Kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11): Vinh danh nghề “trồng người” vẻ vang

Kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam Nam (20/11/1982- 20/11/2024)  là dịp chúng ta tôn vinh, tri ân hơn 1,6 triệu nhà giáo trên cả nước và biết bao thế hệ thầy giáo, cô giáo luôn cống hiến thầm lặng, bền bỉ cho sự nghiệp giáo dục thế hệ tương lai và gần một triệu nhà giáo nghỉ hưu, trong đó nhiều người vẫn có những đóng góp ở các góc độ khác nhau cho giáo dục.

Cả xã hội đều muốn dành tình cảm, sự biết ơn, lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả các thầy cô giáo trên mọi miền của Tổ quốc. Các thầy cô giáo đã, đang và sẽ mãi là tấm gương, là người gieo mầm, là người chăm sóc, là người nuôi dưỡng những hạt giống tâm hồn, để những hạt mầm của đạo đức, nhân cách, tri thức, sự tử tế… luôn tỏa sáng, để xã hội ngày càng tốt đẹp, đất nước Việt Nam “Sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

dt1anha-giao9-181124-1732019530.jpg

Tổng Bí thư Tô Lâm và đại biểu cùng đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tham dự buổi gặp mặt. Ảnh: TTXVN

 

Nhờ đó, giáo dục nước nhà đã có nhiều chuyển biến tích cực, đáng mừng. Đến nay hơn 99% người dân cả nước trong độ tuổi 15 - 60 biết chữ, gần 100% trẻ em 5 tuổi được đến trường. Chương trình đánh giá học sinh quốc tế, lứa tuổi 15 (PISA), học sinh nước ta vượt trên mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Các đội tuyển học sinh thi Olympic quốc tế và châu Á đều đạt thứ hạng cao. Giáo dục đại học thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành nghề hướng tới đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao. Tự chủ đại học đạt kết quả tốt và đang được mở rộng; nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo đại học có những trường đứng trong tốp 500 thế giới… Những thành tựu về giáo dục nước nhà là rất đáng tự hào.

Trong thư  Tổng Bí thư Tô lâm chúc mừng nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam nhấn mạnh: “Trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là tương lai dân tộc; luôn luôn đặc biệt quan tâm chăm lo, có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư cho giáo dục, xác định là đầu tư cho phát triển và ưu tiên, đi trước so với các lĩnh vực khác. Lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy, giáo dục đào tạo có vai trò đặc biệt quan trọng đối với những kỳ tích phát triển của dân tộc… Có được thành tích, kết quả nêu trên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn dân, là sự đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, nỗ lực cố gắng vượt mọi khó khăn của toàn ngành giáo dục, nhất là đội ngũ các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục-lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ ‘trồng người’ đầy vẻ vang”.
Tổng Bí thư Tô Lâm tin tưởng rằng, với một đất nước, một dân tộc có truyền thống hiếu học, quý trọng hiền tài; đội ngũ thầy giáo, cô giáo tâm huyết, yêu nghề, sẵn sàng hy sinh, gắn bó với nghề cùng sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, toàn ngành Giáo dục sẽ khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, thực hiện thành công công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo.

Cùng với nghề y, nghề thầy giáo được cả xã hội tôn vinh, quý trọng nhất, được gọi là “Thầy”, coi lao động của nhà giáo là lao động trí tuệ của giới trí thức, là “kỹ sư tâm hồn”. Với truyền thống hiếu học, dân ta đã đúc kết lưu truyền từ đời này sang đời khác: "Không thầy đố mày làm nên".

Với truyền thống “tôn sư trọng đạo”, cả nước đang diễn ra nhiều hoạt động giao lưu, tri ân thầy cô giáo. Mong các thầy cô luôn đề cao ý thức rèn đức - luyện tài, yêu nghề - yêu người; không ngừng học tập, tu dưỡng, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn; năng động, có cách tiếp cận mới trong dạy và học; tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, mang lại luồng gió mới với sức thuyết phục cao trong mỗi bài giảng, qua đó góp phần bồi dưỡng thế hệ tương lai của đất nước vừa hồng vừa chuyên, bắt kịp xu thế phát triển của thời đại công nghệ 4.0, rồi 5.0 và nhiều nữa trong tương lai.

Đúng như Bộ trưởng Bộ Giáo duc - Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định: "Thách thức càng lớn, biến động càng nhiều, cái mới càng dồn dập, giáo dục càng cần quay về củng cố, trang bị cho người học những cái cơ bản nhất, nền tảng nhất. Đứng vững chắc nơi những giá trị cốt lõi nhất của giáo dục là các giá trị về tình yêu thương, sự trung thực, lòng thiện lương và cái đẹp, thêm vào đó là những năng lực và kỹ năng mới của thời đại. Đó là đem cái bất biến ứng phó với vạn biến. Đó là triết lý thích ứng và triết lý phát triển bền vững nền giáo dục của chúng ta".

V.X.B