Ông Phạm Việt Trường, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) cho biết, toàn xã có tổng diện tích canh tác nông nghiệp là 245ha. Sau khi cơn bão Yagi đổ bộ, 100% diện tích canh tác nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Trên địa bàn xã có 3 trang trại nuôi gà, lợn mỗi trang trại ước tính thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Một trang trại trồng rau công nghệ cao thiệt hại hàng tỉ đồng… đặc biệt là 17ha trồng đào ở địa phương có nguy cơ mất trắng do gió bão làm nghiêng đổ, ngập nước…
Chia sẻ của nhiều hộ dân trồng đào ở xã Đại Đồng, suốt quãng thời gian canh tác từ trước đến nay, vất vả, dãi nắng dầm mưa đã nếm trải đủ cả, thế nhưng, sự tàn phá của cơn bão số 3 vừa qua khiến các hộ trồng đào điêu đứng. Bởi lẽ, việc đầu tư trồng đào phải bỏ mức vốn và công sức lớn hơn trồng lúa, hoa màu…
Ông Hoàng Văn Bễ xác định năm nay không có đào thu hoạch. |
Ông Hoàng Văn Bễ (SN 1966, trú tại thôn Đức Phong, xã Đại Đồng) cho biết, năm nay ông đang trồng 1 mẫu với số lượng 300 gốc đào (bao gồm cả đào liền thân và đào ghép), trong đó, có 100 gốc đào mới và 200 gốc đào cũ. Tính riêng tiền mua 100 gốc đào mới về trồng là khoảng gần 100 triệu đồng, chưa tính tiền thuốc trừ sâu, lân, đạm và công chăm bón.
Đào ngập nước quá lâu sẽ không thể cứu. |
Đào không như những cây khác, nếu bị ngập nước trong 3 ngày thì gần như là cây đào sẽ bị chết. Sau cơn bão số 3, nước ngập tràn bờ các ruộng đào nên nước không thể bơm đi đâu được, mặc dù mọi người đã chuẩn bị sẵn máy bơm từ trước bão. Thêm nữa lại mưa lớn do hoàn lưu bão, nước các sông đang dâng cao… Bão đã khiến cây bị quật đổ, gãy cành, đứt rễ nên không có cách nào để cứu chữa được. “Năm nay gia đình tôi xác định mất trắng, không có đào thu hoạch”, ông Bễ chia sẻ.
Anh Vũ Mạnh Dương cho biết, tiền đầu tư trồng đào năm nay gia đình vay từ ngân hàng. |
Anh Vũ Mạnh Dương (SN 1991, thôn Đức Phong, xã Đại Đồng) cho biết, gia đình anh trồng hơn 4 mẫu với hơn 1000 cây đào, tổng mức đầu tư gần 1 tỉ đồng, trong đó, vay ngân hàng nhiều. Bây giờ không biết đến cuối năm lấy gì để trả tiền vay, trong khi ruộng phải đi thuê. Đào nếu đã bị đổ mà dựng lên thì cũng sẽ bị héo chưa kể nước không rút đi được thì cây sẽ chết hết, không vớt vát được gì.
Tại xã Đặng Cương, huyện An Dương, diện tích trồng đào và hoa cây cảnh lớn hơn tại xã Đại Đồng. Theo đó, tổng diện tích đất nông nghiệp canh tác là hơn 200ha, riêng diện tích trồng đào là khoảng 90ha. Vậy nên thiệt hại của các hộ dân trồng đào nơi đây cũng vô cùng lớn.
Gốc đào "cổ thụ" của gia đình anh Phạm Văn Hiến bị gió bão quật ngã. |
Anh Phạm văn hiến (SN 1991, thôn Dân Hạnh, xã Đặng Cương) cho biết, gia đình anh có khoảng 800 gốc đào, có những cây đào “cổ thụ” chỉ mua gốc về trồng đã lên đến 20-30 triệu đồng/gốc. Sau bão số 3, vườn đào gia đình anh bị nghiêng đổ, gió mạnh tạt hỏng lá, thiệt hại sau bão khoảng 85%, còn lại là khôi phục được. Tuy nhiên, anh Hiến cho biết, gia đình xác định năm nay không có thu. Trong khi đó, tiền đầu tư vào vườn đào năm nay rơi vào khoảng 800 triệu đồng, qua thời gian chăm sóc đến giai đoạn này, nếu thu ước tính cũng được từ 1,6 đến 1,8 tỉ đồng vào vụ Tết.
Bà con trồng đào ở huyện An Dương cũng ảnh hưởng nặng nề. |
Hậu cơn bão số, người nông dân trồng đào ở Hải Phòng cay đắng nhìn vườn đào tiền tỉ bị bão thổi bay. Nhiều hộ gia đình đi vay tiền để đầu tư vào vườn đào giờ đây mất trắng, lâm vào cảnh nợ nần. Nhiều hộ có nguy cơ phải thu nhỏ diện tích trồng hoặc phải bỏ trồng đào vì không có vốn để tái sản xuất. Trước tình hình ấy, nhiều bà con nông dân trồng đào mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm, có biện pháp hỗ trợ để người dân ổn định, tiếp tục phát triển nghề trồng đào.a