Phát biểu khai mạc sự kiện, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thành phố Hà Nội có nền văn hóa, văn hiến lâu đời, 1.350 làng nghề, hơn 11.000 sản phẩm nông sản, thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR code.
Bên cạnh các làng nghề, Hà Nội còn có 1.136 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động, 1.695 trang trại, 149 chuỗi liên kết được duy trì và phát triển, hơn 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao… Đây là tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP của Thủ đô Hà Nội.
Từ năm 2019 đến nay, Hà Nội đã đánh giá, công nhận được 2.167/9.852 sản phẩm OCOP cả nước (chiếm 22%), trong đó có 6 sản phẩm OCOP 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao (chiếm 63,2%), 780 sản phẩm 3 sao (chiếm 36%).
Năm 2023, có 25/30 quận, huyện, thị xã thực hiện đánh giá, phân hạng được 532 sản phẩm (đạt 133% so với kế hoạch) của gần 200 chủ thể, trong đó có 440 sản phẩm OCOP 3 sao, 92 sản phẩm tiềm năng OCOP 4 sao.
Tại Hà Nội, nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm chất lượng cao phục vụ hơn 10 triệu dân, phần lớn hàng hóa thiết yếu thường xuyên chỉ đáp ứng được 35% nhu cầu thị trường, còn lại phải nhập thêm từ các tỉnh, thành phố trong nước, nước ngoài.
Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, thực hiện tinh thần Hà Nội với cả nước và cả nước với Hà Nội, Sở NN&PTNT tổ chức sự kiện với mục đích giúp các chủ thể OCOP của Hà Nội và các tỉnh, thành phố cả nước giao lưu, kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, kết nối sản phẩm vào hệ thống phân phối.
Quy mô sự kiện có 100 gian hàng, hơn 2.000 sản phẩm OCOP là đặc sản miền Trung, Tây Nguyên và 17 tỉnh, thành phố trong cả nước. Thành phố Hà Nội có 45 gian hàng với hơn 1.000 sản phẩm OCOP. Đặc biệt, có 20 gian hàng văn hóa Việt - Nhật, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của văn hóa hai nước.
Trong khuôn khổ sự kiện cũng diễn ra chương trình giao lưu văn hóa Việt - Nhật năm 2023 chủ đề “Những nhịp cầu hữu nghị”.
Sự kiện diễn ra đến 25-12.