CCB.Nguyễn Vân Hậu: Ký ức người lính Sư đoàn 304 (kỳ 3)

Hướng tới Kỷ niệm 47 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất Đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022), Tạp chí điện tử Nông thôn và Phát triển xin trân trong giới thiệu loạt bài viết "Ký ức người lính sư đoàn 304" của Cựu Chiến binh Nguyễn Vân Hậu. Kỳ 3: Chiến đấu ở mặt trận phía Nam Campuchia.

Trước sức mạnh như vũ bão của quân tình nguyện Việt Nam, bọn Khmer Đỏ số bị tiêu diệt, số tan rã, hoảng hốt tháo chạy vào rừng. Đã qua nhiều trận đánh, những người lính mới chúng tôi bắt đầu dạn dày, gan góc, càng đánh càng hăng, không biết sợ chết là gì. Chúng tôi rất tự hào với truyền thống Sư đoàn 304 anh hùng và nghĩ cũng xứng danh là lính của Sư đoàn "quả đấm thép" của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Đánh địch trong hành tiến

Từ ngày 3-1-1979 và những ngày tiếp theo, đơn vị tôi tiếp tục tiến sâu, phá tan nhiều tuyến phòng ngự của địch, giải phóng một vùng rộng lớn.

Những trận chiến cứ thế nối tiếp theo thời gian không dừng lại khi chưa quét sạch bọn giặc Khmer Đỏ tàn bạo. Đó là quân lệnh, cũng là tiếng vọng thiêng liêng của hàng vạn linh hồn đồng bào ta ở các tỉnh biên giới bị chúng giết hại dã man suốt từ năm 1975 đến 1978. Là lời khẩn cầu của người dân Campuchia trước họa bị diệt chủng

.7e218ec03aa2fbfca2b3-1651049076.jpg

Trung đoàn 9, F304 được chi viện xe tăng và xe bọc thép M113 tiến về mặt trận phía nam Campuchia

Sau mấy ngày tiến công, sáng 6-1-1979, đơn vị được lệnh di chuyển đến vị trí tập kết lên ô tô hành quân.

Sư đoàn 304 là một cánh quân tham gia đánh vào Phnom Penh từ hướng đông – nam tỉnh Takeo, Kandal lên, nhưng do Quân đoàn 3 và Quân đoàn 4 đã đánh chiếm được Phnom Penh từ ngày 7-1-1979 nên đơn vị được lệnh đánh xuống mặt trận phía Nam Campuchia, giải cứu lữ đoàn thiết giáp lính thủy đánh bộ của ta đang bị bọn địch vây đánh do thiếu bộ binh đi kèm phối hợp tác chiến.

Từ 7-1-1979, trung đoàn 9 (F304) chúng tôi được chi viện xe tăng, xe bọc thép M.113 và pháo cao xạ 37 ly (loại 2 nòng còn mới tinh do Trung Quốc viện trợ cho Khmer Đỏ thì ta thu được) tiến về mặt trận phía Nam Campuchia. Trên đường lộ, do một chiếc cầu yếu nên bị sập khi chiếc tăng T-54 dẫn đầu đi qua, cả đoàn xe phải chờ đi đường tránh và vượt ngầm, tiếp tục tiến quân giải phóng thị xã Kampot, Takeo, nghỉ lại đêm trong một khu đô thị rồi tiếp tục vừa hành quân, vừa đánh địch trong hành tiến.

Chúng tôi đi qua những làng mạc và đô thị có vẻ hoang tàn, cũ nát hệt như những khu nhà hoang vì dân cư đã bị chính quyền Khmer Đỏ lùa ra khỏi thành phố. Địch nhiều lần phục kích, bắn pháo vào đội hình, một quả đạn ĐKZ của địch bắn trúng xuyên táo chiếc xe bọc thép M.113 của ta, nhưng thật may mắn, đạn không nổ. Những lần bị địch đánh chặn như vậy, chúng tôi dừng lại triển khai đội hình chiến đấu, rồi lại lên xe cơ động cho kịp thời gian hợp đồng tác chiến với hải quân đánh bộ của ta ở mặt trận các tỉnh phía nam Campuchia.

Dọc đường hành quân, khẩu đội tôi giá súng 12 ly 7 trên thùng chiếc xe tải Zil 131, nhưng khi bắn thì súng giật tung, 2 xạ thủ to khỏe ôm chân súng cũng không giữ nổi. Trước tình huống này, tôi nhanh trí yêu cầu xe hậu cần cho mượn 3 bao gạo, mỗi bao chừng 50 kg đem chặn lên 3 chân súng, vậy là ổn và bắn rất tốt. Suốt mấy trăm km hành quân, chúng tôi cứ đứng trên thùng xe quan sát và nã đạn vào địch.

Súng kẹt đạn giữa trận phục kích

Đã hai ngày đêm trên đường tiến quân, một sự việc hy hữu khác lại đến. Trong một lần địch phục kích đánh chặn, tôi bắn thì súng chỉ nổ đúng một phát rồi tịt. Vỏ đạn kẹt cứng trong buồng đạn, gờ đít đạn bị sứt. Thông nòng tống vỏ đạn ra, lên đạn bắn tiếp mấy lần đều như thế, không bắn liên thanh được. Trời ạ, tình huống này trong huấn luyện có ai dạy đâu. Trung đội trưởng Hà Huy Bớ hét lên:

- 12 ly 7 bắn đi.

- Báo cáo, súng bị hóc. Tôi la lớn, vừa ức, vừa định nói: Tôi muốn bắn lắm chứ. Nhưng mà sao mày hại tao giữa lúc nước sôi lửa bỏng này hả súng ơi!

Đạn bắn thẳng của địch trúng thành xe kêu toác toác, lái xe liền nhảy xuống. Tôi mặc kệ, vẫn loay hoay bên súng nghĩ cách khắc phục. Trung đội trưởng từng là lính chuyên súng 12 ly 7 leo lên xe cùng tôi xử lý nhưng rồi cũng bó tay, nhảy xuống xe ra lệnh:

- Không bắn được thì cả khẩu đội đi vác đạn cho cối 82.

Là một người lính đang xung trận, tôi và đồng đội cảm thấy thật xót xa khi phải bỏ súng đi vác đạn, dù rằng, đó cũng là chiến đấu.

Lòng kiêu hãnh của người lính không cho phép tôi rời bỏ súng. Từ nguyên lý súng, tôi đoán nguyên nhân do mấy ngày đêm vừa hành quân vừa bắn, không lau chùi nên buồng đạn ám thuốc súng, gỉ sét làm kẹt vỏ đạn. Ý nghĩ thoáng qua, tôi liền mở nắp tiếp đạn, kéo quy lát, thử dùng tuýp dầu lau súng mang theo xịt vào buồng đạn rồi đưa ngón tay trỏ ngoáy một vòng cho trơn, xong nạp đạn, siết cò.

aee6948120e3e1bdb8f2-1651049156.jpg
Các CCB Trung đoàn 9, F304 gặp lại nhau năm 2019 nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam (Tác giả ngồi chính giữa).

Khỏi phải nói tôi vui sướng đến chừng nào, khẩu 12 ly 7 sát cánh từ đầu chiến dịch đã khạc lửa giòn giã trong sự bất ngờ của cả khẩu đội. Bất ngờ hơn cả là bọn lính Khmer Đỏ vừa bắn ĐKZ phụt khói phía xa kia thì bị tôi phát hiện và những loạt đạn 12 ly 7 bắn thẳng trong cự ly hiệu quả buộc chúng phải câm họng ngay lập tức. Khi quan sát để điều chỉnh bắn, tôi thấy những viên đạn vạch đường nối đuôi nhau bay đến mục tiêu, chúng đã bị tiêu diệt.

Vừa bắn tôi vừa nhìn mấy chiến sĩ bộ binh của ta đang lom khom tiến dưới làn đạn yểm trợ của hỏa lực 12ly7. Có lẽ vì tiếng nổ trước nòng súng nghe chát chúa, với lại, đôi lúc tôi rê nòng bắn trúng mấy tàu dừa ở trên cao nên anh em lo, hét rõ to:

- Nâng tầm lên không trúng quân ta bây giờ!

- Không sao đâu, tầm cao lắm! Tôi trả lời và cười thầm trong bụng: Cao nữa thì có mà bắn chim à!

Đơn vị tiếp tục hành quân theo đường tỉnh lộ hướng về quân cảng Ream, nơi đó, một lữ đoàn hải quân đánh bộ của ta đang chuẩn bị đổ bộ, hợp đồng quân binh chủng với đơn vị tôi giải phóng quân cảng.

Đón đọc Kỳ 4: Đánh chiếm quân cảng Ream và hải cảng Sihanoukville