“Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.”
Kỷ niệm 77 năm Hợp tác xã Việt Nam, xin gửi lời chúc mừng trân trọng, sẻ chia niềm vui, đan xen đôi điều trăn trở đối với sự phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trên cả nước. Mong rằng, các Hợp tác xã Nông nghiệp, thành viên Hợp tác xã, bà con nông dân, lãnh đạo các địa phương, cùng đội ngũ quản lý chuyên ngành, chuyên gia tư vấn sẽ tiếp tục tham gia đồng hành, dấn thân tạo dựng và phát huy nguồn lực tập thể, chung sức, đồng lòng trên mọi nẻo đường đất nước.
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Hợp tác xã Nông nghiệp không chỉ có bước tăng trưởng đáng ghi nhận về số lượng, mà còn thể hiện sự bứt phá, vươn lên, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, tích cực tham gia an sinh xã hội. Nhiều Hợp tác xã chủ động tiếp cận nông nghiệp số, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu. Nhiều Hợp tác xã tích cực liên kết với doanh nghiệp, kết nối thị trường tiêu thụ nông sản cho các thành viên ngay trong thời điểm đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhiều Hợp tác xã nhiệt tình tham gia đóng góp phù hợp với năng lực trong chuỗi ngành hàng: cung cấp giống, hướng dẫn quy trình sản xuất, ứng dụng sau thu hoạch, bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm OCOP. Nhiều Hợp tác xã thu hút được quản lý trẻ, năng động, giàu nhiệt huyết, sẵn lòng tiếp nhận tri thức, kỹ năng mới.
So với lịch sử hình thành và phát triển của Hợp tác xã trên toàn thế giới, Hợp tác xã tại Việt Nam có tuổi đời còn non trẻ. Ở giai đoạn tất cả vì mục tiêu hòa bình, thống nhất đất nước, Hợp tác xã Nông nghiệp Việt Nam từng phát triển mạnh mẽ. Song, khi bước vào thời kỳ mới, cách tiếp cận, cách thực hiện gắn với Hợp tác xã lại thiếu tính cập nhật, chưa phù hợp, ít nhiều bộc lộ biểu hiện nóng vội. Từ đó, Hợp tác xã rơi vào tình trạng “trầm lắng”, dẫn đến mô hình kiểu cũ được thay thế bằng mô hình kiểu mới. Nghị quyết 20-NQ/TW về phát triển kinh tế tập thể, lần nữa khẳng định vai trò không thể thay thế của Hợp tác xã, được xem là bước ngoặt cho phong trào Hợp tác xã cả nước.
Không chỉ là một thiết chế kinh tế đơn thuần, Hợp tác xã còn là tư tưởng phổ quát và cấp tiến. Đó là, hợp lực những thành viên có lợi thế riêng rẽ, khác nhau, để trở thành một thiết chế có lợi thế dựa vào quy mô lớn hơn, tối ưu hóa khả năng đóng góp, năng lực và lợi thế của mỗi thành viên. Đó là, sự hợp tác của những người cùng ngành nghề và những ngành nghề hỗ trợ, giúp tăng thêm khả năng cạnh tranh. Đó là, “tắt lửa tối đèn có nhau” từ nhu cầu cuộc sống thường ngày, đến phát triển và nâng cao năng lực cộng đồng. Với sứ mạng cao cả như vậy, nhiều quốc gia đã trở nên thịnh vượng, nhờ sự đóng góp vững chắc của Hợp tác xã. Tư tưởng về Hợp tác xã đã được đề cập nhiều lần trong những tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua các bài nói, bài viết, Bác Hồ lý giải, nhắc nhở về ý nghĩa, mục tiêu, giá trị của Hợp tác xã một cách gần gũi, bình dị, mà sâu sắc: “Hợp tác xã là hợp vốn, hợp sức với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít, mà ích lợi nhiều”.
Hợp tác xã có bền vững hay không, trước tiên dựa trên tinh thần hợp tác. Tinh thần hợp tác không chỉ quyết định bởi phân chia lợi ích cân bằng, mặc dù đây là điều kiện tiên quyết, mà còn dựa trên niềm tin lẫn nhau. Cơ chế hoạt động của Hợp tác xã dựa trên góp vốn, và về mặt nào đó, niềm tin cũng là “nguồn vốn đặc biệt”. Niềm tin có được đến từ năng lực lãnh đạo, bầu nhiệt huyết vì công việc chung của lãnh đạo Hợp tác xã. Niềm tin có được khi cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đủ khuyến khích mọi người tham gia vào Hợp tác xã. Niềm tin có được khi thu nhập, chất lượng sống của thành viên Hợp tác xã được nâng lên.
Thực tiễn tại nhiều quốc gia có Hợp tác xã phát triển cho thấy vai trò của người lãnh đạo, quản lý. Ngoài nhiệm vụ đảm trách là Giám đốc, còn là thủ lĩnh cộng đồng, có khả năng điều phối, quản trị trong ngắn hạn, hoạch định chiến lược dài hạn. Lãnh đạo Hợp tác xã có kỹ năng lập kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả để huy động nguồn vốn nội bộ và nguồn vốn tín dụng, nguồn lực từ đối tác. Lãnh đạo Hợp tác xã có kỹ năng diễn giải, thuyết phục nội bộ và thiết lập các mối quan hệ xã hội rộng rãi. Ông bà mình đã tổng kết “Tiền vô nhà khó như gió vô nhà trống”, không có kiến thức, thì dù có đủ nguồn lực cũng khó phát huy hiệu quả trong một thị trường nhiều sự cạnh tranh.
Được tiếp xúc, trao đổi, lắng nghe, tôi càng thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn, trăn trở từ nhiều lãnh đạo Hợp tác xã. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tham vấn ý kiến để trình Chính phủ ban hành Nghị quyết chuyên đề về Hợp tác xã Nông nghiệp, theo hướng hỗ trợ cho Hợp tác xã thích ứng với nền kinh tế thị trường, tham gia tích cực vào chuỗi ngành hàng. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ phải đủ rõ, dễ tiếp cận, thu hút được nguồn lực từ các tổ chức tín dụng, vốn của doanh nghiệp và của chính Hợp tác xã. Nâng cao năng lực, tri thức hoá đội ngũ lãnh đạo, quản lý và thành viên Hợp tác xã cũng là ưu tiên trong thời gian tới.
Tôi thực sự rất ấn tượng khi cấp uỷ, chính quyền nhiều địa phương rất quan tâm phát triển và nâng cao chất lượng Hợp tác xã. Bên cạnh việc ban hành nghị quyết, chương trình hành động xuyên suốt, nhiều địa phương quan tâm tổ chức đối thoại với lãnh đạo Hợp tác xã và trực tiếp đến thăm, làm việc với các Hợp tác xã trên địa bàn. Nhờ sự quan tâm sát sao như vậy, nhiều Hợp tác xã đã tiếp cận được tín dụng, đầu tư kho bãi, công nghệ bảo quản, chế biến, trụ sở làm việc, kết nối thị trường, nâng cao kiến thức cho thành viên Hợp tác xã. Điều đó cho thấy, một khi lãnh đạo địa phương thực sự đồng hành, vào cuộc, một số vướng mắc trong thực thi Luật Hợp tác xã có thể được tháo gỡ phần nào, trong khi chờ điều chỉnh phù hợp thể chế chung.
Dù một số địa phương thực hiện “dồn điền đổi thửa”, hình thành những cánh đồng lớn, câu lạc bộ đại điền, nhưng nhìn chung nông nghiệp vẫn trên quá trình thoát khỏi lời nguyền “manh mún, nhỏ lẽ, tự phát”. Đó là điểm nghẽn lớn nhất trong hiện thực hoá tư duy kinh tế nông nghiệp. Đang có nhiều tranh luận giữa tích tụ và tập trung đất đai, nhưng theo tôi, trong ngắn hạn có lẽ cần ưu tiên hơn mô hình tập trung đất đai, thông qua phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp. Có như vậy sẽ làm thay đổi nền nông nghiệp, như lời Bác Hồ: “Hợp tác xã Nông nghiệp là một cách làm cho nhà nông đoàn kết, làm cho nhà nông thịnh vượng. Hợp tác xã nông nghiệp giúp cho nhà nông đạt đến mục đích, đã ích nước lại lợi dân”.
Cùng với nhiều Hợp tác xã hiệu quả, thì còn nhiều Hợp tác xã còn bộc lộ không ít yếu kém, hoạt động chưa đúng tôn chỉ, mục đích. Giờ là lúc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cùng các địa phương cần phối hợp đưa ra các giải pháp phù hợp: giải thể, cũng cổ, kết nạp thêm thành viên, liên kết các Hợp tác xã, tiến tới thành lập Liên hiệp Hợp tác xã hay Hợp tác xã quy mô lớn hơn, hoạt động hiệu quả hơn. Giờ là lúc các địa phương cần ngồi lại phân tích điểm mạnh, điểm yếu từng Hợp tác xã, với từng giải pháp cụ thể, hành động cụ thể, thời gian cụ thể. Liên Hiệp Quốc đã nêu quan điểm về Hợp tác xã: “Hãy khôi phục lòng tin và khơi dậy hy vọng, chúng ta cần hợp tác, chúng ta cần đối thoại, chúng ta cần thấu hiểu”.
Khi và chỉ khi nhận thức thấu đáo về tư tưởng, ý nghĩa, vai trò quan trọng của Hợp tác xã trong phát triển nông nghiệp bền vững và đời sống xã hội, chúng ta mới có sự thôi thúc hành động một cách mạnh mẽ, nhất quán. Tư duy hệ thống và hành động hệ thống là “chìa khóa” quan trọng. Chúc Hợp tác xã Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục tạo ra dấu ấn thực sự, giúp hiện thực hoá Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững!
“Hợp tác xã. Hợp tác xã. Hợp tác xã. Hay không là gì cả!”