Khai thác tiềm năng dịch vụ để tăng trưởng

Kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 với mức tăng trưởng trên 8,0%, vượt xa mức trung bình 7,1% của cả giai đoạn 2016-2019. Tuy nhiên, đóng góp của khu vực công vào tăng trưởng còn hạn chế, nhu cầu toàn cầu yếu hơn dẫn đến xuất khẩu chậm lại, đồng thời tạo áp lực mới lên thị trường lao động.

Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và khu vực tài chính còn chịu nhiều áp lực song cán cân tài khóa vẫn có thặng dư. Những trở ngại trong nước và ở bên ngoài, đã làm tốc độ tăng trưởng GDP chậm lại, dự kiến chỉ đạt 6,3% trong năm 2023. 

Tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ ở mức vừa phải. Động lực tăng trưởng chính chủ yếu là từ  trong nước. Với nhu cầu bên ngoài yếu hơn, đóng góp của xuất khẩu ròng đã ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng. Chính sách tiền tệ linh hoạt, có sự phối hợp chặt chẽ của các mục tiêu trong chính sách tài khóa cũng là giải pháp thiết thực trong kiềm chế lạm phát.

Đánh giá về thực trạng kinh tế Việt Nam, giới phân tích cho rằng, nhìn chung, rủi ro và triển vọng phát triển ở thế cân bằng. Tăng trưởng yếu hơn diễn ra tại các thị trường xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền hung châu Âu. Khả năng lạm phát cao có thể ảnh hưởng đến thị trường trong nước. Việc thắt chặt tài chính toàn cầu có thể ảnh hưởng bất lợi đến hoạt đông tài chính, Việt Nam đang gặp những điểm yếu trong các doanh nghiệp, ngân hàng và hộ gia đình. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư và người tiêu dùng; những thách thức cũng cản trở việc thực hiện chương trình đầu tư công. Tuy nhiên, triển vọng cải thiện tăng trưởng của Trung Quốc, Mỹ và EU cung với nhu cầu toàn cầu cao ​​có thể giúp gia tăng xuất khẩu và tăng trưởng mạnh hơn.

Phân tích thực trạng nền kinh tế, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (W.B) tại Việt Nam Carolyn Turk nhận xét, Việt Nam còn dư địa để triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công là chìa khóa quan trong để tăng trưởng ngắn và dài hạn. Bà cho rằng, chính sách tài khóa, tiền tệ phải đồng bộ để đảm bảo hỗ trợ và ổn định kinh tế vĩ mô.

Từ góc nhìn W.B và thực trạng kinh tế Việt Nam, bài viết đề cập đến thúc đẩy hoạt động dịch vụ để không ngừng tăng trưởng.

Khái quát về tình hình kinh tế Việt Nam

Đại dịch Covid-19 và bất định gia tăng đã ảnh hưởng bất lợi đến triển vọng kinh tế toàn cầu. Năm năm 2022, thế giới phải tiếp tục vận lộn với tăng trưởng thấp và lạm phát cao. Kinh tế toàn cầu chỉ tăng 2,9%, trong đó, Hoa Kỳ và khu vực đồng Euro lần lượt chỉ đạt 1,9% và 3,3%. Những trở ngại của kinh tế toàn cầu còn tiếp tục kéo dài và tăng trưởng được dự báo sẽ giảm xuống mức 1.7% trong năm 2023.

nganh-dich-vu-2-1679730135.jpg

Ngành dich vụ và cơ hội việc làm

Nền kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ, đạt tăng trưởng trên 8,0% trong năm 2022. Tăng trưởng cao nhờ vào hiệu ứng xuất phát thấp, tiêu dùng tư nhân trong nước phục hồi mạnh và kết quả vững chắc của các hoạt động chế biến, chế tạo định hướng xuất khẩu. Về tổng thể, tiêu dùng tư nhân đóng góp 4,3 % (năm 2021 là 1,1%.), xuất khẩu ròng 2,7% cho tăng trưởng Cùng với tăng trưởng, việc làm và thu nhập của lao động đã được cải thiện, phục hồi về mức trước COVID-19 (50,6 triệu) và thu nhập của lao động (bình quân đạt 6.2 triệu đồng/tháng) đã cao hơn năm 2019. Thị trường lao động được cải thiện đã góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo từ 3,6% năm 2021 xuống còn 3,3% trong năm 2022.

Do nhu cầu toàn cầu yếu đi, gây sức ép lên thị trường lao động từ cuối quý 4 năm 2022; mặt khác, hoạt động kinh tế bị chững lại ở thị trường Hoa Kỳ và khu vực đồng tiền chung châu Âu khiến xuất khẩu sút giảm, đã tác động bất lợi đến việc làm tại các trung tâm chế tạo chế biến xuất khẩu chủ lực. Tỷ lệ thiếu việc làm tăng từ 1,92% lên 1,98%, riêng lao động phi chính thức có việc làm lại tăng từ 65% trong quý 3 lên 65,4% trong quý 4/2022.

Cán cân thanh toán có dấu hiệu yếu đi trong năm 2022. Tài khoản vãng lai ghi nhận thâm hụt ở mức 4,9 tỷ USD trong chín tháng đầu năm 2022 và dự kiến tiếp tục thâm hụt. Mặc dù cán cân thương mại hàng hóa ghi nhận có thặng dư 6,7 tỷ US$ trong ba quý đầu năm 2022, nhưng kim ngạch xuất khẩu đã lần lượt giảm 9% trong tháng 11, 14% trong tháng 12/2022 và cán cân thương mại dịch vụ thâm hụt  tới 6.9 tỷ USD.

Tuy giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cuối quý ba năm 2922, đạt 15,4 tỷ USD  nhưng thặng dư tài khoản tài chính lại giảm tới 7,5 tỷ USD. Tình hình xấu đi liên quan đến dòng vốn ngắn hạn rút ra do tác động thắt chặt tiền tệ ở Hoa Kỳ (ước tính khoảng 8 tỷ đôla), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ứng phó bằng cách kết hợp giữa can thiệp tỷ giá và thắt chặt tiền tệ. Can thiệp tỷ giá khiến dự trữ ngoại hối giảm khoảng 22 tỷ US$, chỉ còn tương đương khoảng ba tháng nhập khẩu vào cuối tháng 09 năm 2022.

Cùng với khó khăn tài chính, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng từ 1,8% trong tháng 12/2021 lên 4,5% trong tháng 12/2022. Lạm phát có nguyên nhân do yếu tố cung, giá dầu thô toàn cầu cao khiến cước phí vận tải tăng tới 21.4%, và đóng góp vào 60% mức tăng CPI cùng trong tháng 6, qua đó làm tăng giá các mặt hàng trong nước. Lạm phát được cộng hưởng bởi sức cầu trong nước phục hồi và tiêu dùng cá nhân gia tăng (từ 6.5% trong nửa đầu năm 2022 lên 9.5% trong nửa cuối năm ) đã tạo thuận lợi cho việc hồi phục nền kinh tế.

Sự kết hợp giữa các yếu tố bên trong và bên ngoài đã làm tăng tính bất định và biến động trong khu vực tài chính. Lạm phát toàn cầu, lãi suất gia tăng ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã tác động đến chính sách tiền tệ. Lãi suất trong nước gia tăng, làm niềm tin vào khu vực ngân hàng và thị trường vốn bị lay chuyển. Giá cổ phiếu giảm khoảng 32,8% và bình quân lợi tức trái phiếu chính phủ tăng 3.24% trong năm 2022 khiến các ngân hàng nhỏ bị ảnh hưởng bởi thanh khoản thắt chặt và dòng tiền đầu tư hướng vào tài sản chất lượng gặp quan ngại về độ an toàn. Tuy các cấp thẩm quyền đã hành động kịp thời để xử lý, nhưng những sự kiện này đã bộc lộ rõ hơn nguy cơ dễ bị tổn thương trước những yếu kém trong giám sát và quản trị doanh nghiệp.

Chủ trương mở rộng chính sách tài khóa bị ảnh hưởng do những thách thức phát sinh trong quá trình thực hiện ngân sách. Mặc dù Chính phủ dự toán bội chi ở mức 4,2% GDP, nhưng ngân sách lại bội thu, ước tính ở mức 1,4% GDP trong năm 2022. Đấu thầu chậm cùng các vấn đề liên quan đến thu hồi đất dẫn đến triển khai đầu tư công thấp và bội thu ngân sách. Chi phí vốn bị ảnh hưởng bởi quy trình chuẩn bị dự án kéo dài và quản lý hợp đồng cứng nhắc. Dự toán chi được xác định ở mức 18,8% GDP cho cả năm, trong khi thực chi ước đạt 17,5% GDP. Nhờ bội thu ngân sách và tăng trưởng cao, nợ dự kiến giảm từ 39,3% GDP trong năm 2021 xuống còn 35,7%, thấp hơn so với ngưỡng nợ Quốc hội đề ra. Triển vọng trong ngắn hạn thuận lợi, nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro. Do khó khăn trong nước và bên ngoài còn lâu dài, GDP dự kiến chỉ tăng 6,3% trong năm 2023.

Mặc dù du lịch được phục hồi nhưng tăng trưởng khu vực dịch vụ chậm lại. Do lạm phát có thể tăng cao, nhu cầu trong nước bị ảnh hưởng khiến sức mua của hộ gia đình bị xói mòn trong điều kiện sức cầu bên ngoài yếu đi, đóng góp từ xuất khẩu ròng vào tăng trưởng được dự đoán năm 2023 sẽ giảm 0.6%.

Mặc dù còn những hạn chế, song nền kinh tế vẫn được hưởng lợi từ việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai hợp phần đầu tư trong chương trình hỗ trợ phục hồi với quy mô khoảng 1,6% GDP. Theo đó, tài khoản vãng lai sẽ có thặng dư ở mức 0.1% GDP sau khi xuất khẩu hàng hóa được phục hồi, du khách nước ngoài quay lại và nguồn kiều hối đứng vững. Nền kinh tế trong trung hạn có nhiều khả năng tiếp tục phát triển đi lên. Theo đó, năm 2023 sẽ tăng GDP  6,3% và giữ được mức tăng 6,5% trong năm 2024 và 2025 (bảng 1)

Bảng 1. Một số chỉ số kinh tế Việt Nam, 2020-2025

Đơn vị %

Chỉ số

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

Tăng trưởng GDP(%)

2,9

2,6

8,0

6,3

6,5

6,5

Giá tiêu dùng CPI (%)

3,2

1,8

3,1

4,5

3,5

3.0

Tài khoản vãng lai (%GDP)

4,3

-1,0

-1,7

-0,3

0,1

0,1

Cân đối tài khóa (%GDP)

-2,9

-3,4

1,4

-0,3

0,8

1,4

Nợ công (% GDP) Bộ TC

43,7

42,7

38,0

39,0

 

 

Nợ công (% GDP) W.B

41,3

39,3

35,7

35,0

33,2

31,0

Nguồn W.B 2023

Theo các nhà phân tích, rủi ro và triển vọng khá cân bằng. Mặt tiêu cực là, tăng trưởng yếu hơn ở các thị trường chủ lực là Hoa Kỳ, Trung Quốc và khu vực đồng Euro có thể ảnh hưởng đến viễn cảnh xuất khẩu. Lạm phát kéo dài tại Hoa Kỳ và khu vực đồng Euro có thể dẫn đến điều kiện huy động bị thắt chặt sẽ ảnh hưởng đến khu vực tài chính. Căng thẳng địa chính trị ở mức cao, có thể ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư trong ngắn và trung hạn. Nhìn vào trong nước, giá tăng liên tục gây lạm phát truyền áp lực đến mức lương danh nghĩa, chi phí sản xuất theo hướng gây mất ổn định và ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước. Những yếu kém trong chính sách, giám sát tài chính cũng như cân đối tài sản doanh nghiệp, ngân hàng và hộ gia đình có thể làm gia tăng rủi ro, qua đó ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng và nhà đầu tư trong nước. Khó khăn thực hiện cũng ảnh hưởng đến kết quả triển khai chương trình đầu tư công. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU và nhu cầu toàn cầu tăng cao có thể giúp đẩy mạnh xuất khẩu và theo đó, tăng trưởng kinh tế có thể vượt mức dự báo.

Khó khăn cả trong nước và bên ngoài đòi hỏi các cấp thẩm quyền phải có những phản ứng chính sách theo cách phối hợp kịp thời và vị thế của chính sách tài khóa tạo thuận lợi là cách phòng vệ hiệu quả rủi ro.

Theo W.B, Việt Nam còn dư địa tài khóa để hành động. Trong ngắn hạn, trọng tâm cần nhằm vào triển khai dự toán chi đầu tư, bao gồm các dự án được xác định trong gói chính sách hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng, ưu tiên đầu tư cho hạ tầng số và cơ sở vật chất. Chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với các mục tiêu tài khóa có thể giúp kiểm soát được lạm phát trong nước. Sau các biện pháp thắt chặt, chính sách tiền tệ cần cân đối giữa các mục tiêu lạm phát với ổn định tài chính và tăng trưởng. Mặc dù tăng lãi suất là cần thiết để kiềm chế áp lực tỷ giá, nhưng đảm bảo thanh khoản đầy đủ cũng là nội dung quan trọng để đảm bảo các thị trường tài chính vận hành trơn tru.

Nhìn từ bên ngoài, chính sách tiền tệ thắt chặt ở Hoa Kỳ và những nền kinh tế phát triển có thể hút vốn đầu tư bị ra khỏi Việt Nam. Trong trường hợp này, nâng cao tính linh hoạt trong điều hành tỷ giá có thể giúp đối phó được với áp lực bên ngoài. Việc tăng cường khung chính sách và giám sát đối với khu vực tài chính sẽ giúp giải quyết các rủi ro tài chính. Thiếu minh bạch thông tin và dữ liệu về khu vực ngân hàng có thể gây bất định và biến động trên thị trường. Trong những cải cách được triển khai với cách tiếp cận chủ động, tích cực của Chính phủ cần có thời gian sửa đổi những văn bản pháp lý nền tảng và thay đổi các thông lệ vốn đã tồn tại lâu trong môi trường pháp lý.

Tiềm năng tăng trưởng và việc cần làm đối với ngành dịch vụ

Dịch vụ ở Việt Nam đã trở thành một ngành lớn trong nền kinh tế. Ghi nhận gần đây cho thấy, trong giai đoạn 2019 -2019, tỷ trọng trong GDP đã từ 40,7% tăng lên 44,6% và tỷ trọng việc làm cũng từ 29,6% tăng lên 35,3% trong cùng thời gian.

Là ngành có việc làm lớn nhất, ngành dịch vụ đã hấp thụ đáng kể nguồn lực lao động từ ngành nông nghiệp chuyển sang. Tuy nhiên, năng suất lao động và hiệu quả việc làm vẫn còn quá thấp, thấp hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực. Năng suất lao động đo bằng giá trị gia tăng năm 2019 mới đạt 5.000 USD, thấp hơn so với Malaysia 20.900 USD, Philippines 9.300 USD và Indonesia 7.300 USD (W.B 2023).

nganh-dich-vu-3-1679730135.jpg

Du lịch Việt Nam tiềm năng và cơ hội phát triển

Nghiên cứu sự phát triển kinh tế toàn cầu cho thấy, những nền kinh tế lớn đều có khu vực dịch vụ và việc làm mang lại giá trị gia tăng cao. Tất cả những nền kinh tế thu nhập cao đều có đặc trưng cơ bản là sở hữu một khu vực dịch vụ lớn, là nơi thu hút việc làm và tạo giá trị gia tăng, đóng vai trò thiết yếu để nâng cao năng suất cho nền kinh tế. Vào năm 2019, dịch vụ  theo giá trị gia tăng chiếm 70.8% GDP của Singapore và 57.2% ở Hàn Quốc. Tỷ lệ lao động trong ngành dịch vụ ở các quốc gia này, lần lượt chiếm 84% và 70% tổng số lao động. Ngoài ra, dịch vụ còn đóng vai trò quan trọng nhằm nâng cấp mô hình phát triển, qua nâng cao giá trị gia tăng ở mọi ngành và lĩnh vực trong nền kinh tế.

Hiện nay, quy mô doanh nghiệp Việt Nam đang bị hạn chế về thương mại dịch vụ, khả năng ứng dụng công nghệ và thiếu tính liên ngành. Những hạn chế này, đã ảnh hưởng nặng nề đến năng suất lao động. Nếu khai thác hợp lý, dịch vụ Việt Nam sẽ giữ được vai trò quan trọng trong hỗ trợ tăng trưởng để trở thành nước có thu nhập cao. Làm thế nào để khuyến khích đổi mới sản phẩm, quy trình và áp dụng công nghệ tiến bộ ở cấp doanh nghiệp? Và bằng cách nào để các chính sách có thể giúp tăng cường kỹ năng làm việc và năng lực lao động để nâng cao năng suất là vấn đề lớn đặt ra.

Quy mô nhỏ của các doanh nghiệp Việt Nam đang hạn chế khả năng thương mại và dịch vụ, công nghệ thấp và thiếu liên kết, liên ngành đã ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất. Ngành dịch vụ đang bị chi phối bởi các doanh nghiêp quy mô nhỏ. Kết quả khảo sát ứng dụng công nghệ ở cấp doanh nghiệp (Firm-Level Adoption of Technology - FAT) cho thấy các công ty dịch vụ ở trình độ trung bình và cận biên đều có khoảng cách khá xa so với các  doanh nghiệp toàn cầu về công nghệ. Doanh nghiệp chế biến, chế tạo còn nhiều hạn chế trong sử dụng dịch vụ. Giá trị dịch vụ đầu vào trong nước chỉ chiếm 14%, có 1,6% tổng số công ty chế biến chế, tạo sử dụng dịch vụ mang tính đổi mới sáng tạo. Cải cách chính sách sẽ mở ra khả năng để khu vực này đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Trên cơ sở phân tích về chủ đề đặc biệt này có thể rút ra, trước hết cần giảm hơn nữa những hạn chế về thương mại dịch vụ trong đầu tư. 

Chỉ số hạn chế thương mại dịch vụ (STRI) của OECD cho thấy, những dịch vụ chủ chốt như viễn thông, kho vận (logistics), hàng không, dịch vụ pháp lý, ngân hàng, và bảo hiểm đang phải đối mặt với nhiều rào cản, nhưng chưa có tiến triển trong việc loại bỏ hoặc hạ thấp những hạn chế này. Vận tải hàng hóa, vốn đầu tư nước ngoài bị giới hạn theo nhiều cách khác nhau, cả trong vận tải hàng hóa đường bộ và đường thủy nội địa, đòi hỏi các cấp thẩm quyền cần cân nhắc để: (i) giảm rào cản gia nhập của vốn FDI và (ii) thực hiện cải cách về môi trường kinh doanh để nâng cao sức cạnh tranh và khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp trong nước.

Đánh giá của Ngân hàng Thế giới về chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (STI) cho thấy, nhà nước đã có sự quan tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo dựa trên nghiên cứu phát triển của nước ngoài và Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy đội ngũ tiên phong về công nghệ bằng cách hỗ trợ các trường đại học và viện nghiên cứu trong nước. Thời gian tới, sẽ là hữu ích nếu giải quyết được vấn đề đặt ra như: (i) Chính sách STI ưu đãi hiện đang thiên về tài trợ cho cơ quan nghiên cứu & phát triển (R&D) trong nước. Cần tập trung để nâng cấp năng lực doanh nghiệp thông qua áp dụng và khuếch tán công nghệ thích hợp; (ii) những công cụ chính sách có thể hỗ trợ chuyển giao kiến thức và công nghệ hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME); (iii) Chính sách và công cụ tài trợ cần hướng vào hỗ trợ cho số lớn doanh nghiệp đổi mới sản phẩm, nâng cấp quy trình và áp dụng  công nghệ tiến bộ.

Theo hướng đi này, nội dung quan trọng cần tập trung là tăng cường kỹ năng cho người lao động, năng lực của các công ty và nhà quản lý.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để các nhà hoạch định chính sách có thể hỗ trợ nâng cấp được các kỹ năng, năng lực và thực tiễn quản lý? Tổ chức nào sẽ thúc đẩy được chương trình cải cách và cung cấp nguồn lực cho việc đào tạo? Theo đó, quan hệ đối tác giữa các đại học với doanh nghiệp nhất là khu vực tư nhân để tăng cường đào tạo là việc cấp bách cần làm.

Khai thác dịch vụ, thúc đẩy tăng trưởng cao ở các ngành, lĩnh vực vực khác nhau  đặc biệt trong công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ đóng vai trò quan trọng để đưa công nghệ mới và đổi mới sáng tạo vào các hoạt động sản xuất kinh doanh./.