều thập kỷ qua như: Khoán 10; Kinh tế tập thể; Chính sách Tam Nông: Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn; Phát triển nông thôn mới; Nông nghiệp sinh thái; Phát triển Du lịch và Làng nghề; Dân tộc và miền núi; Giảm nghèo bền vững; Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, sản xuất nông sản hàng hóa gắn với nhu cầu thị trường và hướng xuất khẩu...  

Với những công lao đóng góp của mình Giáo sư đã nhận được nhiều phần thưởng cao qui của Đảng, Nhà nước như: Huân chương Công trạng Nông nghiệp của nước Cộng hoà Pháp. Danh hiệu anh hùng Lao Động thời kỳ đổi mới, Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Đánh giá về cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn, đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT trong lời giới thiệu sách đã nêu rõ: "Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn là một trong những nhà khoa học nông nghiệp hàng đầu nước ta. Với những đóng góp cho sự phát triển của ngành Nông nghiệp Việt Nam, Ông đã được Đảng và Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động năm 2000, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Công nghệ năm 2005...Suốt sự nghiệp nghiên cứu khoa học Nông nghiệp, Ông đã viết khoảng 300 bài báo cho các tạp chí tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Việt, xuất bản 19 cuốn sách công bố các công trình nghiên cứu khoa học tạo tiếng vang lớn, có giá trị lý luận và thực tiễn cao....".

Để tri ân những cống hiến to lớn của ông với nền khoa học nước nhà, với ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, chiều ngày 8/12/2022, tại kỳ họp thứ 10, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khoá 16 đã biểu quyết đặt tên phố Đào Thế Tuấn là một trong những đường phố mới ở Thủ đô Hà Nội được 100% đại biểu có mặt. 

Theo đó , phố Đào Thế Tuấn (quận Long Biên): Cho đoạn từ ngã ba giao phố Vũ Đức Thận tại khu đất C12 đến ngã ba giao ngõ 137 phố Việt Hưng (tổ 8 phường Việt Hưng) tại mặt sau Trường Mầm non Hoa Thủy Tiên.

Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn sinh ngày 4 tháng 7 năm 1931 tại Thành phố Huế, nguyên quán ở Khúc Thủy, Thanh Oai, Hà Tây cũ (nay là Hà Nội); sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức nổi tiếng cả về trí tuệ và tinh thần yêu nước; Mẹ là cụ bà Trần Như Mân một nhà giáo và hoạt động xã hội, Cha là cụ Đào Duy Anh, nhà sử học, địa lý, nhà từ điển học, nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, văn học dân gian nổi tiếng của Việt Nam được từ điển Larousse gọi là nhà bách khoa toàn thư của thời hiện đại. Ông tham gia Việt Minh từ rất sớm, vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 6 tháng 5 năm 1949 và chuyển chính thức ngày 9 tháng 10 năm 1949. Năm 1953, học đại học tại Trường Đại học Nông nghiệp Tasken, Liên Xô. Cuối năm 1958 báo cáo tốt nghiệp của ông được trình bày thẳng để lấy bằng tiến sĩ nông học. Từ năm 1958 đến năm 1995, công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Học viện Nông Lâm; tiếp đến là Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, được phân công làm Phó Viện trưởng rồi Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam. Tham gia và là Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam - PHANO; Ông là người sáng lập bộ môn Hệ thống nông nghiệp (1989). Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, nhiều bài viết được các báo, tạp chí trong và ngoài nước xuất bản. Ông qua đời lúc 11h 30 ngày 19 tháng 1 năm 2011 tại Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội.

Xuân Nguyên