Hà Giang khống chế thành công dịch tả lợn châu Phi

Cuối tháng 6/2024, dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát tại TP Hà Giang và lây lan ra nhiều địa phương trong tỉnh. Sau nhiều nỗ lực của các cấp, ngành, đến nay, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã được khống chế.
qb2-20240719162821-1729758580.png
Các lực lượng chức năng Hà Giang tiến hành tiêu hủy số lợn nhiễm bệnh theo đúng quy định, tiêu chuẩn nghiêm ngặt về phòng, chống dịch cũng như công tác tiêu độc khử trùng

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang Trịnh Văn Bình cho biết: Sau 4 tháng xuất hiện ở dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn 6/11 huyện, thành phố ở tỉnh đã gây nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi nhưng với sự vào cuộc đồng bộ từ các đơn vị, địa phương, đến nay trên địa bàn tỉnh đã được khống chế thành công được dịch.

Trước đó, dịch tả lợn châu Phí xuất hiện lần đầu tiên tại xã Ngọc Đường (TP Hà Giang) vào cuối tháng 6/2024. Sau hơn 3 tháng, dịch tả lợn châu Phi tiếp tục được ghi nhận tại 5 huyện gồm: Xín Mần, Quản Bạ, Bắc Mê, Yên Minh và Đồng Văn.

Lũy kế đến 16/10, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 93 thôn/24 xã/6 huyện. Số lợn tiêu hủy bắt buộc hơn 2.600 con với tổng trọng lượng trên 106 tấn.

Nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát và lây lan nhanh là do người chăn nuôi có tâm lý chủ quan, chưa tổ chức tốt biện pháp phòng chống, còn tình trạng giấu dịch, bán lợn bệnh, phát hiện lợn bị bệnh nhưng không báo cáo cơ quan chức năng.

tiemvacccin-1729758806.jpg
Tiêm vắc xin phòng bệnh dịch Tả lợn châu Phi tại xã Tùng Vài (Quản Bạ)

Để dập dịch tả lợn châu Phi, thời gian qua UBND tỉnh Hà Giang đã yêu cầu các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương huy động lực lượng từ các tổ chức, đoàn thể chủ động, kịp thời giám sát dịch trên đàn lợn đến từng hộ chăn nuôi, điểm buôn bán và vận chuyển lợn.

Ngành Thú y hướng dẫn công tác khử trùng, tiêu độc tại các xã có dịch; đặt biển báo, chốt kiểm soát hạn chế ra vào vùng dịch và công bố ổ dịch tả lợn châu Phi theo quy định.

Tại khu vực xuất hiện dịch, việc thực hiện tiêu hủy lợn mắc bệnh, tiêu độc khử trùng xử lý ổ dịch, tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

Kịp thời tham mưu cho Sở Nông nghiệp & PTNT ban hành Công văn về việc tập trung chỉ đạo, kiểm soát, khống chế, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Từ tháng 6 đến nay, Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang đã phối hợp, hướng dẫn các địa phương sử dụng hơn 2.300 lít hóa chất và gần 33 tấn vôi bột để xử lý tiêu hủy, phun tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi tại hộ có dịch tả lợn châu Phi và các hộ xung quanh; tiêm vắc xin phòng dịch tả lợn châu Phi cho hơn 7.100 con lợn tại các huyện Quản Bạ, Bắc Mê, Xín Mần.

Đặc biệt, qua công tác kiểm tra, kiểm soát, ngành chuyên môn của huyện Quản Bạ đã phát hiện, xử lý 1 vụ vận chuyển lợn trong vùng dịch tả lợn châu Phi không có giấy tờ với số lượng 12 con, trọng lượng 1 tấn; hình thức xử lý tiêu hủy toàn bộ số lợn và xử phạt người vi phạm 4,5 triệu đồng.

Tại các địa phương có dịch và không có dịch đều thực hiện đúng quy định về tiêu hủy lợn bị bệnh để hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại; hướng dẫn bà con vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh; phát hiện, khống chế và xử lý triệt để lợn bị bệnh không để phát sinh ổ dịch mới.

Tính đến ngày 22/10, đã có 4 địa phương tại Hà Giang (TP Hà Giang, Đồng Văn, Yên Minh, Bắc Mê) và 15 xã của 3 huyện (xã Bát Đại Sơn, Đông Hà, Quản Bạ, Cao Mã Pờ, Tả Ván, Thanh Vân, Cán Tỷ, thị trấn Tam Sơn, Quyết Tiến, Thái An, Lùng Tám, huyện Quản Bạ; xã Pà Vầy Sủ, Nà Chì, Bản  Ngò, Thèn Phàng huyện Xín Mần) đã công bố hết dịch trên địa bàn và 2 xã Tùng Vài, Nghĩa Thuận đang được thẩm định điều kiện công bố hết dịch.

Ngoài ra, thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần đã qua 21 ngày không phat sinh dịch bệnh.

Chi cục Thú y tỉnh Hà Giang hiện đang bố trí lực lượng, phối hợp với chính quyền địa phương để ngăn chặn, phòng ngừa và không để dịch bùng phát trở lại.

Ông Trịnh Văn Bình cho biết thêm: Mặc dù dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản khống chế tại nhiều địa phương trong tỉnh, nhưng nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn rất cao nên các địa phương cần giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở. Kịp thời phát hiện và tiêu hủy lợn bệnh đúng quy định; tăng cường kiểm tra việc tái đàn, tăng đàn tại các cơ sở chăn nuôi bảo đảm đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; kịp thời phát hiện các hộ nhập đàn không khai báo. 

Do đó, các địa phương cũng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chủ động tiêm phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi; chủ động khai báo và tiêu hủy đàn lợn bị bệnh, tuyệt đối không vứt xác lợn bệnh, lợn chết ra môi trường…