Làng cổ Thổ Hà bên Sông Cầu                 

Cũng như những làng quê văn hiến khác, mùa xuân ở Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang rộn ràng không khí lễ hội. Đến với làng cổ này, bạn có thể đi bằng đường bộ, hoặc đi thuyền, phà từ bến đò Vạn An, Bắc Ninh qua bên kia sông là tới. Để cảm nhận nhiều hơn về "ốc đảo" này, chúng tôi chọn chiều đi bằng phà, về bằng đường bộ.

dt-bg1-1745545897.jpg

Cổng làng Thổ Hà

 

Sông Cầu khởi nguồn từ Bắc Kạn, qua Thái Nguyên, rồi mới uốn mình chảy về xuôi, qua các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh... Nhưng  trong bài thơ "Đêm sông Cầu" của Đỗ Trung Lai, được Phan Lạc Hoa phổ nhạc thành  bài  hát:  "Tình yêu bên dòng sông Quan Họ", Sông Cầu được ví là "Con sông của người Quan Họ"?. Sở dĩ có cái tên văn học ấy là do  bên dòng sông Cầu tập trung hầu hết các làng quan họ cổ  của Hà Bắc xưa (nay là tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang).

dt2-bg2-1745545955.jpg
 

Cứ vào ngày 20 đến 22 tháng giêng âm lịch hàng năm, người dân Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang)  lại tổ chức Lễ hội mùa xuân. Hòa trong dòng người đến với "ốc đảo" có ba mặt bao bọc bởi sông Cầu, tôi cảm nhận, không gian văn hóa quan họ đã thấm đẫm trên khúc sông, bến nước nơi đây. Khúc sông một thời là huyết mạch giao thông nối hai bờ nam và bắc sông Cầu. Một bên thuộc phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, còn một bên là làng Thổ Hà.

dt3bg3-1745545998.jpg

Hai ảnh trên:  Khánh đá và bia đá tại đình Thổ Hà.

 

Vạn An cũng là quê hương của các làn điệu quan họ, sự tương đồng giữa hai làng hai bờ sông Cầu, không chỉ là việc gìn giữ chung những giá trị đặc sắc của hơn 200 làn điệu quan họ cổ, mà qua khai quật số lượng lớn các cổ vật từ lò gốm Đương Xá, còn cho thấy, nét tương đồng làng nghề gốm  đã hình thành hai bên bờ sông từ xa xưa.

Trên con thuyền cắt ngang dòng nước từ bến đò Vạn An sang bến Chùa làng Thổ Hà, tôi nghe phảng phất khúc dân ca quen thuộc "Người ơi người ở đừng về". Chắc chắn bên bến sông này, từ xa xưa đã chứng kiến các liền anh, liền chị hai bờ hát khúc giao duyên, quang cảnh ấy vẫn được tái hiện vào ngày hội làng Thổ Hà.

Ngoài câu lạc bộ dân ca quan họ,  thôn Thổ Hà còn có câu lạc bộ tuồng cổ chứng tỏ đời sống văn hóa tinh thần rất phong phú ở miền quê này.

dt4bg4-1745546044.jpg

Đình Thổ Hà được làm bằng gỗ.

 

Dạo quanh một vòng làng Thổ Hà, tôi vẫn nhận rõ dấu tích của một làng gốm cổ. Đó là những bức tường rêu phong được xây bằng những mảnh gốm, sành tiểu được người dân tận dụng những sản phẩm lỗi, đập ra thay gạch làm lên những bức tường từ vữa vôi. Bên con đê uốn lượn với cây đa, hồ nước, những bãi cỏ xanh mướt một màu cổ tích, con đường nhỏ chỉ lọt một chiều xe ô tô quanh co vào làng. Khung cảnh như bức tranh sơn mài tuyệt đẹp của một vùng quê yên bình tách biệt chốn ồn ã thị thành. Tôi nhìn thấy những lò gốm trên những bãi đất trống đang bị cây cối xum xuê dần che lấp do lâu ngày bỏ hoang không sử dụng. Đó là minh chứng cho một thời hưng thịnh nghề gốm ở Thổ Hà.

dt5bg5-1745546083.jpg

Đặc sản bánh đa nướng tại bến đò Chùa.

 

Theo các tài liệu, nghề gốm ở Thổ Hà có từ thế kỷ thứ 12 và là một trong ba trung tâm gốm sứ cổ nhất của người Việt, bên cạnh Phù Lãng và Bát Tràng. Trước năm 1960, nghề gốm ở Thổ Hà rất Phát triển, những bến đò bên sông tấp nập thuyền bè ra vào lấy gốm, kéo theo một làng làm nghề vận tải hình thành trên sông nước, đó là thôn Nguyệt Đức. Gọi là "thôn"  trong số 3 thôn của xã Vân Hà, song nếu Thổ Hà chỉ có đất thổ cư, không có đất nông nghiệp; thì người dân Nguyệt Đức không có cả đất thổ cư lẫn đất nông nghiệp. Khoảng trăm hộ dân của thôn Nguyệt Đức sống lênh đênh, tạm bợ trên những con thuyền cũ ven bờ sông Cầu. Từ năm 1990 của thế kỷ trước, khi nghề gốm của Thổ Hà mai một, người dân Thổ Hà chuyển sang sản xuất bánh đa nem, bánh đa nướng, mỳ gạo, nấu rượu, chăn nuôi... thì đời sống, việc làm của xóm chài thôn Nguyệt Đức gặp nhiều khó khăn. Ước mơ có đất để lên bờ  vẫn đang là ước mơ dang dở chưa thực hiện được qua nhiều thế hệ. Vậy nên, việc xâm lấn dòng chảy, sạt lở hai bên bờ sông Cầu ở khúc sông này đã và đang diễn ra...

dt7bg7-1745546304.jpg

Du khách chụp ảnh với sản phẩm của làng nghề.

 

Từ bến Chùa, đi qua cây đa cổ thụ là tới đình Thổ Hà. Đây là công trình nghệ thuật chạm khắc được công nhận là "Bảo vật quốc gia". Đình xây dựng từ thời vua Lê Hy Tông (1692) thờ Thành hoàng làng là Thái Thượng Lão Quân (còn gọi là Lão Đam hay Lão Tử) và tổ sư nghề gốm Tiến sĩ Đào Trí Tiến.

Phía sau là chùa Thổ Hà (tên chữ là Đoan Minh Tự) được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử văn hóa năm 1996. Hiện chưa thấy có tài liệu nào xác định năm xây dựng chùa, nhưng căn cứ vào đôi rồng đá đặt ở chùa được biết đời nhà Mạc (năm Canh Thìn - 1580) rồng đá được mua, tới năm Canh Thân (1610) thì chùa được tu sửa lại. Như vậy chùa có thể đã được xây dựng từ trước hai  mốc thời gian nêu trên.

Cổng lảng Thổ Hà cũng là một công trình kiến trúc đẹp, mang đậm văn hóa làng quê Bắc bộ. Cổng làng đã có tuổi đời trên 300 năm. Nếu đi bằng đường bộ vào Thổ Hà,  du khách sẽ tiếp cận với cổng làng đầu tiên. Nhưng do đặc thù ba mặt đều giáp sông Cầu, nên người dân chủ yếu di chuyển vào ra khỏi làng bằng đường thủy.

Với một ngôi làng nhỏ mà có hai công trình đình và chùa khang trang, bề thế như vậy, chứng tỏ người dân Thổ Hà từ xa xưa đã phát tài với nghề gốm truyền thống của cha ông, mới có thể đóng góp để xây dựng các công trình cộng đồng to đẹp như thế.

Tạm biệt Thổ Hà, ấn tượng đọng lại trong tôi là nét đẹp văn hóa, nét đẹp kiến trúc, cổ kính, thuần khiết của ngôi làng cổ ven sông Cầu. Con người Thổ Hà cũng rất thân thiện và mến khách.

Làng Thổ Hà không có lợi thế về đất đai trù phú, rộng rãi như nhiều làng quê khác, nhưng lại giữ gìn được vốn cổ của cha ông để lại. Đây chính là tiềm năng để Thổ Hà có thể đẩy mạnh phát triển về du lịch