Chúng ta đã quen thuộc với hình ảnh Hà Nội của những phố phường ngàn năm văn hiến, đó là "Hà Nội phố". Nhưng từ những ngày này của 70 năm trước, khi những đoàn quân đội mũ nan tre bọc vải, cài lá ngụy trang, trùng trùng tiến vào các cửa ô tiếp quản thành phố, thì hình ảnh của những anh Bộ đội Cụ Hồ với màu xanh áo lính; dù là thời bom rơi, đạn nổ, lửa khói ngút trời, hay khi đất đã hòa bình, cũng chưa bao giờ vắng bóng trên đường phố Thủ đô. Có lẽ vì thế, mà con phố nhỏ Lý Nam Đế ở Hà Nội còn được gọi là “Phố Nhà Binh”.
Cùng với sự phát triển và mở rộng của Thủ đô, ngoài những tòa nhà cao tầng mọc lên, những phố đi bộ lung linh ánh đèn, còn có hình ảnh Hà Nội của những làng xóm, Hà Nội của ruộng đồng, vẫn trồng lúa, trồng hoa, trồng rau… thân thương như hồn quê Việt đã ngàn đời nay vậy.
Với ý nghĩa ấy, thông qua việc giới thiệu 2 Tác giả và 4 Tác phẩm, hầu hết là Thơ Lục Bát, vừa được xuất bản, đại diện cho phong trào sáng tác của Câu lạc bộ “Trái tim người lính Thủ đô”, chúng tôi muốn gửi đến bạn đọc một góc nhìn mới, vừa giản dị, khiêm nhường, lại vừa hào hoa mà thanh lịch của Người Hà Nội.
Đó là Đại tá, Nhà thơ Trần Trọng Giá - Chủ tịch CLB “Trái tim người lính Thủ đô”; Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Ông sinh năm 1952 tại Nho Quan, tỉnh Ninh Bình; hiện trú tại khu Biệt thự 1 bán đảo hồ Linh Đàm, TP. Hà Nội. Cựu chiến binh Trần Trọng Giá từng có mặt trong đoàn quân tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1975. Ông có nhiều năm công tác, gắn bó và trưởng thành từ Quân khu Thủ đô. Một đời mang áo lính, khi đã hoàn thành nhiệm vụ với Quân đội, ông trở về với đời thường và lấy Thơ Lục Bát làm niềm vui, từ yêu thích trở thành đam mê. Trong 4 năm qua, Nhà thơ Trần Trọng Giá đã lần lượt cho ấn hành 4 tập thơ (hầu hết là Lục Bát): “Lặng thầm”, “Gửi lại dòng sông”, “Bóng quê” và “Tiếng chiều”. Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, Nhà thơ Trần Trọng Giá đã phối hợp với Ban Nhà văn Nữ của Hội Nhà văn Hà Nội vận động trao tặng được 2 “Tủ sách Đặng Thùy Trâm”, mỗi tủ sách trị giá 100 triệu đồng cho các em học sinh nghèo tại quê nhà.
Đó còn là Á hậu doanh nhân Lê Thy Bình – Thành viên nhóm Thường trực của CLB “Trái tim người lính Thủ đô”; người đầu tiên đã dành toàn bộ 1000 cuốn tự truyện “Á hậu Lọ lem” giá trị 200 triệu đồng, để ủng hộ Chương trình “Tủ sách Đặng Thùy Trâm”. Chị cũng đã vận động nhiều thân nhân gia đình Liệt sĩ tại quê nhà ủng hộ kỷ vật “Tình yêu đi qua chiến tranh” cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Lê Thy Bình sinh năm 1973 tại Phúc Thọ, TP. Hà Nội. Lớn lên từ một vùng quê nghèo khó, đúng nghĩa là “Hà Nội xóm” và “Hà Nội làng”. Tuổi thơ của “Cô bé lọ lem” không có cha, là chăn trâu cắt cỏ và ăn đói mặc rách. Lớn lên, chị từng nhiều năm một mình đạp xe mấy chục cây số, ra phố đi rửa bát thuê, bán hàng rong và làm đủ nghề để kiếm sống. Nhưng dù công việc cực nhọc, lầm lũi, xô bồ ở chợ Đồng Xuân thuở hàn vi, vẫn không làm vơi cạn được tâm hồn văn chương có sẵn trong Lê Thy Bình. Sau tự truyện “Á hậu Lọ lem” trình làng năm 2023, chị cùng lúc xuất bản 2 tập thơ Lục Bát do Nhà thơ Nguyễn Thị Mai tổ chức bản thảo, Nhà thơ Quốc Toản và Nhà thơ Lê Đức Nghinh giới thiệu: “Em vẫn là em” và “Chỉ là trong mơ”, làm quà tặng cho người yêu thơ Lục Bát.
Ngày Thơ Lục Bát năm Giáp Thìn – 2024 sẽ được tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam – 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, từ 8:30 sáng Chủ Nhật, ngày 8/9/2024 (tức ngày 6 tháng 8 năm Giáp Thìn).
Trong khuôn khổ của sự kiện này, ngoài nghi thức đọc Chúc văn Lục Bát và trình diễn thể thơ truyền thống; Ban Tổ chức Ngày hội còn vinh danh một số tập thể, cá nhân đến từ Hải Phòng, Hòa Bình, Phú Thọ và Bắc Ninh…
Hà Nội, 28/8/2024
TTNL