Hội thảo tham vấn các giải pháp can thiệp dinh dưỡng ưu tiên khu vực đồng bằng sông Cửu Long

09/12/2023 21:40

Trong khuôn khổ Sáng kiến One CGIAR “Bảo vệ hệ thống thực phẩm tại các vùng đồng bằng lớn của Châu Á để đảm bảo sinh kế và thích ứng với khí hậu (AMD), Viện Dinh dưỡng Quốc gia cùng với Liên minh Bioversity và CIAT đồng tổ chức Hội thảo tham vấn các giải pháp can thiệp dinh dưỡng ưu tiên khu vực đồng bằng sông Cửu Long từ 08h00 – 13h00 ngày 08/12/2023 tại Cần Thơ nhằm chia sẻ các kết quả về tổng quan tài liệu, chính sách và dữ liệu có liên quan tới hệ thống nông-lương-thực đảm bảo dinh dưỡng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long tại Việt Nam.

z4958271092049-6ad0698951de27843a54c08d3174cc12-1702132576.jpg

Hội thảo có sự tham gia của 28 đại biểu đến từ Bộ NN&PTNTT, trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố, huyện và xã trực thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, sở nông nghiệp và PTNT thành phố Cần Thơ, các giảng viên thuộc trường Đại học Y dược Cần Thơ và Trường Kinh tế, Đại học Cần Thơ.

Phát biểu tại hội thảo, PGS Trương Tuyết Mai, Phó viện trưởng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tiếp cận và giải pháp liên ngành trong việc cải thiện dinh dưỡng cho người dân Việt Nam, đặc biệt mối liên hệ mật thiết giữa biến đổi khí hậu và tình trạng dinh dưỡng, cũng như vai trò chế độ ăn lành mạng trong việc giảm phát thải góp phần thực hiện các chiến lược quốc gia.

z4958271286145-47180cdab391f2ed2c5d0393ab0013e9-1702132578.jpg

Ông Phan Văn Tấn, văn phòng Chương trình không còn nạn đói, cục KTHT&PTNTT, Bộ NN&PTNT đã có bài tham vấn về cơ hội và thách thức về phát triển nông nghiệp đảm bảo lương thực, thực phẩm khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.

z4958271806796-a01570d5c44a3f284ddb267dfe379f85-1702132578.jpg

Bài trình bày của Bà Tuấn Thị Mai Phương, Viện Dinh dưỡng Quốc gia về diễn biến tiêu thụ thực phẩm và khẩu phần ăn cũng như tình trạng dinh dưỡng của người dân khu vực ĐBSCL đã chỉ ra tỷ lệ thừa cân và béo phì ở tất cả các nhóm tuổi (trẻ em, thanh thiếu niên, và người trưởng thành) ở khu vực có xu hướng gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Đồng thời, tỷ lệ thấp còi hay nhẹ cân và tỷ lệ tiêu thụ rau quả thấp ở các nhóm đối tượng này vẫn còn là thách thức cần phải giải quyết trong thời gian tới.

z4958271424526-092cfed10abfe47c7c427cacbf99b160-1702132578.jpg

Bà Dương Thị Thanh, Liên minh Bioversity và CIAT đã có bài chia sẻ về tổng quan các tài liệu và chính sách tại Việt Nam cũng như khu vực ĐBSCL về hệ thống nông-lương-thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng. Kết quả chỉ ra, các nghiên cứu về chủ đề này hiện còn rất hạn chế tại Việt Nam cũng như khu vực ĐBSCL. Các chính sách có liên quan tới hệ thống nông-lương-thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng tại Việt Nam cũng như khu vực ĐBSCL đã có, tuy nhiên việc thực thi ở cấp cơ sở còn gặp nhiều khó khăn.

z4958271639961-4d89f78088b4acc03e3755d2070bafa9-1702132578.jpg

Các đại biểu tham gia đã chia sẻ các khó khăn và thách thức trong việc triển khai các hoạt động lồng ghép dinh dưỡng và sản xuất nông nghiệp tại địa phương như nguồn nhân lực có kỹ năng, kiến thức và chuyên môn sâu về dinh dưỡng còn hạn chế, các nghiên cứu về môi trường thực phẩm xung quanh khu vực trường học còn hạn chế. Ngoài ra, việc sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn an toàn đòi hỏi nguồn kinh phí cao dẫn tới gia tăng giá cả thực phẩm, dễ dẫn tới hạn chế trong tiếp cận nhóm thực phẩm này ở nhóm người thu nhập thấp. Tại phiên thảo luận chung, các đại biểu đã đóng góp rất nhiều ý kiến tích cực cho việc xây dựng các can thiệp liên quan tới hệ thống nông-lương thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới. Tất cả đại biểu đều ủng hộ cách tiếp cận đa ngành, đa bên cũng như đồng thuận cùng tham gia vào hợp tác liên ngành trong thời gian tới nhằm giải quyết các thách thức liên quan tới hệ thống lương thực-thực phẩm và dinh dưỡng ở khu vực.

Minh Trí