Trung tâm nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa (đóng tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng, trực thuộc Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) cho biết, giống dâu tây mới PS8.10 đã được đơn vị chuyển giao cho một số nông hộ sản xuất và đạt hiệu quả cao.
Tiến sĩ Nguyễn Thế Nhuận, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa cho biết, từ năm 2018 chương trình lai tạo, chọn lọc giống dâu tây mới được Trung tâm thực hiện.
Trên cơ sở nguồn vật liệu là các giống dâu tây nhập nội từ Hàn Quốc và một số giống dâu tây đang được canh tác tại Lâm Đồng, một số tổ hợp lai đã được đánh giá có triển vọng như PS 1.07, PS 7.01, PS 8.07, PS 8.14, PS 17.04 và PS 8.10. Trong số các giống này thì giống PS 8.10 là vượt trội nhất.
Giống có thời gian sinh trưởng từ 95-100 ngày, chống chịu khá với bệnh phấn trắng và thán thư. PS8.10 có dạng quả hình nón, khi chín có màu đỏ, mùi rất thơm, ngon và ngọt, được thị trường ưa chuộng và đánh giá cao.
Tiến sĩ Nguyễn Thế Nhuận cho biết, giống PS8.10 có tiềm năng năng suất cao và ổn định. Qua khảo nghiệm diện hẹp trong 3 vụ tại Lâm Đồng, năng suất trung bình đạt 32,1 tấn/ha/năm, cao hơn giống đối chứng 29,1%.
Còn khảo nghiệm diện rộng năng suất bình quân đạt 30,3 tấn/ha/năm, cao hơn giống đối chứng 23,4%.
Từ năm 2021 đến nay, giống dâu tây PS8.10 đã được Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa nhân giống, chuyển giao cho một số nông hộ sản xuất dâu tây trên địa bàn thành phố Đà Lạt. Theo đó, giống dâu này đã được người dân và thị trường chấp nhận.
Nông dân cũng đã đề nghị Trung tâm nhân giống dâu tây mới này để mở rộng diện tích trong thời gian tới.