Khoảng 1.400ha cây trồng bị ngã, đổ, ngập nước do bão Noru

Gần 1.400ha lúa, rau màu tại khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên bị ngã, đổ, ngập nước do ảnh hưởng của bão Noru.

Theo Cục Quản lý công trình Thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi – Bộ NN-PTNT), tính đến 16h ngày 28/9, khu vực Trung bộ và Tây Nguyên còn khoảng 212.577ha lúa chưa thu hoạch, chiếm khoảng 29% diện tích gieo trồng vụ hè thu, mùa 2022.

Trong đó, khu vực Bắc Trung bộ diện tích chưa thu hoạch khoảng 47.500ha/320.000ha gieo trồng, chiếm 14,8%. Diện tích chưa thu hoạch khu vực Nam Trung bộ là 48.728ha/266.857ha gieo trồng, chiếm 18,3%. Tại khu vực Tây Nguyên, diện tích lúa chưa thu hoạch là 116.349ha/147.525ha, chiếm 78,9%.

Nông dân huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) gặt lúa chạy lũ do ảnh hưởng của bão số 4. Ảnh: Minh Qúy.

Nông dân huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) gặt lúa chạy lũ do ảnh hưởng của bão số 4. Ảnh: Minh Qúy.

Do ảnh hưởng của bão Noru, vùng Nam Trung bộ có khoảng 431ha (lúa 90ha, 341ha rau màu) bị ngã đổ, ngập nước, gồm TP Đà Nẵng 79ha, tỉnh Quảng Ngãi 262ha, tỉnh Bình Định 90ha (các địa phương khác đang trong quá trình thống kê).

Tại khu vực Tây Nguyên có khoảng 962ha cây trồng bị ảnh hưởng (lúa 270,5ha, cây trồng khác 692ha), gồm các tỉnh Kon Tum 262ha, Gia Lai 700,5ha (các địa phương khác đang trong quá trình thống kê).

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Công trình Thủy lợi cho biết, Tổng cục Thủy lợi tiếp tục đôn đốc các địa phương thực hiện các nội dung Công điện số 1518/CĐ-TCTL-QLCT ngày 25/9/2022 về việc bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đề phòng ảnh hưởng của bão số 4 tại các tỉnh khu vực Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và Gia Lai, Kon Tum.

Liên quan đến tình hình các hồ chứa thủy lợi, tính đến chiều ngày 28/9, tại khu vực Nam Trung bộ, lượng nước trữ các hồ chứa trung bình đạt 39% - 93% dung tích thiết kế. Trong đó tỉnh Quảng Nam 55% (tăng 10% so với ngày 27/9), Quảng Ngãi 48% (tăng 6%), Bình Định 39% (tăng 16%), Phú Yên 42%, Khánh Hòa 70%, Ninh Thuận 65%, Bình Thuận 86%. Một số hồ chứa đang tích nước cao như: Suối Trầu (Khánh Hòa) 106%, Tân Giang (Ninh Thuận) 99%...

Đối với một số hồ chứa lớn vẫn còn dung tích để trữ lũ. Trong đó, hồ Nước Trong mực nước vào khoảng 115,67/129,5m (mực nước dâng bình thường), tăng so với ngày 27/9 là 2,13m. Q đến (lượng nước đến hồ) là 531m3/s trong khi Q xả là 42,3m3/s. Hồ còn 137 triệu m3 để trữ lũ.

z3756690087223_e73e0c7656663a753a5cdb0557aeec4c-124136_420

Nhiều diện tích hoa màu của tỉnh Quảng Ngãi bị vùi dập do bão số 4. Ảnh: TL.

Tại hồ Phú Ninh, mực nước hiện tại là 24,25/32m (mực nước dâng bình thường), tăng so với ngày 27/9 là 2,1m. Hồ còn 202 triệu m3 để trữ lũ.

Mực nước dâng ở hồ Bình Định là 66,9/91,93m (mực nước dâng bình thường), giảm so với ngày 27/9 là 4,68m, hồ còn 203 triệu m3 để trữ lũ.

Trước đó, ngày 25/9, Tổng cục Thủy lợi đã có công điện hỏa tốc gửi sở NN-PTNT các tỉnh/thành khu vực Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên; ban quản lý dự án các tỉnh, thành phố đang quản lý dự án sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi; các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Cửa Đạt, Tả Trạch đề nghị triển khai các phương án bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đề phòng ảnh hưởng của bão số 4 (Noru).

Theo đó, các đơn vị chủ động theo dõi chặt chẽ thông tin thời tiết, dự báo mưa, bão của các cơ quan chuyên ngành khí tượng thủy văn, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN-PTNT và chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền để thực hiện phương án bảo đảm an toàn, vận hành công trình thủy lợi tiêu nước bảo đảm phục vụ sản xuất, dân sinh khi có ngập lụt, úng xảy ra.

Các đơn vị khoanh vùng diện tích cây trồng có nguy cơ bị ngập lụt, úng và chuẩn bị giải pháp ứng phó phù hợp. Đồng thời, chủ động vận hành sớm các công trình thủy lợi để tiêu thoát nước đệm, tiêu úng, bảo đảm giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra ngập lụt, úng. Đồng thời triển khai thực hiện phương án bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đặc biệt quan tâm an toàn các hồ chứa nước đang thi công, hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đầy nước và đang có mức trữ nước cao.