Năm 1968, tốt nghiệp đại học ở Liên Xô về nước, tôi được Bộ Nông nghiệp điều về nhận công tác tại Bộ môn Sinh lý Thực vật, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam. Thời gian này bộ môn đang sơ tán ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên, với sự lãnh đạo của GS. Mai Văn Quyền vì GS.VS. Đào Thế Tuấn đang công tác tại Khu 4. Sau năm 1968, bộ môn chuyển từ nơi sơ tán về Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội. Đến năm 1972, do Mỹ bắn phá ác liệt miền Bắc, bộ môn lại phải sơ tán lên xã Bình Đà, Hà Tây. Dù khó khăn nơi ăn chốn ở, đi lại nhưng được sự chỉ đạo sát sao của GS.VS. Đào Thế Tuấn và GS. Mai Văn Quyền, anh chị em Bộ môn Sinh lý Thực vật vẫn bám đồng ruộng làm tốt các thí nghiệm. Là một cán bộ tốt nghiệp ngành sinh hoá, thời gian đầu tôi được lãnh đạo bộ môn giao làm công tác phân tích trong phòng thí nghiệm; nhưng đến năm 1981, tôi được thầy Tuấn giao thêm công tác thí nghiệm đồng ruộng.
Thầy bảo là cán bộ nông nghiệp phải đa năng, không chỉ biết công việc trong phòng thí nghiệm mà còn phải nắm vững công tác thí nghiệm đồng ruộng; từ đó nâng cao hiểu biết thực tế để chỉ đạo sản xuất, phải tăng cường xuống hợp tác xã hơn. Trong việc thực hiện các thí nghiệm đồng ruộng, thầy giao cho mỗi cán bộ phụ trách một mảng riêng như thí nghiệm mật độ, phân bón, thời vụ, so sánh đánh giá giống v.v… nhưng yêu cầu là phải phối hợp với nhau, nắm vững được công việc của nhau để thay thế khi cần, đó là đa năng. Nhờ đó, công việc của bộ môn thường chủ động và hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Tuy ở nơi sơ tán đi lại khó khăn, bận nhiều công việc của cơ quan nhưng thầy vẫn duy trì các buổi sinh hoạt học thuật cho anh chị em cán bộ nghiên cứu của bộ môn về các chuyên đề sinh lý ruộng lúa năng suất cao, cấu trúc quần thể của ruộng lúa, đặc điểm của các nhóm giống lúa (loại to bông thấp cây, loại nhiều bông…); các đặc điểm sinh lý chính như diện tích lá, diện tích lá tối ưu, cường độ quang hợp, hiệu suất quang hợp, tích luỹ chất khô, các yếu tố cấu thành năng suất và mối quan hệ giữa các đặc điểm này với năng suất lúa.
Thầy còn tổ chức học thuật về phương pháp thí nghiệm đồng ruộng và phương pháp tính sai số thí nghiệm bằng máy tính cầm tay (tuy thời đó máy tính con cầm tay cũng rất hiếm). Bên cạnh đó, anh em cán bộ bộ môn còn được đọc tham khảo quyển sách “Sinh lý của ruộng lúa năng suất cao” của thầy, nên đã nâng cao hiểu biết về cây lúa hơn. Đây là một cuốn sách có thể nói đã tổng hợp được đầy đủ những kiến thức, hiểu biết về cây lúa, là cuốn sách gối đầu giường của những cán bộ nghiên cứu sinh lý cây lúa như chúng tôi.
Trong công việc thí nghiệm hàng vụ, hàng năm, thầy luôn luôn nhắc nhở anh em cán bộ về tính trung thực khách quan trong thu nhập mẫu, tính toán số liệu, bảo đảm độ chính xác cho phép vì số liệu là thu thập cho mình, là của chính mình. Thầy nói mình thu thập số liệu chính xác, khách quan, dù là kết quả âm cũng có giá trị để sau này người khác không phải làm lại thí nghiệm. Điều thứ hai, giáo sư nhắc nhở là cán bộ nghiên cứu phải biết một đến hai ngoại ngữ, phục vụ tham khảo tài liệu chuyên môn và viết báo cáo tóm tắt rồi báo cáo toàn văn bằng tiếng Anh… Thứ ba, là mọi cán bộ khoa học cần phải viết báo cáo khoa học hàng năm để tích luỹ công trình khoa học. Trước sự nhắc nhở động viên của thầy, mấy anh em con trai chúng tôi một tuần một lần đạp xe đạp từ Bình Đà (Hà Tây) về Hà Nội vào tối Thứ Bảy để sáng Chủ nhật hôm sau học tiếng Anh với thầy Vũ Tá Lâm. Nhờ đó trình độ tiếng Anh của mấy anh em chúng tôi được nâng lên rõ rệt, không những tham khảo được tài liệu chuyên môn, mà còn viết được báo cáo khoa học và báo cáo tóm tắt bằng tiếng Anh, có bài đã được IRRI đăng như bài về giống lúa VI8. Thầy nói đó cũng là sự đa năng, nét toàn diện của một cán bộ nghiên cứu khoa học, biết thêm một ngoại ngữ như được một cánh tay nối dài, không biết ngoại ngữ là còn mù chữ. Những lời dạy của thầy thật thấm thía, ý nghĩa vô cùng.
Năm 1981, thầy giao cho tôi công tác lai tạo và chọn giống lúa mới theo các đặc điểm sinh lý. Thầy bảo “Bây giờ năng suất lúa đã đạt đến ngưỡng năng suất trần rồi, muốn nâng cao năng suất hơn nữa sẽ rất khó khăn, tuy nhiên phải tìm cách để có hướng đi mới”. Thầy đề xuất một trong những hướng đi đó có thể là hướng nâng cao nguồn và sức chứa từng bước hoặc đồng thời. Một số nhà khoa học thế giới cũng đã đề cập hướng nghiên cứu này nhưng chưa có kết quả rõ ràng, còn ở Việt Nam cũng chưa thấy kết quả nào được công bố theo hướng này trong cải tiến năng suất lúa nhằm mục đích vượt trần. Đây là lần đầu tiên tôi được tiếp cận khái niệm nguồn và sức chứa từ GS.VS. Đào Thế Tuấn. Sau này được biết rõ ràng hơn qua tham khảo tài liệu tiếng Anh do IRRI xuất bản. Theo hướng này, được sự chỉ đạo trực tiếp và sát sao của giáo sư, tôi cùng một số anh chị em trong bộ môn đã lai tạo và chọn lọc thành công hai giống lúa mới năng suất cao chất lượng tốt, chịu rét, năng suất đạt 70-80 tạ/ha trong vụ Xuân (được công nhận giống lúa quốc gia trà Xuân chính vụ năm 1994), và giống lúa cực ngắn 79-1 là giống lúa cho vụ Hè Thu, năng suất đạt 50-60 tạ/ha vụ (được công nhận giống quốc gia năm 1996).
Với kết quả này tôi đã bảo vệ thành công luận án PTS với đề tài “Nghiên cứu các đặc điểm nguồn, sức chứa và khả năng ứng dụng chúng trong chọn tạo giống lúa” với người hướng dẫn khoa học là GS.VS. Đào Thế Tuấn. Các giống lúa được chọn đã nêu trên thành công một phần là nhờ vật liệu thầy mang từ nước ngoài về. Đó là giống lúa Lomelo (cực ngắn, 85 ngày, hạt to, sức chứa lớn), và giống Lào tím của Lào (chất lượng tốt, nguồn cao). Quà của thầy đi nước ngoài về là những vật liệu như giống lúa, ngô, đậu tương, lạc… thậm chí có cả cây dược liệu. Các vật liệu này được giao cho các đơn vị, cá nhân có liên quan làm thực liệu. Ngoài giống cây trồng là những bài báo khoa học, thầy đều mang về cho anh chị em cán bộ đọc tham khảo rất bổ ích cho công tác nghiên cứu của mình.
GS.VS. Đào Thế Tuấn không những là một nhà khoa học nổi tiếng trong nước và trên thế giới; giáo sư còn là một đảng viên kỳ cựu, gương mẫu, liêm khiết; là tấm gương sáng để các cán bộ trẻ như chúng tôi, những đoàn viên thanh niên noi gương rèn luyện phấn đấu. Thầy sống thật giản dị, gần gũi với mọi người. Thầy đi dép cao su, mặc áo mầu thẫm để tiện ra đồng thăm thí nghiệm hoặc xuống hợp tác xã. Thầy cũng không bao giờ nặng lời với cấp dưới, mà luôn ân cần nhắc nhở chỉ đạo tận tình chu đáo với mọi người. Tài năng, trí tuệ, đạo đức; và những công trình khoa học mà thầy để lại là vô cùng quí giá cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Một điều duy nhất mà tôi có thể nói đó là: Thầy là một nhà khoa học nổi tiếng và là người thầy đáng kính của tôi và của các thế hệ trẻ - vô cùng biết ơn thầy!