Hà Nội: Một số giải pháp khuyến nông để thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn bền vững

Sau 9 tháng đầu năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã ghi dấu với nhiều kết quả quan trọng trong việc phát triển các mô hình nông nghiệp bền vững. Để rõ hơn về nội dung này, chúng tôi có cuộc trao đổi với bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội.

PV: Xin bà có thể có thể đánh giá về một số hoạt động của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội trong thời gian gần đây?

Bà Vũ Thị Hương: Thời gian vừa qua dù tiềm ẩn nhiều rủi ro, tác động từ thời tiết, thiên tai và dịch bệnh nhưng với mục tiêu hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập, cùng với sự chủ động, linh hoạt, ngành nông nghiệp Thủ đô đã duy trì tăng trưởng trên hầu hết các lĩnh vực. Tổng diện tích rau an toàn, rau hữu cơ của Hà Nội ngày một tăng, không chỉ cung ứng cho thị trường Hà Nội mà còn có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố khác. Các vùng nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, an toàn và ứng dụng kỹ thuật cao vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Diện tích nuôi trồng thủy sản của Hà Nội là 22,6 nghìn héc ta, tăng 2,5% và sản lượng thủy sản trong nửa đầu năm 2024 đạt 10,9 nghìn tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Đến hết quý III năm 2024, Trung tâm Khuyến Nông Hà Nội đã xây dựng và triển khai thành công 18 mô hình khuyến nông, trong đó có 10 mô hình về trồng trọt, 4 mô hình chăn nuôi và 4 mô hình thủy sản. Các mô hình này tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm như: phát triển sản xuất rau, hoa, quả theo hướng hữu cơ, VietGAP, ứng dụng công nghệ cao, cấp giấy chứng nhận; Phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; Phát triển cơ giới hóa; Nuôi thủy sản lồng bè...Có thể nói, trong 9 tháng qua, Trung tâm đã đạt được những kết quả toàn diện trên các mặt hoạt động. Từ việc ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đến liên kết tiêu thụ sản phẩm, các mô hình trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản không chỉ giúp nâng cao năng suất mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển nông nghiệp thủ đô.

vth123-1733734039.jpg

Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội.

PV: Xin bà có thể chia sẻ một số khó khăn vừa qua và mục tiêu của công tác khuyến nông trong thời gian tới?

Bà Vũ Thị Hương: Dù còn nhiều khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh và biến động thị trường, song ngành nông nghiệp Hà Nội vẫn quyết tâm phấn đấu tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra (hơn 3%). Đối với phần diện tích nguy cơ úng ngập cao sẽ lựa chọn những giống rau màu ngắn ngày gieo trồng, chủ động luân canh xen kẽ, bám sát những dự báo về thời tiết, khí hậu và dịch bệnh.

Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu đề ra, năm 2024 ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, trong đó tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững gắn với kết hợp du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Đồng thời phối hợp với các địa phương thống kê và có giải pháp khôi phục diện tích lúa, rau màu, thủy sản bị ảnh hưởng. Ngành nông nghiệp cũng chủ động, linh hoạt ứng phó với mọi diễn biến về khí hậu, thị trường và thường xuyên nghiên cứu, phân tích thị trường, từ đó định hướng sản xuất bám sát nhu cầu của thị trường.

Từ mục tiêu chung đó, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã lên kế hoạch triển khai các biện pháp khắc phục, từ việc gieo giống để kịp thời sản xuất khi thời tiết thuận lợi, trồng lại các loại cây dược liệu, chăm sóc lại các diện tích bị thiệt hại đến việc điều chỉnh quy trình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế. Đặc biệt là nâng cao kỹ thuật sản xuất, canh tác cho bà con nông dân các địa phương, ngành nông nghiệp Thủ đô tăng cường liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu để đào tạo cán bộ chuyên sâu về kỹ thuật nông nghiệp, khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ... Nhất là hướng dẫn nông dân xây dựng phương án sản xuất, kết nối nông dân với các nhà khoa học và doanh nghiệp là yếu tố hết sức cần thiết. 

mo-hinh-nong-nghiep1-1-1733734367.jpg

Nhiều mô hình nông nghiệp do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai đang phát huy kết quả

PV: Nhiệm vụ trọng tâm của ngành khuyến nông Hà Nội trong những tháng cuối năm là gì thưa bà?

Bà Vũ Thị Hương: Nhiệm vụ trọng tâm quý IV năm 2024 là khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch tổ chức Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ 3 năm 2024 theo các nội dung đã được phân công. Tham mưu Sở Nông nghiệp & PTNT các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, thông tin rộng rãi về Festival; phát động các Sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã thông tin, mời các đơn vị trên địa bàn đăng ký tham gia trưng bày tại Festival.

Bên cạnh đó, Trung tâm xây dựng dự thảo, phấn đấu tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về đơn giá dịch vụ sự nghiệp công trong hoạt động khuyến nông trong Quý IV/2024. Tiếp tục rà soát, tổng hợp, kết quả chương trình khuyến nông giai đoạn 2020 - 2025, nghiên cứu, tham mưu xây dựng dự thảo Chương trình khuyến nông thành phố giai đoạn 2026 - 2030 phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp Thủ đô tiên tiến, hiện đại, hiệu quả, bền vững. Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh, tuyên truyền về ý nghĩa lịch sử, các hoạt động của ngành về Kỷ niệm 70 năm thành lập Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội (30/11/1954 - 30/11/2024); tuyên truyền các Nghị Quyết của HĐND liên quan đến nông nghiệp, nông thôn; Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong đó, Trung tâm sẽ phối hợp với các đơn vị thông tấn, báo chí tuyên truyền làm tốt công tác thông tin tuyên truyền nhanh, kịp thời và hiệu quả về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới Hà Nội. 

anh-1-4603-1733734951.jpg

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc thủy sản tại huyện Mỹ Đức.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các công cụ công nghệ mới theo chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên để tăng cường hiệu quả hoạt động của Trung tâm. Hoàn thành việc trang bị đồng phục khuyến nông cho đội ngũ khuyến nông viên tại các địa phương trong toàn thành phố hướng tới hoạt động khuyến nông theo hướng chuyên nghiệp. Phối hợp với Ban Quản lý và Duy tu các công trình nông nghiệp, nông thôn theo dõi, giám sát thi công công trình cải tạo, sửa chữa trụ sở làm việc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội. Phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở, các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và Hà Nội xây dựng các chương trình thông tin tuyên truyền về khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, thị trường góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú với các phương thức đổi mới, sáng tạo, hiệu quả...

PV: Vậy bà có thể nêu một số những giải pháp khuyến nông để thúc đẩy ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội phát triển bền vững trong thời gian tới?

Bà Vũ Thị Hương: Tôi cũng bày tỏ sự đồng tình với các chuyên gia nông nghiệp khi cho rằng, để thúc đẩy ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội, ngành khuyến nông trong thời gian tới sẽ nghiên cứu một số giải pháp khuyến nông như sau:

Thứ nhất, Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, nhất là việc triển khai các mô hình khuyến nông hiệu quả, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục, phố biến và chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nội bộ đoàn kết, chủ động khắc phục những khó khăn bất cập trong công tác. Bám sát sự chỉ đạo của các cấp chính quyền, ngành nông nghiệp và phối hợp hiệu quả với các ngành, các cấp để triển khai thắng lợi các nhiệm vụ đã đặt ra. 

Thứ hai, Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho nông dân về ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, kỹ thuật canh tác mới, và quy trình sản xuất sạch. Điều này không chỉ giúp nâng cao nhận thức mà còn cải thiện năng suất lao động. Cung cấp thông tin về thị trường, giá cả, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông sản nhằm giúp nông dân có thể điều chỉnh sản xuất theo hướng thị trường. Việc này có thể thực hiện qua các kênh truyền thông, hội thảo hoặc các trang mạng xã hội.

Thứ ba, Tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư vào sản xuất, mua sắm thiết bị, giống, vật tư nông nghiệp chất lượng cao. Các cơ quan có thẩm quyền cũng có thể hỗ trợ các quỹ phát triển nông nghiệp để giảm thiểu rủi ro cho nông dân.

Thứ tư, Khuyến khích thành lập các hợp tác xã nông nghiệp, nhóm sản xuất liên kết, góp phần tạo ra chuỗi cung ứng bền vững, tăng khả năng tiêu thụ và giá trị sản phẩm. Khuyến khích nông dân chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của thị trường và bảo vệ môi trường.

Thứ năm, Nghiên cứu và đề xuất các chính sách cải thiện hệ thống giao thông, bảo quản, chế biến nông sản để nâng cao khả năng tiếp cận thị trường và giảm thiểu thất thoát trong quá trình tiêu thụ. Lồng ghép triển khai các chương trình trọng điểm về phát triển nông thôn mới, tăng cường các dịch vụ xã hội, cải thiện đời sống người dân nông thôn.

Thứ sáu, Khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin: Tận dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp như phần mềm quản lý, ứng dụng di động để theo dõi sự phát triển cây trồng, vật nuôi, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất.

Thứ bảy, Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường: Tổ chức các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao ý thức của nông dân về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, khuyến khích các biện pháp bảo vệ môi sinh. Các giải pháp này không chỉ giúp nâng cao năng lực sản xuất của nông dân mà còn góp phần tạo ra nền nông nghiệp bền vững, đem lại lợi ích cho cả cộng đồng và môi trường.

PV: Xin trân trọng cảm ơn!

TRANG THÔNG TIN CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG HÀ NỘI