Vừa qua tại Trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn (ĐHQG HCM) diễn ra hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển chuỗi giá trị du lịch nông thôn Việt Nam".
Nhiều công trình nghiên cứu về các giải pháp phát triển chuỗi giá trị du lịch nông thôn tại Việt Nam được các diễn giả trình bày tại hội thảo. Trong đó nổi bật là công trình nghiên cứu “Kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm” của TS. Ngô Thị Thu Trang, giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn.
Trong công trình nghiên cứu của mình, TS. Ngô Thị Thu Trang cho rằng những năm gần đây, du lịch cộng đồng đang phát triển mạnh mẽ ở khu vực nông thôn. Tinh thần mong muốn làm du lịch đang thể hiện rõ trong cộng đồng địa phương ở nhiều nơi. Tuy nhiên, người nông dân chưa có kinh nghiệm làm du lịch, chưa đẩy mạnh quảng bá, sản phẩm du lịch bị trùng lặp.
“Chính vì vậy, làm thế nào để phát huy hết sức mạnh vùng miền, khơi dậy giá trị bản địa, hướng đến tương lai phát triển du lịch bền vững là những vấn đề quan trọng và cấp bách. Qua chương trình mỗi xã một sản phẩm, bộ tiêu chí dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch sẽ là công cụ cho lãnh đạo địa phương cùng các chủ thể cung cấp dịch vụ du lịch rà soát lại các hoạt động du lịch, thực hiện những giải pháp nâng cao chất lượng của dịch vụ du lịch trong cộng đồng” – TS. Ngô Thị Thu Trang chia sẻ.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm ở Việt Nam đã được các tỉnh triển khai gần 2 năm và đã đạt được những thành tích vượt bậc. Chương trình này còn giúp “đa dạng hóa” và “đặc thù hóa” sản phẩm du lịch cho từng địa phương.
Ngoài ra còn có một công trình nghiên cứu được TS. Ngô Thanh Loan, giảng viên khoa Du lịch Trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn trình bày tại hội thảo mang tên “Phát triển du lịch nông thôn từ các làng nghề truyền thống ở đồng bằng sông Cửu Long”.
Trong công trình này, TS. Ngô Thanh Loan chủ yếu chỉ ra những thách thức đối với vấn đề phát triển du lịch nông thôn gắn với làng nghề truyền thống. Một trong những thách thức lớn nhất đó là việc làm thế nào để bảo tồn nghề truyền thống trong tình trạng bị cạnh tranh bởi các sản phẩm thay thế và nghệ nhân không sống được với nghề.
Theo đó, TS. Ngô Thanh Loan đã đề xuất giải pháp kết hợp với những sản phẩm khác như du lịch ẩm thực, du lịch nông nghiệp,... tạo thành sản phẩm tích hợp để tăng tính đa dạng và hấp dẫn du khách. Từ hiện trạng phát triển làng nghề cho thấy có thể phát triển du lịch làng nghề theo nhiều kiểu mô hình kinh doanh khác nhau và từ đó làm cho sản phẩm du lịch trở nên khác biệt.