Kinh nghiệm phát triển thương hiệu sen gắn với kinh tế du lịch bền vững tại tỉnh Đồng Tháp

Trong khuôn khổ Lễ hội Sen Hà Nội 2024 sẽ diễn ra "Hội thảo bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam" vào chiều ngày 12/7/2024. Nhân dịp này, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Tháp chia sẻ một số thông tin về phát triển sen tại tỉnh Đồng Tháp. Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam xin giới thiệu một số thông tin liên quan.

Đồng Tháp là một tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trước đây là khu vực đầm lầy, ngập nước quanh năm, tạo nên một hệ sinh thái đặc trưng với nhiều loại bản địa, với đặc điểm thổ những ấy, một trong những loài thực vật quan trọng là giống Sen hồng Đồng Tháp. Với tầm nhìn cây sen có tiềm năng phát triển và mang lại giá trị kinh tế cao, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Ngày 09/8/2022, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Quyết định số 888/QĐ- UBND-HC về Phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; theo đó, ngành hàng sen đã được chuyển từ ngành hàng tiềm năng thành ngành hàng chủ lực của Tỉnh. Để cụ thể hóa việc phát triển thương hiệu của ngành hàng sen; ngày 31/8/2022, Tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch số 310/KH-UBND về Phát triển ngành hàng sen tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, hướng theo mục tiêu “giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tăng sản phẩm chế biến”, “nâng cao các giá trị văn hóa, du lịch từ sen”. Đây là quyết tâm lớn của Tỉnh nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành hàng một cách toàn diện. Đến nay, Tỉnh đã xây dựng được các nền móng cơ bản nhằm từng bước nâng tầm giá trị “kinh tế - văn hoá - du lịch” cho ngành hàng sen. Một số kết quả đạt được như sau:

1. Về phát triển vùng nguyên liệu, chuẩn hóa về giống và quy trình kỹ thuật canh tác bền vững, hướng đến chất lượng cao

- Vùng trồng sen của Tỉnh tập trung tại các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Châu Thành. Sau này hình thành thêm những vùng trồng mới tại các huyện: như Thanh Bình, Tân Hồng, Tam Nông. Đến cuối năm 2023, diện tích trồng sen toàn Tỉnh đạt 1.838 ha (vượt 31,3% so với chỉ tiêu đến năm 2025, 1.400 ha). Hiện đã sưu tập, nhân giống được 52 chủng loại giống sen/1600 chậu phục vụ cho Lễ hội sen lần thứ II năm 2024. Giống sen trồng phổ biến nhất tại Đồng Tháp là giống sen hồng, sen lấy gương, sen lấy ngó.

- Về quy trình canh tác bền vững, hướng tới chất lượng cao: đảm bảo quá trình sản xuất sen được thực hiện một cách an toàn và tuần hoàn, từ việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho đến xử lý và tái chế chất thải. Các biện pháp bảo vệ môi trường cần được tích hợp từ giai đoạn lập kế hoạch đến vận hành hàng ngày. Tổ chức nhiều hội thảo khoa học nhằm tìm giải pháp phát triển vùng nguyên liệu sen với quy mô lớn và bền vững. Cơ giới hóa bắt đầu được ứng dụng phổ biến trong sản xuất và sơ chế sen như máy tách vỏ sen, tim sen..

sendongthap-1720753408.jpg

Phát triển thương hiệu sen Đồng Tháp gắn với kinh tế du lịch bền vững

- Về công tác giống: Thực hiện sưu tầm, chọn lọc đưa ra một số giống sen mới, chất lượng cao, phù hợp nhu cầu thị trường và điều kiện tự nhiên của Tỉnh; góp phần đa dạng hóa sản phẩm từ sen, tạo cảnh quan phục vụ cho phát triển du lịch, thích ứng với điều kiện sinh thái của Tỉnh. Hiện đã sưu tập, nhân giống được 52 chủng loại giống sen.

2.   Về liên kết tiêu thụ, chế biến sản phẩm:

-  Thành lập và ra mắt Hội ngành hàng Sen tỉnh Đồng Tháp vào ngày 19/5/2022, đến nay, Hội ngành hàng Sen tỉnh Đồng Tháp đã kết nạp được 125 hội viên, hoạt động rất sôi nổi, đóng góp tích cực vào hành trình chung tay phát triển bền vững ngành hàng sen tỉnh Đồng Tháp.

-  Toàn tỉnh có 22 cơ sở, doanh nghiệp, sản xuất đa dạng các sản phẩm từ các bộ phận của cây sen như lá sen (chiếm 27%), hạt sen (23%), hoa sen (22%), củ sen (9%), gương sen (9%), thân sen (7%) và ngó sen (3%).

-  Hiện Đồng Tháp có hơn 100 sản phẩm chế biến từ sen. Trong đó, có 59 sản phẩm OCOP, gồm: 30 sản phẩm OCOP 3 sao, 28 sản phẩm OCOP 4 sao và 01 sản phẩm đạt OCOP 5 sao. Ngoài ra, còn các sản phẩm tiềm năng từ sen khác như: Dùng trong tặng phẩm (tranh từ sen, xâu chuỗi hạt sen, sách từ sen, . dùng trong mỹ phẩm (nước hoa sen, son sen,...); dùng trong gia dụng hàng ngày (xà bông sen, nhang sen, nón lá sen, giấy sen.); dùng trong may dệt may, thời trang (tơ sen, vải tơ sen, áo dài từ tơ sen, túi lá sen);....

-  Việc liên kết tiêu thụ giữa doanh nghiệp và nông dân (thông qua các đơn vị kinh tế tập thể) bước đầu đã hình thành một số hợp đồng liên kết theo hướng bền vững từ việc phát huy vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp cùng nông dân xây dựng vùng nguyên liệu và tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm, tuy nhiên phạm vi quy mô liên kết còn hạn chế, 90% lượng sen còn được tiêu thụ qua kênh thương lái.

3.   Về phát triển thương hiệu sen gắn với kinh tế du lịch bền vững

-   Đã thực hiện công bố biểu tượng của Tỉnh có biểu tượng theo hình tròn cách điệu hoa sen; thực hiện xây dựng hình ảnh Đồng Tháp là “Quê Sen ”, “Thủ phủ Sen”,...; xây dựng thương hiệu “Đất Sen Hồng” với biểu tượng vui “Bé Sen”, khẩu hiệu “Đồng Tháp - Thuần khiết như hồn Sen ”; đăng ký chứng nhận nhãn hiệu “Sen Tháp Mười”; Đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý “Đồng Tháp” cho sản phẩm sen;... các hoạt động trên được xem là đòn bẩy mở ra hướng đi mới cho cây sen của Tỉnh.

-  Đã thực hiện đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý “Đồng Tháp” cho sản phẩm sen; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Made in Dong Tháp” cho các sản phẩm từ sen như: trà củ sen, sữa sen bột, trà lá sen,...nhằm duy trì và nâng cao danh tiếng, uy tín, chất lượng sản phẩm cũng như góp phần quảng bá hình ảnh sen Đồng Tháp.

-  Hiện có 10 điểm du lịch sen, tổ chức các tour du lịch trải nghiệm: Dạo cung đường Sen, dệt khát vọng xanh; Trekking đi giữa Mùa Sen - Tràm Chim; Tour du lịch trải nghiệm sen; .... Với các hoạt động như: Tham quan đồng sen; trải nghiệm hái sen, đánh bắt cá trên đồng sen; trải nghiệm làm món ăn sen, tiệc buffet sen; trải nghiệm làm nón lá sen, túi lá sen, ướp trà sen, kéo chỉ tơ sen; ...

-   Xây dựng hình ảnh Đồng Tháp là “Quê Sen”, “Thủ phủ Sen” hay “Đất Sen Hồng”, Đồng Tháp được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều đặc sản độc đáo và có tiềm năng, trong đó, có các món ẩm thực từ sen vô cùng hấp dẫn và đa dạng, đã xác lập kỷ lục lục Việt Nam và thế giới với 200 món ăn chế biến từ sen, xây dựng bản đồ sen và sách về Sen Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen - hành trình phát huy giá trị, nhằm quảng bá hình ảnh sen Đồng Tháp đến tất cả bạn bè trong nước và quốc tế biết đến Đồng Tháp là thủ phủ Đất sen hồng.

4. Đánh giá chung

Sen không chỉ là một biểu tượng văn hóa, mà còn là một trong những ngành hành chủ lực của nền nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, các bộ phận của cây sen đã được phát huy giá trị mang lại lợi ích cho sức khỏe và nâng cao đời sống cho người dân, đã thực hiện xây dựng hình ảnh Đồng Tháp là “Quê Sen”, “Thủ phủ Sen”, khẩu hiệu “Đồng Tháp - Thuần khiết như hồn Sen”, ... Từ đó, góp phần hình thành và phát triển chuỗi giá trị ngành hàng Sen Đồng Tháp đa giá trị hơn, phát triển thương hiệu sen gắn với kinh tế du lịch bền vững, phù hợp với xu hướng nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh hiện nay.

Tuy nhiên, quá trình phát triển và xây dựng thương hiệu của ngành hàng vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định:

-   Thứ nhất: Bộ giống sen còn ít, chủ yếu là các giống sen bản địa, truyền thống; chủng loại giống đơn điệu, hoa cánh mỏng và không bền, thời gian thu hoạch ngắn, giống được sử dụng qua nhiều năm đã bị thoái hóa. Một số loại bệnh trên cây sen ở các vùng chuyên canh chưa có giải pháp khắc phục triệt để làm ảnh hưởng đến năng suất.

-   Thứ hai: Việc ứng dụng cơ giới hóa cho ngành hàng còn rất hạn chế, phần lớn các công đoạn từ gieo trồng, thu hoạch đến sơ chế đều là thủ công, chưa có máy móc hỗ trợ nên tốn chi phí cho các khâu này rất nhiều.

-   Thứ ba: Mô hình sản xuất kết hợp với du lịch nông nghiệp đã được khai thác trong nhiều năm nhưng chưa được đầu tư, làm mới, kinh phí đầu tư còn ít, chưa có nhiều giải pháp tiếp cận, khai thác tốt giá trị văn hóa, môi trường sinh thái từ sen để hấp dẫn khách du lịch; giải pháp truyền thông quảng bá của các chủ cơ sở còn đơn điệu.

-   Thứ tư: Trình độ ứng dụng khoa học công nghệ chưa cao, chưa tận dụng khai thác tối đa các phụ phẩm từ cây sen; các sản phẩm từ sen trên thị trường hiện nay giá trị gia tăng chưa cao, sức cạnh tranh chưa lớn.

5. Kinh nghiệm, giải pháp trong thời gian tới

-   Thứ nhất: Rà soát quy hoạch và phát triển vùng sản xuất sen tập trung, đủ điều kiện an toàn, quy mô lớn nhằm đáp ứng nguyên liệu phục vụ cho chế biến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, du lịch,...;

-   Thứ hai: Để việc trồng sen phát triển và ổn định cần có bảo tồn giống, nghiên cứu giống trồng sen, quy hoạch vùng trồng và phát triển các kỹ thuật cho việc trồng và khai thác các sản phẩm khác nhau (chuẩn hóa đa dạng hóa giống sen đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu thụ như sen lấy củ, lấy thân, lấy lá, lấy gương). Tăng cường tạo các sản phẩm thứ cấp từ cây sen để nâng giá trị hàng hóa của cây sen.

-   Thứ ba: Tăng cường liên kết sản xuất kết hợp khai thác du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Kết hợp khai thác phát triển du lịch nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội; các đơn vị lữ hành du lịch cần hỗ trợ, hướng dẫn các hộ gia đình, người dân phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới gắn với sen sao cho phù hợp với mọi đối tượng khách trong nước và quốc tế.

-   Thứ tư: Cải tiến kỹ thuật sản xuất, gắn cơ sở chế biến với phát triển du lịch làng nghề; phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP gắn dịch vụ du lịch truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn; tăng cường quảng bá thương hiệu, xây dựng hình ảnh, con người, sản phẩm nông nghiệp và kết nối du lịch miệt vườn, tạo thành điểm nhấn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước;

-   Thứ năm: Triển khai Chương trình chỉ đạo điểm của Trung ương “Đề án mô hình điểm phát triển sản phẩm OCOP - sản phẩm từ sen trên địa bàn huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp”;

-   Thứ sáu: Nâng cao năng lực, kỹ năng cho các cơ sở du lịch, mở rộng điểm tham quan, đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, tăng hiệu quả kinh doanh và sức hấp dẫn của du lịch tỉnh nhà, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân;

-   Thứ bảy: Định kỳ tổ chức Lễ hội sen gắn với lịch sử địa phương; quảng bá văn hóa cần phải đi từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, các giá trị văn hóa cần được giới thiệu đến du khách một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, để du khách tự cảm nhận và thẩm thấu. Từng bước xây dựng điểm du lịch cộng đồng “Đồng Sen”, kết nối nhiều tour, tuyến du lịch khác nhau ở trong và ngoài tỉnh.

-   Thứ tám: Tiếp tục rà soát đổi mới cơ chế, chính sách thúc đẩy, thu hút đầu tư phát triển ngành hàng sen, khai thác tối đa giá trị gia tăng từ Cây Sen thời gian tới. Trong đó cần nghiên cứu để ban hành chính sách chuyển đổi từ những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen gắn với làm du lịch, hoặc xen canh lúa - sen theo từng khu vực để đảm bảo có nguồn nguyên liệu sen quanh năm và tạo thành các điểm tham quan, khu du lịch gắn với cảnh quan từ sen.

(Tài liệu Hội thảo bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam)