Lâm Đồng khẩn trương trồng rừng trong mùa mưa

Tận dụng mùa mưa, các địa phương, ban quản lý rừng phòng hộ, công ty lâm nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang chú trọng và khẩn trương thực hiện công tác trồng rừng năm 2024 nhằm hoàn thành kế hoạch trước khi mùa khô đến.

t7a-20240704203755-1720168108.jpg

Cán bộ sở, ngành của tỉnh tham gia trồng thông hưởng ứng "Tết trồng cây". Ảnh Nguyễn Nghĩa/ Báo Lâm Đồng

Vào ngày 19/5 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Lễ phát động "Tết trồng cây" nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mục tiêu của tỉnh trong năm 2024 là trồng trên 13,6 triệu cây xanh trên toàn tỉnh. Lễ phát động được diễn ra vào thời điểm mùa mưa của Lâm Đồng, mùa trồng cây và gây rừng. Đáp lại lời kêu gọi, nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức và đoàn thể đã tổ chức nhiều hoạt động thi đua trồng cây gây rừng ngay sau đó.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cũng đã hưởng ứng phong trào này. Công ty TNHH Du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng đã tổ chức ngày hội trồng cây tại Khu du lịch Thung lũng Tình yêu, TP Đà Lạt. Hơn 2.000 cây mai anh đào đã được lãnh đạo và nhân viên của công ty trồng nhằm đáp ứng chương trình trồng 3,8 triệu cây xanh do TP Đà Lạt khởi xướng.

Khối kinh tế kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng, gồm 10 đơn vị sở, ngành cấp tỉnh, cũng đã hưởng ứng bằng việc tổ chức đợt thi đua trồng hơn 2.000 cây thông ba lá tại khu vực đất trống ở một số khu đồi thuộc Phường 7, TP Đà Lạt. Thêm vào đó, hàng trăm chiến sĩ quân đội công tác tại Thành Đội Đà Lạt cũng hưởng ứng phong trào, tổ chức trồng mai anh đào và thông ba lá tại khu vực Phường 3, TP Đà Lạt.

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN và PTNT), hưởng ứng đợt phát động của UBND tỉnh, đến ngày 7/6/2023, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã trồng thành công 938.819 cây xanh các loại, đạt 6,9% so với kế hoạch năm 2024. Tính từ đầu giai đoạn đến nay, tổng số cây đã được trồng là 23,1 triệu cây, đạt 46,2% so với kế hoạch toàn giai đoạn 2021-2025.

Năm 2024, tổng mức đầu tư các dự án trồng và chăm sóc rừng trồng đã được UBND tỉnh phân bổ chi tiết cho các đơn vị chủ rừng với tổng vốn là 46.980 triệu đồng. Trong đó có 35.158 triệu đồng được bố trí để thực hiện trồng mới 449,32 ha rừng tập trung trên các diện tích đất trống, đất rừng sau giải toả. Hiện các đơn vị chủ rừng đang tiếp tục phối hợp với các sở, ngành hoàn tất thủ tục và tổ chức trồng rừng theo đúng thời vụ. UBND tỉnh đã tiếp tục bố trí 13.153 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp để hỗ trợ các địa phương thực hiện các hoạt động trồng cây phân tán (trồng xây xanh cây phân tán trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; trồng trên các công trình thuỷ lợi; hỗ trợ gieo ươm) thuộc Kế hoạch trồng 50 triệu cây xanh.

Sở NN và PTNT cho biết, đã hướng dẫn các đơn vị xây dựng hồ sơ trồng rừng. Sở đã thực hiện thẩm định 41 hồ sơ trồng rừng của các đơn vị với tổng diện tích 304,49 ha, trong đó các hồ sơ thẩm định năm 2024 là 19 hồ sơ/126,02 ha. 

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh trồng 50 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025, Sở NN và PTNT đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch trồng cây xanh của từng địa phương, đảm bảo mục tiêu trồng được 13,6 triệu cây trong năm 2024, trong đó TP Đà Lạt đặt mục tiêu trồng 1.030.000 cây; TP Bảo Lộc 1.406.000 cây; huyện Lạc Dương 1.194.000 cây; huyện Đam Rông 1.197.000 cây; huyện Lâm Hà 1.216.000 cây; huyện Đơn Dương 1.126.000 cây; huyện Đức Trọng 1.094.000 cây; huyện Di Linh 1.474.000 cây; huyện Bảo Lâm 1.237.000 cây; huyện Đạ Huoai 925.000 cây; huyện Đạ Tẻh 921.000 cây; huyện Cát Tiên 830.000 cây.

Hiện nay, mùa mưa vẫn đang tiếp diễn, các địa phương đang tập trung theo dõi và thúc đẩy các đơn vị trồng rừng để nhanh chóng triển khai theo kế hoạch, tận dụng thời tiết thuận lợi cho việc trồng cây. Đồng thời, các đơn vị cũng sẽ tiếp tục kêu gọi người dân đang canh tác nông nghiệp trên đất lâm nghiệp chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng rừng kết hợp xen cây nông nghiệp ngắn ngày và cây dược liệu theo mô hình trồng rừng tiêu chuẩn. Ngoài ra, việc tăng cường giám sát và kiểm tra sau khi trồng cũng được đặc biệt quan tâm để đảm bảo sự phát triển và tồn tại của các cây trồng.

“Trồng rừng trong mùa mưa có nhiều lợi ích đáng kể. Mưa là nguồn nước quan trọng để cung cấp đủ lượng nước cho cây trồng, giúp cây phát triển tốt hơn và nhanh chóng hình thành hệ rễ. Đồng thời, mùa mưa cũng giúp giảm áp lực cấp nước cho các hoạt động tưới tiêu và duy trì độ ẩm cho đất trong thời gian dài”, ông Võ Thanh Sơn - Chi cục Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng cho biết.

Ông Sơn cũng cho biết thêm, việc trồng rừng trong mùa mưa là một biện pháp hiệu quả để tận dụng nguồn nước và đạt được hiệu suất tốt hơn trong quá trình trồng và chăm sóc cây trồng. Tuy nhiên, việc trồng rừng không chỉ đơn thuần là trồng cây vào mùa mưa mà còn đòi hỏi quy trình quản lý và chăm sóc sau khi trồng. Điều này bao gồm việc tiếp tục giám sát tình trạng phát triển của cây trong suốt quá trình tạo rừng.

Chương trình trồng rừng tại Lâm Đồng những ngày này đang diễn ra khá sôi nổi và hiệu quả. Hy vọng rằng, với những nỗ lực, mục tiêu hoàn thành kế hoạch trồng 13,6 triệu cây xanh năm 2024 sẽ hoàn thành, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc trên địa bàn tỉnh.