Học viện Báo chí và Tuyên truyền đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba

TH
Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đào tạo, bồi dưỡng cho đất nước hơn 70.000 cán bộ trong lĩnh vực lý luận chính trị, công tác tư tưởng, báo chí - truyền thông.

z3712717858054_0e97cb9852d8ad0470f791fbef4bd885_1

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thay mặt Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: NS.

Ngày 11/9, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập. Tại buổi lễ, thay mặt Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Trong suốt 60 năm qua, cùng với quá trình phát triển của đất nước, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đạt được nhiều dấu ấn quan trọng. Đặc biệt, trong công tác đào tạo, qua mỗi thời kỳ khác nhau đều đạt được những dấu ấn mang tính đột phá.

Trong giai đoạn phát triển mới, Học viện Báo chí và Tuyên truyền ngày càng phát triển mạnh mẽ về mọi phương diện, trở thành một trong những cơ sở đào tạo có uy tín cao trong hệ thống các trường Đảng và các trường đại học trong cả nước.

Theo PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí Báo chí và Tuyên truyền, trong 60 năm qua, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng cho đất nước hơn 70.000 cán bộ có trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ trong lĩnh vực lý luận chính trị, công tác tư tưởng, báo chí - truyền thông.

Trong đó, có hàng nghìn cán bộ nghiên cứu, giảng dạy lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở hệ thống các trường Đảng, các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở đào tạo của các tổ chức chính trị - xã hội và hàng nghìn phóng viên, biên tập viên, cán bộ làm công tác truyền thông, cán bộ quản lý ở các nhà xuất bản, các cơ quan báo chí, các cơ quan truyền thông trong cả nước.

Đội ngũ cán bộ do Học viện đào tạo, bồi dưỡng có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn cao, đã có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân ta. Nhiều người trong số đó đã trở thành các nhà khoa học đầu ngành, các nhà giáo có uy tín, các nhà báo, biên tập viên có tên tuổi… Không ít người đã trở thành cán bộ lãnh đạo cấp cao, cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước trong các ngành, các lĩnh vực ở Trung ương và các địa phương.

Hiện nay, Học viện đang đào tạo 41 ngành, chuyên ngành bậc đại học với quy mô tuyển sinh gần 2.400 sinh viên mỗi năm. Trong đó, có 35 chuyên trường chuẩn, 5 chương trình đào tạo chất lượng cao và 1 chương trình liên kết quốc tế; đào tạo 20 ngành, chuyên ngành bậc thạc sĩ, mỗi năm tuyển sinh trên 450 học viên; đào tạo 7 ngành tiến sĩ, mỗi năm tuyển sinh 50-70 nghiên cứu sinh.

Không chỉ đào tạo cán bộ trong nước, nhiều năm qua, Học viện còn đào tạo hàng nghìn sinh viên đại học, học viên cao học, thực tập sinh và nghiên cứu sinh đến từ các nước như Lào, Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc… theo các hiệp định song phương giữa Đảng, Chính phủ Việt Nam và các nước.

Năm 2018, Học viện chính thức được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học. Năm 2021, Học viện hoàn thành kiểm định đánh giá ngoài 4 chương trình đào tạo đại học. Hiện nay, Nhà nước đang tích cực chuẩn bị để hoàn thành việc kiểm định, đánh giá ngoài 7 chương trình đào tạo theo kế hoạch của năm 2022 và hoàn thành đánh giá, kiểm định toàn bộ các chương trình vào năm 2023. 

Đến nay, Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một trong số ít trường đại học trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và là cơ sở đào tạo đầu tiên trong hệ thống Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh được kiểm định và được công nhận đạt chuẩn chất lượng về cơ sở giáo dục.