Lâm Đồng: Công bố chính thức Cảng hàng không quốc tế Liên Khương

Sáng ngày 23/06 tại Lâm Đồng, Bộ Giao thông vận tải chính thức công bố về việc chuyển Cảng hàng không Liên Khương thành Cảng hàng không quốc tế Liên Khương. Tham dự buổi lễ công bố có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký Quyết định số 758/QĐ – BGTVT về việc công bố chuyển Cảng hàng không Liên Khương thành Cảng hàng không quốc tế Liên Khương, đồng thời được tiếp nhận các chuyến bay quốc tế từ 07h01’ ngày 22/6/2024.

Theo thông tin của Bộ GTVT, Cảng hàng không quốc tế Liên Khương có hệ tọa độ (WGS-84), vĩ độ: 11°45’12.09’’N, kinh độ: 108°22’04.81’’E; đường cất hạ cánh 09/27 kích thước 3250m x 45m (dài x rộng); kết cấu bê tông nhựa, sức chịu tải PCN = 47/F/C/X/T; đáp ứng khai thác: Chủng loại tàu bay Code D như tàu bay B757, A300 và tương đương trở xuống có chỉ số ACNmax/ACRmax nhỏ hơn chỉ số PCN/PCR của đường cất hạ cánh được công bố.

cang-1719115866.jpg

Đây là loại hình cảng hàng không, sân bay phục vụ các chuyến bay quốc tế, nội địa thường lệ, không thường lệ, các loại tàu bay tư nhân, các loại tàu bay quân sự và các loại tàu bay khác khi được các cấp có thẩm quyền cấp phép khai thác.

Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết việc Cảng hàng không Liên Khương trở thành cảng hàng không quốc tế, không chỉ là sự mong đợi của các cấp chính quyền và người dân tỉnh Lâm Đồng mà còn sự mong đợi của các công ty lữ hành trong nước và quốc tế, đặc biệt là những du khách quốc tế yêu mến Đà Lạt.

Đây được xem như cú hích cực kỳ quan trọng góp phần phát triển ngành du lịch vùng Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng. Cảng hàng không quốc tế Liên Khương là cảng quốc tế đầu tiên của vùng Tây Nguyên.

Sân bay Liên Khương được khởi công xây dựng và hoạt động dưới sự quản của Pháp, lấy tên là sân bay Liên Khàng vào năm 1933. Sau 20 được Pháp xây dựng và quản lý, sân bay này được người Mỹ tiếp quản, sửa chữa và nâng cấp sân bay lần đầu và đổi tên thành sân bay Liên Khương.

Vào khoảng năm 1956 – 1960, người Mỹ đã tu sửa, nâng cấp cảng hàng không Liên Khương với cơ sở hạ tầng khá hoàn chỉnh, trong đó nhà ga được thiết kế theo kiến trúc Pháp, loại nhà 3 tầng, cấp I. Công suất 50.000 hành khách/năm, khoảng 120 hành khách/giờ cao điểm được nâng cấp xây dựng và khai thác vào ngày 24/02/1961 và từng là sân bay quốc tế lớn thứ hai ở miền Nam Việt Nam vào thời điểm đó.

Sau giải phóng đến năm 1980, cảng hàng không Liên Khương được Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản và điều hành. Chủ yếu phục vụ cán bộ lãnh đạo đi công tác và vận chuyển dân đi vùng kinh tế mới Lâm Đồng.

cang1-1719115970.jpg

Từ năm 1981-1985 cảng hàng không Liên Khương triển khai hoạt động phục vụ vận chuyển hành khách, đường bay TP Hồ Chí Minh – Liên Khương với tần suất 1 chuyến/tuần bằng máy bay AK.40. Tuy nhiên, sau đó đường bay tạm ngưng hoạt động do lượng khách ít.

Từ năm 1992, cảng hàng không Liên Khương triển khai họat động phục vụ vận chuyển hành khách trở lại, ngoài đường bay TP Hồ Chí Minh – Liên Khương, thời kỳ này còn mở thêm Liên Khương - Huế và ngược lại, loại máy bay sử dụng là AK.40 và sau này được thay thế bằng ATR.72.

Ngày 02/09/2003, khởi công dự án "Cải tạo mở rộng, nâng cấp đường HCC, đường lăn, sân đỗ máy bay - cảng hàng không Liên Khương" do Cụm cảng hàng không miền Nam làm chủ đầu tư, quy mô sau khi hoàn thành đảm bảo khai thác được các loại máy bay dân dụng tầm trung như A320, A321 và tương đương, cảng hàng không đạt tiêu chuẩn cấp 4C và sân bay quân sự cấp 2.

Ngày 26-12-2019, việc sửa chữa nâng cấp được hoàn thành, có thể đón các loại máy bay dân dụng tầm trung như Boeing 767 hay Airbus A320, A321… Cảng hàng không Liên Khương đã có thể tiếp nhận các chuyến bay với khả năng phục vụ 1,5 - 2 triệu lượt khách/năm.

Từ tháng 4/2019, cảng hàng không Liên Khương đã có thêm 2 ống lồng và được mở rộng thêm 5 vị trí đỗ máy bay mới.