"Lắng đọng và Suy nghĩ" về Nghề cá và chủ quyền Biển đảo cùng nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc!

Chiều 28/8, hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Cơ quan Tổng cục của ngành Thủy sản Việt Nam, Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức buổi gặp gỡ, ra mắt cuốn sách "Lắng đọng và suy nghĩ" của nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc.

Năm 2007, TS. Tạ Quang Ngọc - Nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản nghỉ hưu và về làm Phó chủ tịch Thuờng trực Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam. Suốt 10 năm sau đó, tôi vinh hạnh được đồng hành cùng ông và tập thể lãnh đạo Hội trong nỗ lực xây dựng Sinh Vật Cảnh trở thành ngành kinh tế sinh thái giá trị cao theo tinh thần chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ.

Cũng trong khoảng thời gian đó, tôi có cơ hội được cùng ông đi thăm những làng chài nghèo ven Biển miền Trung nước ta. Những chuyến công tác ngắn ngủi, những cuộc gặp ngư dân vội vã, những phút tâm tình khi bất chợt gặp lại đồng nghiệp xưa...nhưng cũng đủ đọng lại những ấn tượng về một vị Bộ trưởng gần gũi với ngư dân, luôn đau đáu nỗi niềm về Nghề cá và chủ quyền Biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc chia sẻ về cuốn sách

Thời gian gần gũi với ông cùng các nguồn tư liệu quý đã giúp chúng tôi, thế hệ trẻ hôm nay hiểu thêm về truyền thống yêu nước, hiếu học của họ Tạ ở Hoành Sơn (Nam Đàn - Nghệ An) và mối quan hệ gần gũi, đồng cảm giữa những nho gia nặng nghĩa nặng tình với non sông Đất nước cùng trăn trở về thời cuộc của gia đình họ Tạ với gia đình cụ Phan Bội Châu và gia đình cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Từ thủa nhỏ, cậu học trò Tạ Quang Ngọc đã được giáo dục, lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng với những tấm gương hiếu học và giàu tinh thần yêu nước từ bà nội là Nữ sĩ Sầm Phố - Nguyễn Thị Đào, từ cha là Nhà báo lão thành Quang Đạm (Tạ Quang Đệ) và từ bác ruột là Giáo sư Tạ Quang Bửu...

Sau khi tốt nghiệp Đại học Thủy sản và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Bungaria, ông gắn bó với ngành Thủy sản 41 năm và kinh qua nhiều vị trí công tác khác nhau. Trong đó có 11 năm trên cương vị người đứng đầu của ngành Thủy sản nước ta. Để giờ đây, nhìn lại truyền thống hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành của ngành Thủy sản là bao điều "Lắng đọng và Suy nghĩ" về Nghề cá và chủ quyền Biển đảo trong ông.

Lật mở từng trang trong cuốn sách nhỏ với tên gọi cũng rất đỗi giản dị: "Lắng đọng và Suy nghĩ" được tập hợp 50 bài viết tâm huyết (phần lớn đã được đăng trên các cơ quan thông tấn báo chí uy tín trong nước) gói gém tâm sự không chỉ với ngành thủy sản, với ngư dân của TS. Tạ Quang Ngọc, mà còn là tài liệu tham khảo quý báu về chiến lược phát triển Nghề cá và bảo vệ vững chắc chủ quyền Biển đảo. Nhiều chuyên gia tâm huyết trong ngành cũng không quá khi đánh giá cuốn "Lắng động và Suy nghĩ" là "di cảo" của ngành Thủy sản được đúc rút từ một con người Tâm Đức như "Ba Ngọc", TS. Tạ Quang Ngọc, nguyên Bộ Trưởng Bộ Thủy sản luôn sáng ngời của tư duy khoa học, nhiệt huyết với ngư dân, có tầm nhìn xa trông rộng, có khát vọng dân tộc chân chính về vấn đề biển đảo và chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc.

Cuốn sách Lắng đọng và Suy nghĩ của nguyên Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc dày hơn 200 trang do NXB Khoa học và Kỹ thuật ấn hành

Phần mở đầu của cuốn sách mang tiêu đề "Những ngày rời công việc" là những tâm sự ruột gan của "Người thuyền trưởng về bờ" nhưng vẫn canh cánh trong lòng với duyên nghiệp, với sứ mệnh mới của ngành Thủy sản khi mới sáp nhập vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Đó là những trăn trở về việc sắp xếp bộ máy, về chiến lược phát triển Hệ thống Nghề cá Quốc gia tương xứng với vị thế và tiềm năng của đất nước. Cũng dễ hiểu và thông cảm với tâm trạng của một người đã dành cả sự nghiệp gần nửa thế kỷ gắn với ngư dân và biển cả. Nhưng do những yêu cầu của thời cuộc phải sắp xếp, sáp nhập tinh gọn một số Bộ ngành, trong đó có ngành Thủy sản mà ông là thuyền trưởng qua 2 nhiệm kỳ.

Ông về Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam những ngày đầu vẫn trong tâm trạng như vậy. Nhớ buổi họp đầu tiên với lãnh đạo Hội, ông vẫn còn bâng khuâng với nhiều hoài niệm trong lòng: "Ngư dân bám biển mưu sinh bất chấp hiểm nguy nơi đầu sóng ngọn gió với những chiếc thuyền mang cờ đỏ sao vàng bay phấp phới giữa muôn trùng đại dương. Những con thuyền đó, không chỉ là phương tiện mưu sinh mà còn là nhà, là niềm tự tôn dân tộc, là khát vọng hòa bình, là trách nhiệm gìn giữ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng biển đảo của Tổ Quốc. Chúng ta không chỉ nghĩ đến nghề cá với tư cách một ngành nghề thuần túy mà cần đặt nó gắn bó máu thịt với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên biển. Chỉ có như thế, chúng ta mới phát huy hết ý nghĩa của "Mật lệnh 990B/TK" thể hiện tầm nhìn chiến lược về kinh tế biển và phòng thủ từ đại dương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp".

Đây cũng chính là nỗi niềm đau đáu, là những suy tư được lắng đọng xuyên suốt qua từng trang viết của cuốn sách quý này. Dẫu vậy, nó cũng khó diễn tả hết các cung bậc cảm xúc, những trăn trở theo dòng thời cuộc của nguyên Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc về việc Nghề cá và chủ quyền Biển đảo!

Trong cuốn sách cũng đề cập đến sự cố môi trường "Formosa" năm 2016 ở khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển và đời sống của ngư dân 4 tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế) mà ông bao ngày trăn trở. Nhớ buổi họp Chi bộ thường kỳ tháng 7 năm 2016 cùng TS. Tạ Quang Ngọc, cuối buổi họp, ông mời tôi ngồi lại để nghe chia sẻ về một số giải pháp xử lý "rủi ro môi trường biển" sớm đảm bảo an sinh cho ngư dân, tiến tới phát triển Nghề cá bền vững gắn với việc củng cố bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Những điều trăn trở đó, sau được ông chuyển thành Tâm thư gửi người đứng đầu Chính phủ. Ngày 29/7/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có thư hồi đáp gửi TS. Tạ Quang Ngọc đánh giá rất cao những nội dung nêu trong tâm thư "là những ý kiến hết sức tâm huyết, quý báu, thể hiện sự quan tâm, theo dõi sâu sát, thường xuyên, liên tục...".

Tác giả bài viết lưu niệm cùng nguyên Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc

Với riêng tôi, bài viết "Suy ngẫm từ Tết Trồng cây do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động 60 năm trước và 40 năm phong trào ao cá Bác Hồ" được nêu trong cuốn sách từ trang 66 - 72 đã gợi trong tôi nhiều kỷ niệm với nguyên Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc qua những năm tháng công tác cùng ông ở Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam. Đáng nhớ nhất là việc hai chú cháu chuẩn bị nội dung cho Hội thảo và xuất bản sách "Bác Hồ với thiên nhiên và Sinh Vật Cảnh" nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu (19/5/1890 - 19/5/2010) tại Nghệ An. Hội thảo và cuốn sách nêu trên đã hệ thống lại những quan điểm toàn diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; lối sống hòa đồng giữa con người của thiên nhiên và vấn đề phát huy những giá trị của phong trào Tết Trồng cây do Người phát động những năm 60 của Thế kỷ trước. Cũng từ đây, hướng phát triển Sinh Vật Cảnh trở thành một ngành kinh tế sinh thái giá trị cao đã được các ngành các cấp quan tâm đúng mức hơn.

Nguyên Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc là vậy! Ông mang phong cách của một nhà giáo, một nhà khoa học luôn nỗ lực dồn hết tâm huyết của mình để đi đến đích của một vấn đề không chỉ để đạt được hiệu quả nhất thời và còn hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai. Vậy nên, cũng thật dễ hiểu khi đọc những trải lòng về Nghề cá và chủ quyền Biển đảo của ông đã gợi lại trong chúng ta bao sự lắng đọng và suy nghĩ. Với những người bạn thân thiết từng gắn bó với ông qua công việc, cuốn sách "Lắng đọng và Suy nghĩ" còn gợi lại bao cảm xúc rất đỗi dung dị về tác giả của nó, một con người luôn liêm cẩn, chỉn chu, hài hòa trong mọi việc; sống vị tha, cống hiến, yêu thương và tôn trọng mọi người./.