Xung đột Nga - Ukraine dẫn tới nhiều hậu quả và một trong những hệ lụy nghiêm trọng là khiến thị trường lương thực toàn cầu lao đao. Nhiều quốc gia hiện đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực và buộc phải cấm xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm để giữ an ninh lương thực trong nước.
Các nước cấm xuất khẩu từ lúa mì, đường... đến dầu ăn
Tình trạng nắng nóng gay gắt kéo dài trong ba tháng gần đây đã khiến sản lượng lúa mì ở Ấn Độ sụt giảm đáng kể. Ngày 14-5, Ấn Độ đã ban lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng này, có hiệu lực tức thì, theo hãng tin Bloomberg.
Công nhân nông trại thu hoạch lúa mì tại một ngôi làng ở ngoại ô Ajmer, bang Rajasthan (Ấn Độ) ngày 29-3. |
Giới chức Ấn Độ cho biết lệnh cấm là cần thiết để đảm bảo an ninh lương thực cho 1,4 tỉ dân của đất nước, trong bối cảnh sản lượng lúa mì giảm và giá toàn cầu tăng cao. Điều này khiến nhiều nông dân trong nước chuyển sang bán cho thương lái thay vì cho chính phủ, khiến chính phủ lo ngại về nguy cơ cạn kiệt kho dự trữ lúa mì của đất nước.
Trước đó, hồi tháng 3, chính phủ Ukraine đã cấm xuất khẩu lúa mì, yến mạch và nhiều mặt hàng chủ lực khác vốn có vai trò quan trọng đối với nguồn cung lương thực toàn cầu, khi giới chức Kiev cố gắng đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho người dân trong thời kỳ chiến tranh, theo đài ABC News.
Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine lúc đó là ông Roman Leshchenko cho biết lệnh cấm xuất khẩu là cần thiết để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine, ổn định thị trường và đáp ứng nhu cầu của người dân về các mặt hàng thực phẩm quan trọng. Việc ngừng xuất khẩu của Ukraine khiến giá lương thực toàn cầu tăng cao kỷ lục vì nước này được coi là vựa lương thực của thế giới.
Cũng trong tháng 3, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã ký ban hành lệnh cấm xuất khẩu đường trắng và đường thô cho đến ngày 31-8, đồng thời cấm xuất khẩu lúa mì, lúa mạch và bắp sang các nước thuộc Liên minh kinh tế Á - Âu cho đến ngày 30-6. Moscow nói rằng lệnh cấm được thực hiện nhằm “bảo vệ thị trường thực phẩm nội địa trước những hạn chế từ bên ngoài”, theo hãng tin Reuters.
Trong tháng 4, Indonesia, quốc gia sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, cấm xuất khẩu dầu cọ thô và dầu ăn không xác định thời hạn nhằm ổn định giá và giảm căng thẳng xã hội trong nước. Lệnh cấm xuất khẩu của Indonesia được dự báo sẽ khiến giá mặt hàng này cùng các loại nhu yếu phẩm vốn đã cao nay sẽ còn cao hơn.
Nhiều nước khác cũng đang nỗ lực kiềm chế nguy cơ mất an ninh lương thực trong nước, theo Reuters. Argentina sẽ thiết lập cơ chế kiểm soát giá lúa mì trong nước và kiềm chế lạm phát lương thực. Hungary cấm tất cả hoạt động xuất khẩu ngũ cốc. Serbia hạn chế xuất khẩu lúa mì, bắp, bột mì và dầu ăn. Bulgaria tăng dự trữ ngũ cốc và có thể hạn chế xuất khẩu.
Hệ lụy nguy hiểm đến an ninh lương thực toàn cầu
Theo tờ The New York Times, việc các nước cấm xuất khẩu lương thực có thể là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực của các tổ chức quốc tế nhằm đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng về một nạn đói trên diện rộng.
Đầu tháng 5, ông Arif Husain, nhà kinh tế trưởng của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) - một chương trình viện trợ nhân đạo của Liên Hợp Quốc (LHQ), cho biết tổ chức này đang bàn bạc với Ấn Độ về việc sử dụng kho dự trữ của nước này nhằm giải quyết sự thiếu hụt lương thực hiện tại. Ông cũng nói rằng WFP đã kêu gọi các quốc gia không ban hành lệnh cấm xuất khẩu vì chúng có thể làm tăng giá thành các mặt hàng, giảm khả năng cung cấp và “hy vọng các nước sẽ lắng nghe”. Tuy nhiên, đến giữa tháng 5 thì Ấn Độ vẫn quyết định cấm xuất khẩu lúa mì, cho thấy quốc gia Nam Á đã ưu tiên bảo vệ an ninh lương thực trong nước.
Quyết định cấm xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ vấp phải sự chỉ trích gay gắt của nhóm bảy nền kinh tế lớn nhất thế giới (G7), rằng các biện pháp như vậy khiến giá lúa mì leo thang và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Ngay sau lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ, giá lúa mì trên thị trường thế giới tăng cao kỷ lục, theo đài RT. Cụ thể, giá lúa mì tăng lên mức 435 euro (453 USD)/tấn khi thị trường châu Âu mở cửa ngày 16-5 và đến nay vẫn tiếp tục dao động ở mức cao.
Theo Reuters, hiện các nhà nhập khẩu lúa mì ở châu Á đang nỗ lực tìm nguồn cung mới sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì nhằm ngăn giá lương thực trong nước leo thang.
Trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì thì nước này là lựa chọn thay thế cho nguồn cung từ Ukraine và Nga, đặc biệt là đối với lúa mì thức ăn chăn nuôi. Giờ thì các nhà nhập khẩu ở châu Á thậm chí đang phải tìm cách mua thêm lúa mì của Moscow, bất chấp các khó khăn trong thanh toán từ các lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng Nga và phí bảo hiểm vận chuyển cao hơn.
Lo ngại hệ lụy tiêu cực với an ninh lương thực toàn cầu, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield bày tỏ hy vọng “Ấn Độ sẽ xem xét lại” quyết định cấm xuất khẩu lúa mì vì chúng “sẽ khiến tình trạng thiếu lương thực toàn cầu hiện nay thậm chí còn tồi tệ hơn”, theo tờ Hindustan Times. Tại Diễn đàn kinh tế thế giới diễn ra tuần này ở Davos, Thụy Sĩ, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva cũng đã đưa ra lời kêu gọi tương tự. Tuy nhiên, Reuters ngày 26-5 dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal cho biết Ấn Độhiện chưa có kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm.•
LHQ kêu gọi Nga tạo điều kiện để Ukraine xuất khẩu ngũ cốc
LHQ ngày 18-5 đã có cuộc họp quy mô lớn về an ninh lương thực toàn cầu, theo hãng tin AFP. LHQ xác định các yếu tố góp phần dẫn đến nguy cơ mất an ninh lương thực là do nhiệt độ ấm lên, đại dịch COVID-19 và xung đột Nga - Ukraine, dẫn đến tình trạng thiếu ngũ cốc và phân bón nghiêm trọng.
Nga là nhà cung cấp phân bón hàng đầu thế giới. Nga và Ukraine sản xuất 30% nguồn cung lúa mì toàn cầu. Trước xung đột, Ukraine được coi là vựa nông sản của thế giới, xuất khẩu 4,5 triệu tấn mỗi tháng qua các cảng của nước này, tương đương 12% lúa mì của hành tinh, 15% bắp và 50% dầu hướng dương toàn cầu. Xung đột Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt kinh tế quốc tế đối với Nga đã làm gián đoạn nguồn cung phân bón, lúa mì và các mặt hàng khác từ cả hai nước, đẩy giá lương thực và nhiên liệu lên cao, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
Tại cuộc họp của LHQ, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Giám đốc Chương trình lương thực thế giới David Beasley thúc giục Nga tạo điều kiện để Ukraine nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc. Với việc các cảng Odessa, Chornomorsk và những cảng khác đang bị Nga kiểm soát, nguồn cung chỉ có thể di chuyển trên các tuyến đường bộ tắc nghẽn kém hiệu quả hơn nhiều. Ông Guterres cũng kêu gọi các nước tạo điều kiện để thực phẩm và phân bón của Nga “được tiếp cận đầy đủ và không hạn chế vào các thị trường thế giới”.