|
Sạt trượt đường giao thông tiềm ẩn ở nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh |
• CHƯA CÓ GIẢI PHÁP TOÀN DIỆN
Mặc dù đã có những nỗ lực trong việc khắc phục hậu quả sạt lở, nhưng các giải pháp về sạt lở đường giao thông hiện nay chủ yếu mang tính khắc phục sau khi sự việc đã xảy ra, hoặc xử lý tạm thời mà chưa giải quyết được tận gốc vấn đề. Tại hội nghị bàn về phòng, chống sạt lở, ông Trương Trung Thắng - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Các giải pháp để kiên cố hóa các công trình phòng, chống sạt trượt đất trên các tuyến đường giao thông vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu nguồn lực, kinh phí phân bổ cho hạng mục này còn hạn chế”.
Chia sẻ về những khó khăn ngành GTVT Lâm Đồng đang phải đối mặt, ông Thắng cho biết: Lâm Đồng hiện có hơn 9.500 km đường bộ; trong đó có hơn 550 km quốc lộ; hơn 650 km tỉnh lộ. Thời gian qua, tỉnh cũng đã có nhiều giải pháp kiên cố hoá công trình giao thông, nhưng những giải pháp để kiên cố hoá các công trình phòng, chống sạt trượt đất trên các tuyến đường giao thông này vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.
Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2023, ngành Giao thông cũng phải đầu tư 1 số dự án xây dựng bờ kè, bờ taluy phòng tránh và khắc phục sạt trượt đường giao thông trên một số tuyến đường nhưng hiện tại, vẫn còn rất nhiều tuyến đường đang phải cắm bảng cảnh báo sạt trượt taluy. Theo thống kê của Sở GTVT, các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ hiện vẫn có hơn 90 điểm có nguy cơ sạt trượt; hơn 13 tuyến đường quan trọng liên huyện có nguy cơ đứt gãy do sạt trượt, xói lở đường sông; có nguy cơ gây ách tắc giao thông.
Đặc biệt, đèo Bảo Lộc, Prenn, Tà Nung… là những tuyến huyết mạch hiện đang rất cần sớm có giải pháp để đảm bảo an toàn giao thông thông suốt. Trên tuyến đèo này không chỉ cần quan tâm đầu tư các giải pháp gia cố taluy, kè chống sạt lở đất, mà cần phải quan tâm đến cả các giải pháp ngăn đá rơi xuống đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Thực tế, từ đầu năm đến nay, đã có những trường hợp người dân bị thương do đá rơi trúng,…
• GIẢI PHÁP CẤP BÁCH VÀ LÂU DÀI
Để ứng phó với tình trạng sạt lở đất, sạt lở taluy, tại các hội nghị bàn về giải pháp phòng, chống sạt trượt đất thời gian qua, các chuyên gia và cơ quan chức năng đã đưa ra một số giải pháp, trong đó có giải pháp xây dựng đề án và bản đồ chống sạt lở, thiết lập hệ thống cảnh báo sớm. Đây là những cơ sở quan trọng để đánh giá mức độ nguy hiểm và đưa ra các biện pháp phòng, chống phù hợp. Hệ thống này cũng sẽ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu sạt lở, từ đó có biện pháp ứng phó kịp thời.
Ngành GTVT tỉnh Lâm Đồng cũng đang tập trung và đề ra nhiều giải pháp tuy nhiên hiện tại, các giải pháp triển khai chỉ mang tính ứng phó khi sự cố xảy ra là chính bởi theo ông Trương Trung Thắng - Phó Giám đốc Sở GTVT cho hay: Hiện khó khăn lớn nhất vẫn là khó khăn trong việc tiếp cận nguồn lực bởi mức phân bổ kinh phí cho hạng mục này còn hạn chế. Hầu hết chỉ khi xảy ra sự cố mới có thể xin được kinh phí khắc phục.
Bên cạnh đó, ông Thắng cũng cho biết, kinh nghiệm thực tế quản lý rủi ro về vấn đề này của ngành GTVT còn hạn chế, không có nhân lực có kinh nghiệm về vấn đề địa chất hay thuỷ văn nên thường khá bị động trong xử lý. Vì vậy, để có thể giải quyết được căn cơ vấn đề này, ông Thắng kiến nghị cần sự hỗ trợ của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu.
“Sở GTVT đề nghị, trong thời gian tới, khi tỉnh xây dựng đề án và bản đồ chống sạt trượt đất trên địa bàn tỉnh, cần quan tâm nghiên cứu lắp đặt các thiết bị cảnh báo sớm ở một số tuyến đèo giao thông quan trọng, chứ không chỉ chú trọng đến các khu dân cư. Về giải pháp lâu dài, tôi đề nghị các chuyên gia, các ngành chức năng quan tâm tham gia nghiên cứu một cách cụ thể từng tuyến đèo, từng vị trí để có các giải pháp cụ thể và lâu dài”, ông Thắng đề xuất tại hội nghị tìm kiếm giải pháp ngăn chặn và giảm thiểu thiệt hại do sạt lở đất.