Việc triển khai công tác lao động, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong những năm qua đã được triển khai đồng bộ, kịp thời, đem lại kết quả tích cực, góp phần ổn định và phát triển về mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội của địa phương.
Đó là nhờ được sự quan tâm chỉ đạo, điều hành sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp đồng bộ từ các sở, ngành và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là sự tham gia hưởng ứng, đồng tình của người dân.
Nổi bật là Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi, đồng thời thông qua lồng ghép trong kế hoạch đầu tư công trung hạn các giai đoạn 2016-2020, 2021-2025.
Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, vùng đồng bào dân tộc (ĐBDT), đã được tổ chức thực hiện như truyền thông và dạy nghề, tư vấn, hướng nghiệp... Đồng thời, bằng nhiều hình thức thông tin thông qua các phương tiện báo chí, trang điện tử của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thông tin trực tiếp đến học sinh, người lao động. Định kỳ điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề, tư vấn về học nghề và việc làm; tổ chức hội nghị sơ kết, giao ban định kỳ, tổ chức các đoàn công tác trực tiếp đi làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tổ chức các hội nghị tập huấn, xây dựng các mô hình dạy nghề hiệu quả, thích hợp cho lao động nông thôn, vùng ĐBDT…
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho ĐBDTTS của tỉnh đạt nhiều kết quả nhất định. Từ năm 2008 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã đào tạo nghề cho trên 593 ngàn người, trong đó đào tạo nghề cho người DTTS trên 158 ngàn người (chiếm 26,7%). Hiện nay trên địa bàn tỉnh, số lao động từ 15 tuổi trở lên là trên 795 ngàn người, trong đó có gần 205 ngàn người DTTS (chiếm 15,72% trên tổng số người trong độ tuổi lao động); tỷ lệ lao động người lao động DTTS trên 15 tuổi được đào tạo nghề là 158.795/795.555 ngàn người (đạt 20%). Cùng với đó, từ năm 2016 đến nay đã giải quyết việc làm cho gần 213 ngàn lượt lao động, trong đó người ĐBDT chiếm 2% trên tổng số lao động được giải quyết việc làm; xuất khẩu lao động gần 4 ngàn người tại các thị trường như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản…, trong đó người ĐBDT là 145 người.
Bên cạnh đó, hàng năm địa phương còn tổ chức 50 phiên giao dịch việc làm, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 1 ngàn lao động ĐBDT được tuyển chọn đi làm việc trong và ngoài tỉnh với các công việc khác nhau. Thu hút các dự án đầu tư, thành lập mới doanh nghiệp tại các địa phương, các dự án giao đất trồng rừng tại chỗ, tạo việc làm mỗi năm cho hơn 2 ngàn lao động là ĐBDT. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cho 3.733 hộ gia đình là ĐBDT vay gần 169 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 4.500 lao động người ĐBDT khi tiếp cận được nguồn vốn vay để sản xuất, kinh doanh, trồng rừng, chăn nuôi.
Cùng với đó, trên lĩnh vực an sinh xã hội, nhất là chính sách với người có công đã được thực hiện tốt, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, 100% có mức sống trung bình trở lên. Đồng thời, hộ người có công được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, như trợ cấp, phụ cấp hàng tháng; trợ cấp một lần; ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo, dạy nghề, cải thiện nhà ở, tạo việc làm; miễn, giảm thuế…
Các gia đình người có công đều được địa phương bảo đảm thực hiện các chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật trong giáo dục - đào tạo, như ưu tiên điểm chuẩn vào các trường, kéo dài thời gian tạm ngừng học tập; miễn, giảm và cấp bù học phí; trợ cấp. Cấp thẻ Bảo hiểm y tế (với các mức hưởng quyền lợi khác nhau); phục hồi chức năng; điều dưỡng; giải quyết việc làm; miễn, giảm tiền sử dụng đất, cho vay ưu đãi để phát triển kinh doanh.
Ngoài ra, xác định giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung, vùng ĐBDTTS nói riêng, thời gian qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, đã bám sát quan điểm, mục tiêu và giải pháp của các nghị quyết, chương trình, kế hoạch về giảm nghèo bền vững của địa phương, từ đó xác định đúng thực trạng để xây dựng kế hoạch, đề án cụ thể. Qua đó, tham mưu tập trung chỉ đạo và huy động mọi nguồn lực để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, góp phần thực hiện đạt và vượt mục tiêu giảm nghèo hàng năm và theo từng giai đoạn.
Kết quả, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh chỉ còn 3,16% tương ứng với 11.345 hộ, trong đó tỷ lệ nghèo đa chiều ĐBDTTS còn 8,75%, tương ứng 7.125 hộ (Giai đoạn 2021-2023, hộ nghèo toàn tỉnh chiếm 6,94%, tương ứng với 23.551 hộ, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ĐBDTTS là 18,96%, tương ứng 14.950 hộ).