Kiều bào đồng hành cùng dân tộc trong “Kỷ nguyên vươn mình”

Trong hành trình "vươn mình" đầy khát vọng của dân tộc Việt Nam, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn là một phần không thể tách rời, một mạch nguồn sức mạnh quan trọng. Từ lời dặn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến những đóng góp thiết thực qua các thời kỳ và những đánh giá, kỳ vọng của các lãnh đạo cấp cao hiện nay, vai trò của kiều bào đã và đang được khẳng định mạnh mẽ, là yếu tố then chốt để đất nước ta đạt được những mục tiêu phát triển trong kỷ nguyên mới.

Kiều bào luôn đồng hành với vận mệnh của dân tộc

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Cha già kính yêu của dân tộc, luôn dành tình cảm đặc biệt và sự quan tâm sâu sắc đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Ngay từ những ngày đầu bôn ba tìm đường cứu nước, Bác đã sớm nhận thấy vai trò và tiềm năng của kiều bào. Lời dặn của Người vẫn vẹn nguyên giá trị đến ngày nay: "Kiều bào ta ở xa Tổ quốc, nhưng tấm lòng vẫn hướng về Tổ quốc. Đồng bào ta dù ở đâu, làm gì, cũng phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau và luôn hướng về Tổ quốc, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước."

927-1512-1752759017.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh đón kiều bào ở Thái Lan về nước chuyến đầu tiên tại cảng Hải Phòng, ngày 10/1/1960. Ảnh tư liệu

Lời dặn này không chỉ là lời kêu gọi về tình cảm mà còn là kim chỉ nam cho hành động, hun đúc tinh thần yêu nước, đoàn kết và cống hiến trong mỗi người con xa xứ. Bác cũng thường nhấn mạnh "Sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng", khẳng định sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc, bao gồm cả kiều bào, trong mọi công cuộc dựng xây và bảo vệ đất nước.

Thấm nhuần lời dặn của Bác, kiều bào Việt Nam đã không ngừng cống hiến cho Tổ quốc qua từng giai đoạn lịch sử.  Xuyên suốt lịch sử dân tộc, kiều bào Việt Nam luôn thể hiện vai trò là một phần máu thịt không thể tách rời, có những đóng góp bền bỉ và vô cùng quý báu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong thời kỳ kháng chiến giải phóng dân tộc, dù cuộc sống nơi đất khách gặp nhiều khó khăn và địa vị pháp lý bấp bênh, kiều bào vẫn luôn là điểm tựa vững chắc cho cách mạng. Họ không ngừng che chở, ủng hộ tài chính và vật chất, tích cực tham gia các phong trào yêu nước như "Nắm gạo nuôi quân" hay "Nở hoa diệt Mỹ" ở Thái Lan. Nhiều trí thức, kỹ sư, bác sĩ kiều bào đã gác lại cuộc sống đủ đầy ở nước ngoài để tình nguyện trở về trực tiếp tham gia xây dựng hậu phương và chiến đấu. Trên mặt trận đấu tranh chính trị và ngoại giao, kiều bào cũng đã tích cực vận động quốc tế ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của Việt Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Hiệp định Paris. 

Bước sang kỷ nguyên Đổi mới và hội nhập, vai trò của kiều bào ngày càng đa dạng và thiết thực, trở thành một đòn bẩy quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Dòng kiều hối không ngừng tăng lên, ước tính đạt 16 tỷ USD vào năm 2024, trở thành nguồn lực ngoại tệ quan trọng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy đầu tư phát triển. Ngoài ra, kiều bào còn đầu tư trực tiếp hàng tỷ USD vào các dự án FDI, mang theo không chỉ vốn mà còn cả công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến.

Kiều bào còn là nguồn “chất xám không biên giới" rất cần thiết cho đổi mới sáng tạo. Với hàng triệu trí thức, chuyên gia làm việc tại các tổ chức hàng đầu thế giới (điển hình như kỹ sư Lê Viết Quốc tại Google Brain, TS Trần Ngọc Phúc với máy trợ thở Hummingbird), họ mang về những tri thức, công nghệ hiện đại, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhiều kiều bào đã tham gia tư vấn chính sách, giảng dạy, và hợp tác nghiên cứu trong các lĩnh vực chiến lược như trí tuệ nhân tạo (AI), kinh tế xanh, và kinh tế tuần hoàn.

Không chỉ về kinh tế và trí tuệ, kiều bào còn là cầu nối văn hóa và quảng bá hình ảnh "Việt Nam - Đất nước - Con người" ra thế giới. Họ là những "đại sứ nhân dân" thầm lặng, miệt mài gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa Việt Nam thông qua các lễ hội truyền thống, các lớp học tiếng Việt, và nhiều hoạt động giao lưu văn hóa khác. Nhờ đó, họ góp phần quan trọng trong việc quảng bá du lịch và xây dựng hình ảnh một Việt Nam năng động, phát triển.

Cuối cùng, sự hội tụ tinh thần đoàn kết và trách nhiệm xã hội của kiều bào là nhân tố không thể thiếu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong những lúc đất nước gặp khó khăn như thiên tai hay đại dịch COVID-19, kiều bào luôn thể hiện tinh thần "lá lành đùm lá rách", tích cực quyên góp và hỗ trợ đồng bào trong nước.

Đồng thời, họ cũng chung tay xây dựng cộng đồng vững mạnh nơi xứ người. Đặc biệt, nhiều kiều bào đã chủ động thành lập các quỹ, câu lạc bộ, tổ chức hội thảo và triển lãm để tuyên truyền về chủ quyền biển đảo Việt Nam, huy động nguồn lực hỗ trợ quân dân Trường Sa, góp phần nâng cao nhận thức quốc tế về vấn đề này.

Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao vai trò của kiều bào

Đến nay đã có trên 6 triệu kiều bào sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, số người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 10%, tương đương 600.000 người. Ở hầu hết các địa bàn có người Việt sinh sống đều đã thành lập tổ chức hội, đoàn. Các hội doanh nhân, hội chuyên gia, trí thức người Việt thường xuyên có các hoạt động kết nối với trong nước, tạo thành một mạng lưới rộng khắp, liên kết người Việt cả ở trong và ngoài nước. Trong vòng hơn 30 năm qua, tổng lượng kiều hối chuyển về trong nước đạt hơn 200 tỷ USD, tương đương với lượng giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng kỳ. Tính đến hết năm 2023, kiều bào đã đầu tư 421 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD; cùng với đó là hàng nghìn doanh nghiệp có vốn đầu tư của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã luôn khẳng định và đánh giá rất cao vai trò của kiều bào, xem họ là một nguồn lực chiến lược cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Điều này thể hiện sự trân trọng vào cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong công cuộc phát triển đất nước.

tong-bi-thu-to-lam-tiep-doan-100-kieu-bao-tieu-bieu-tham-du-xuan-que-huong-2025-4-6232-794jpg-1752759232.webp
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn kiều bào tiêu biểu về quê đón Tết cổ truyền và tham dự chương trình “Xuân Quê hương 2025”. Ảnh: Báo Nhân Dân

Điển hình, tại cuộc gặp kiều bào tiêu biểu dự Chương trình Xuân Quê hương 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã bày tỏ niềm tự hào về sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng của cộng đồng kiều bào. Tổng Bí thư nhấn mạnh khát vọng chung của dân tộc: "Đích đến của kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu."

Ông khẳng định Đảng và Nhà nước "hết sức trân trọng những đóng góp quý báu" của kiều bào, đồng thời cam kết "không ngừng hoàn thiện các chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con kiều bào về nước sinh sống, đầu tư hợp tác và cống hiến." Tổng Bí thư cũng bày tỏ mong muốn kiều bào "không chỉ về thăm quê mà còn có thể đóng góp trí tuệ, nguồn lực, kinh nghiệm" xây dựng đất nước.

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: "Trong thành tựu chung của đất nước có sự đóng góp rất quan trọng của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, dù xa quê nhưng luôn hướng về quê hương, đất nước." Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh vai trò của kiều bào là "cầu nối giữa các nước với Việt Nam, và giữa Quốc hội với nghị viện các nước," đồng thời thông tin về việc Quốc hội đã ban hành nhiều luật nhằm tạo thuận lợi tối đa cho kiều bào.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng nhấn mạnh vai trò của kiều bào trong việc "xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc," khẳng định Nghị quyết 36-NQ/TW là văn kiện lịch sử, thấm đẫm truyền thống nhân ái và bao dung của dân tộc.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, nhận định chủ đề Chương trình Xuân Quê hương 2025 "Việt Nam - Vươn lên trong kỷ nguyên mới" đã truyền tải rõ thông điệp về khát vọng phát triển mạnh mẽ của dân tộc, với nhân dân trong nước và kiều bào ở nước ngoài cùng một lòng phấn đấu, đoàn kết và quyết tâm đưa đất nước bước vào giai đoạn mới – kỷ nguyên vươn mình.

ttxvn-thu-tuong-gap-dai-dien-chuyen-gia-tri-thuc-kieu-bao-tai-phap-jpg-06583414628608230067572-1752760151.webp
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ đại diện chuyên gia, trí thức kiều bào tại Pháp. Ảnh TTXVN

Mới đây, nhân dịp dự Hội nghị Đại dương Liên hợp quốc lần thứ 3 và tiến hành hoạt động song phương với Cộng hoà Pháp, chiều 10/6/2025, tại thủ đô Paris, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có buổi gặp gỡ, làm việc để lắng nghe chia sẻ và các ý kiến, đề xuất, hiến kế của đại diện chuyên gia, trí thức kiều bào Việt Nam tại Pháp. Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước ghi nhận, trân trọng cảm ơn các chuyên gia, trí thức với tâm huyết, trí tuệ, một lòng hướng về đất nước, nhất là trong thời điểm cả nước đang thúc đẩy tăng tốc, bứt phá, vươn mình phát triển. Thủ tướng Chính phủ mong muốn trong thời gian tới khi cả dân tộc bước vào kỷ nguyên vươn mình, các trí thức, chuyên gia tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ cho đất nước, nhất là về tư vấn lựu chọn công nghệ; xây dựng các tiêu trí, tiêu chuẩn; xây dựng hệ sinh thái đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực năng lượng nguyên tử, chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, đường sắt…

Những lời khẳng định này từ các lãnh đạo cấp cao thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước về vị thế và tiềm năng to lớn của kiều bào. Cộng đồng kiều bào không chỉ là đối tượng được quan tâm mà còn là chủ thể tích cực, đồng hành cùng dân tộc vượt qua mọi thách thức, hiện thực hóa khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và có uy tín trên trường quốc tế.

Kiều bào trong “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”

Những tâm tư, nguyện vọng của kiều bào trên khắp thế giới đã và đang cho thấy sự đồng điệu sâu sắc với khát vọng chung của dân tộc Việt Nam trong “kỷ nguyên vươn mình”. Cộng đồng người Việt xa xứ không chỉ là những người con nặng lòng với quê hương, mà còn là lực lượng tích cực, sẵn sàng chung tay xây dựng đất nước phồn vinh.

Cụ thể, ông Trần Hải Linh, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam – Hàn Quốc, bày tỏ niềm vui và vinh dự khi tham gia Chương trình Xuân Quê hương 2025. Ông coi đây là cơ hội quý báu để gặp gỡ, giao lưu, và nắm bắt những thành tựu cũng như định hướng phát triển của đất nước. Ông Linh chia sẻ sự hào hứng, phấn khởi của mình cùng với kiều bào khi chứng kiến quê hương ngày càng lớn mạnh, khẳng định: "Mỗi chúng tôi có những cảm nhận riêng, nhưng đều hòa chung vào sự hào hứng, phấn khởi và vui mừng của nhân dân ở trong nước cũng như kiều bào ở nước ngoài khi chứng kiến quê hương, đất nước ngày càng phát triển và lớn mạnh hơn.

2-1737288402327-1752760540.webp

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp gỡ 100 đại biểu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới về quê hương cùng chung vui đón chào Xuân mới Ất Tỵ 2025.

Trong kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên mới của dân tộc, mỗi kiều bào chúng tôi đều mang trong mình tâm thế sẵn sàng đóng góp trí lực để phát triển đất nước." Ông cũng bày tỏ hy vọng về những chính sách ngày càng mở, thông thoáng nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, đồng thời tái khẳng định kiều bào "luôn là bộ phận không thể tách rời của dân tộc."

Không chỉ dừng lại ở mong muốn đóng góp, nhiều kiều bào đã và đang đưa ra những sáng kiến cụ thể. Điển hình, ông Lê Văn Hóa, kiều bào Hoa Kỳ, Giáo sư, Tiến sĩ vật lý hạt nhân và Chủ tịch Quỹ Việt - Mỹ, đã đề xuất về điện hạt nhân như một giải pháp quan trọng nhằm cải thiện chất lượng không khí và hướng tới mục tiêu Net Zero. Đề xuất này thể hiện rõ sự quan tâm của giới trí thức kiều bào đến những vấn đề chiến lược, mang tầm vóc quốc gia.

Bên cạnh đó, bà Trần Thị Chang, Chủ tịch Hội Hữu nghị Malaysia - Việt Nam, bày tỏ nguyện vọng lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều cơ hội tốt hơn trong hợp tác đầu tư, từ đó đóng góp hiệu quả vào kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ của đất nước.

Những tâm tư này phản ánh mong muốn chung của đông đảo kiều bào về việc có những cơ chế thuận lợi hơn để họ có thể đóng góp hiệu quả. Nhiều kiều bào mong muốn có các chính sách đặc thù như thẻ cư trú dài hạn, miễn giảm thuế cho đầu tư công nghệ, học bổng cho con em kiều bào, và đặc biệt là việc xây dựng các trung tâm dịch vụ một cửa nhằm đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ khi về nước sinh sống, làm việc và cống hiến.

Những tâm tư, nguyện vọng và đề xuất này cho thấy kiều bào không chỉ là nguồn lực tài chính mà còn là nguồn lực trí tuệ, kinh nghiệm và là cầu nối quan trọng, sẵn sàng đồng hành cùng đất nước Việt Nam trên con đường vươn mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.

Từ lời dạy của Bác Hồ, những đóng góp bền bỉ của kiều bào trong lịch sử, đến sự ghi nhận và kỳ vọng của các lãnh đạo cấp cao hiện nay, có thể thấy rõ kiều bào Việt Nam là một nguồn lực không thể thiếu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong kỷ nguyên "vươn mình", Việt Nam đang đứng trước những cơ hội vàng để bứt phá. Với sự đồng lòng, chung sức của toàn dân tộc, bao gồm cả cộng đồng kiều bào với tình yêu quê hương sâu sắc, trí tuệ và kinh nghiệm toàn cầu, chúng ta nhất định sẽ hiện thực hóa khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, và có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế như Bác Hồ hằng mong ước./.